Theo Kyodo News, động thái này diễn ra vào đúng thời điểm tròn 5 năm kể từ ngày Tòa Trọng tài (PCA) ra phán quyết lịch sử, bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” do Trung Quốc đơn phương đưa ra để tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông.
Trong một tuyên bố hôm 12/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu cho biết việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết từ PCA “làm suy yếu tính pháp quyền, một giá trị cơ bản của cộng đồng quốc tế".
“Hành động không tuân thủ phán quyết từ PCA của Trung Quốc đi ngược lại nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS)”, ông Toshimitsu nói trong tuyên bố.
Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Nhật Bản cũng cho biết, Tokyo "vẫn bày tỏ quan ngại nghiêm trọng" về tình hình ở Biển Đông, và nhắc lại "sự phản đối mạnh mẽ" đối với các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực bằng vũ lực hoặc cưỡng bức.
Trích dẫn tuyên bố của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm ngoái, ông Toshimitsu khẳng định Nhật Bản "đánh giá cao" cam kết mới của Philippines để hướng tới giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trong hòa bình.
Cùng chung quan điểm trên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cho biết trật tự hàng hải dựa theo luật lệ trên Biển Đông đang bị đe dọa lớn hơn bất kỳ nơi nào khác, đồng thời kêu gọi Trung Quốc "tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế" và "chấm dứt các hành vi khiêu khích".
Hôm 11/7, Ngoại trưởng Blinken kêu gọi Trung Quốc "thực hiện các bước để trấn an cộng đồng quốc tế rằng họ vẫn cam kết tuân thủ trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ".
Năm 2013, chính quyền cố Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã nộp đơn kiện lên PCA, cho rằng "đường 9 đoạn" do Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông không phù hợp với UNCLOS, và cần được tuyên bố là vô căn cứ.
Sau 3 năm xem xét, PCA hôm 12/7/2016 ra phán quyết, tuyên bố yêu sách "đường 9 đoạn" bao phủ 3,5 triệu km vuông ở Biển Đông của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Ngày 12/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận nhân dịp kỷ niệm 5 năm PCA ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông:
Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, theo đó Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS...
Việt Anh
Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/7 tái ủng hộ tuyên bố từ thời ông Trump, phản đối gần như toàn bộ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phán quyết Biển Đông: Cơ sở giải quyết tranh chấp mà không cần Trung Quốc công nhận
Các quan chức và chuyên gia cho rằng, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông 5 năm trước vẫn là cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình các tranh chấp.