Với căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang dâng cao, khả năng một tên lửa hoặc vũ khí hạt nhân đáp xuống Hàn Quốc và Nhật trở nên ngày càng sát với hiện thực.


Giữa Mỹ và Triều Tiên đã diễn ra một cuộc đấu khẩu gay gắt và liên tục sau khi Washington thông báo sẽ triển khai nhóm tàu tấn công tới khu vực. Bình Nhưỡng đã phản ứng mạnh và dọa tấn công phủ đầu.

{keywords}

Triều Tiên đã nhiều lần phóng thử tên lửa thời gian gần đây. (Ảnh: EPA)

Nếu làm như đe dọa, Triều Tiên sẽ tấn công tên lửa hay vũ khí hạt nhân?

Theo BBC, giới quan sát cho rằng trong khi Triều Tiên nỗ lực đạt được một năng lực tên lửa hạt nhân toàn diện, nước này có thể đã sở hữu một tên lửa tầm xa đủ sức bắn tới Mỹ.

Có ý kiến rằng các mối đe dọa của Triều Tiên chỉ mang tính khoe khoang và nước này không thể ra tay thực sự.

Nhưng nếu Triều Tiên vẫn cứ tấn công thì Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là các mục tiêu hàng đầu. Bình Nhưỡng dường như có trong tay nhiều tên lửa có thể bắn tới hai quốc gia này.

Hành động của Nhật và Hàn Quốc

Theo BBC, cả Hàn Quốc và Nhật đều có các hệ thống phòng thủ - với một số do Mỹ cung cấp - có thể chặn được tên lửa đang bay tới.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, hệ thống của nước này sử dụng các tàu khu trục Aegis và các đơn vị Patriot PAC-3 triển khai trên bộ. Còn ở Hàn Quốc, Mỹ đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD.

Nhật và Hàn Quốc cũng đang tiến hành các cuộc tập trận chung với Mỹ.

Cuối tuần trước, nhà chức trách Nhật ban hành một số hướng dẫn cho người dân về cách thức thoát khỏi một vụ tấn công tên lửa. Họ nhấn mạnh rằng tên lửa địch phải mất ít phút mới bay được tới Nhật, và người dân cần tìm nơi trú ẩn trong các tòa nhà hoặc dưới hầm.

Dân Nhật còn được khuyên rằng, nếu một tên lửa đáp xuống ngay bên cạnh thì họ nên che miệng và mũi rồi chạy đi. Nếu ở trong nhà, họ cần tránh xa các cửa sổ để tránh bị kính văng vào người.

Dân chúng sẽ được báo động về một vụ tấn công sắp xảy ra qua tivi, điện thoại di động, đài phát thanh và hệ thống loa công cộng - nhờ một hệ thống có tên gọi J-Alert.

Hồi tháng 3, một địa phương ở Nhật thậm chí còn diễn tập sơ tán. Theo báo Japan Times, một số quan chức địa phương hiện đang kêu gọi tổ chức diễn tập trên toàn quốc.

Ở Hàn Quốc, người dân đã quá quen với những lời đe dọa từ Triều Tiên. Do vậy, tâm trạng của họ hiện tại cũng không quá căng thẳng, và rất ít dấu hiệu cho thấy có sự chuẩn bị phòng thủ dân sự.

Theo BBC, các nhà chức trách Hàn Quốc cũng thường xuyên tổ chức diễn tập sơ tán và họ luôn có một hệ thống báo động khẩn.

Do chỉ nằm cách biên giới 56km, thủ đô Seoul của Hàn Quốc là một mục tiêu dễ bị hỏa pháo Triều Tiên nhắm tới.

Hôm 25/4, Triều Tiên tổ chức một cuộc tập bắn đạn thật quy mô lớn kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội. Giới phân tích ước tính nước này có tổng cộng hơn 20.000 khẩu pháo.

Triều Tiên từng tấn công bao giờ chưa?

Tháng trước, Bình Nhưỡng đã phóng một số tên lửa ra Biển Nhật Bản, với ba quả đáp xuống lãnh hải Nhật. Thủ tướng Shinzo Abe gọi đó là một "cấp độ đe dọa mới".

Giới chức trách Nhật Bản cho biết, một tên lửa tầm xa của Triều Tiên phóng hồi tháng 2/2016 đã bay qua các đảo ở Okinawa, di chuyển được 1.600km trong vòng 10 phút.

Trong khi đó, Hàn Quốc đã nhiều lần xích mích biên giới với Triều Tiên. Một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất gần đây là vào năm 2010, khi Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong ở biên giới biển giữa hai nước, khiến một số binh sĩ và dân thường thiệt mạng.

Cùng năm đó, một tàu hải quân của Hàn Quốc bị chìm ở cùng khu vực khiến 46 người chết. Vụ việc được cho là do ngư lôi mà Triều Tiên phóng đi từ một tàu ngầm.

Năm 2015, Bình Nhưỡng bắn một tên lửa về thị trấn Yeoncheon của Hàn Quốc ở biên giới phái tây, khiến phía Hàn phải tiến hành sơ tán.

Thanh Hảo