Ngày 8/12, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Đề nghị không tinh giản biên chế công chức, viên chức với TP lớn

Tham luận gửi đến hội nghị, TP Hà Nội cho biết, toàn thành phố có 646 trường hợp phải thay đổi để phù hợp với vị trí việc làm. Trong đó có 96 trường hợp điều chuyển để phù hợp với bằng cấp, chuyên môn, nghiệp vụ; 317 trường hợp phải đào tạo, bồi dưỡng bổ sung cho phù hợp với vị trí việc làm; 154 trường hợp phải nghỉ tinh giản biên chế; 79 trường hợp thôi việc và bố trí công tác khác.

vitrivieclam.jpeg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị 

Một số cơ quan, đơn vị đã thí điểm trả lương cho viên chức, người lao động theo vị trí việc làm như: Bệnh viện Tim Hà Nội, Trường THPT Phan Huy Chú, Nhà hát múa rối Thăng Long, một số Ban QLDA Đầu tư xây dựng chuyên ngành...

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng nêu một số khó khăn vướng mắc như việc quản lý, giao biên chế hành chính hiện nay chưa phù hợp với thực tiễn của các đô thị đang phát triển rất nhanh như Hà Nội.

TP Hà Nội cho rằng, việc liên tục giảm biên chế hành chính là rất khó khăn trong việc thực hiện đúng vị trí việc làm đã được xây dựng; công chức chịu sức ép lớn về khối lượng công việc được giao.

Trong khi đó, giai đoạn 2022 - 2026, Hà Nội phải tiếp tục cắt giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức dẫn đến việc xác định biên chế gắn với vị trí việc làm càng khó khăn. 

Vì vậy, TP Hà Nội kiến nghị các cơ quan Trung ương ban hành hướng dẫn cụ thể định mức biên chế công chức đối với các cơ quan, tổ chức hành chính và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực; xác định biên chế đáp ứng đúng, đủ với yêu cầu của vị trí việc làm.

TP Hà Nội cũng đề nghị xem xét không tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế công chức, biên chế viên chức hưởng lương ngân sách thuộc thành phố. Đồng thời có chính sách cụ thể, hợp lý trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư, luân chuyển, điều động khi thực hiện đề án vị trí việc làm. 

TP.HCM cũng nêu thực tiễn, có vị trí việc làm tương ứng 1 biên chế (vị trí người đứng đầu tổ chức), có vị trí việc làm tương ứng với nhiều biên chế (như vị trí giáo viên trong các trường học do nhiều người đảm nhiệm) và có vị trí phải thực hiện kiêm nhiệm (như 4 vị trí: kế toán, văn thư, thủ quỹ, y tế trong các trường mầm non chỉ do 2 người đảm nhận). 

Do đó, thành phố cũng gặp tình trạng số lượng người làm việc cần thiết theo vị trí việc làm cao hơn số lượng biên chế đang được giao. Nếu điều chỉnh số lượng người làm việc tăng theo đề án vị trí việc làm sẽ phát sinh tăng biên chế, trong khi đến năm 2026, TP.HCM phải giảm hơn 500 biên chế hành chính.

TP.HCM kiến nghị Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương sớm hướng dẫn vị trí việc làm công tác đảng trong các cơ quan chính quyền, đơn vị sự nghiệp có tổ chức đảng mà cấp ủy là Đảng bộ cấp trên cơ sở.

Đồng thời, xem xét, xác định giao biên chế các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác thuộc nhà nước quản lý trên cơ sở Đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

TP Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, hướng dẫn thống nhất về cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức để thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước.

Hoàn thành phê duyệt tất cả đề án vị trí việc làm trong quý 1/2024

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo hoàn thành xây dựng và phê duyệt tất cả đề án vị trí việc làm trong quý 1/2024, để quý 2 xây dựng hệ thống bảng lương mới, áp dụng từ ngày 1/7/2024.

Phó Thủ tướng cho rằng, cải cách bao giờ cũng gặp trở ngại, khó khăn, áp lực, nhạy cảm, nhưng đây là việc hệ trọng phải làm, khó tới đâu gỡ tới đó.

Ông yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp công tác tổ chức xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc chung trong các Nghị quyết của Trung ương.

vitrivieclam.jpeg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang

“Cần có sự linh hoạt nhất định, không cầu toàn, không được chủ quan, hời hợt để sau khi có đề án vị trí việc làm và hệ thống bảng lương mới có thể khích lệ, phát huy sự năng động, sáng tạo, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các bộ, ngành được giao tập trung rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định hướng dẫn vị trí việc làm theo ngành, lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất, liên thông, đồng bộ...

Phó Thủ tướng gợi ý Bộ Nội vụ có thể phối hợp với các bộ, ngành thiết lập “đường dây nóng” hoặc sử dụng ứng dụng mạng xã hội để kịp thời hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của các địa phương.

"Vị trí việc làm phải góp phần tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách Nhà nước", Phó Thủ tướng lưu ý.