Để “Viên ngọc Lý Sơn” mãi sáng

Lý Sơn là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, là một huyện đảo tiền tiêu ở miền Trung sau khi đảo được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi năm 1992. Trước đây, Lý Sơn (đảo lớn) có tên là cù lao Ré, theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây khoảng 25-30 triệu năm. Chính 5 ngọn núi này cũng là nguồn giữ các mạch nước ngầm chính cung cấp nguồn nước ngọt cho toàn bộ người dân trên đảo.

Được hình thành từ núi lửa nên những trầm tích của đảo Lý Sơn có niên đại hàng triệu năm, những mảng xanh bao phủ được tô thêm vẻ quyến rũ dưới ánh mặt trời của ngày mới hòa vào làn nước biển trong xanh biếc Lý Sơn thành thiên đường du lịch làm say lòng bao lữ khách. Đặc biệt, Lý Sơn là đảo tiền tiêu, là nơi xuất phát của các đội hùng binh Hoàng Sa, là quân cảng có thể tiến ra Hoàng Sa một cách gần nhất, do đó từ lâu Lý Sơn đã trở thành biểu tượng nơi đầu sóng ngọn gió.

Huyện đảo Lý Sơn nằm về phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý. Nếu đi tàu cao tốc, chúng ta mất khoảng 1h đồng hồ để đi ra đảo. Diện tích của huyện đảo Lý Sơn là 10,39 km², dân số theo tổng điều tra năm 2019 là 22.174 người, mật độ dân số khá cao lên tới đạt 2.134 người/km². Về phân bố, huyện đảo Lý Sơn gồm 2 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn, tức cù lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) ở phía bắc đảo Lớn và hòn Mù Cu ở phía đông của đảo Lớn.

hang cau.jpg
Thắng cảnh Cổng Tò Vò trên đảo Lý Sơn

Trên đảo có nhiều di tích (4 di tích quốc gia: đình làng An Vĩnh - di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa bên trên, đình làng An Hải, Âm linh tự - nơi thờ cúng oan hồn, cô hồn và phối thờ tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa và Chùa Hang). Các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, các dấu vết của văn hóa Chăm Pa và 24 chùa, am. Cùng nhiều thắng cảnh (rạn san hô, bãi ngầm, hang động, bãi tắm…) nên 10 năm trở lại đây Lý Sơn trở thành điểm tham quan du lịch được nhiều người biết đến. 

Ngoài ra, trên đảo có loài tỏi và hành Lý Sơn – vốn được trồng trên cát được xay vụn từ mảnh san hô nên có hương vị không nơi nào có được. Tỏi đơn côi Lý Sơn nhắc đến đã trở thành thương hiệu, biểu tượng của hòn đảo vì thế mà nơi đây còn được gọi với cái tên “vương quốc tỏi”. Tuy nhiên, mật độ dân số đông, sức ép từ hoạt động du lịch, hoạt động xả thải từ sản xuất và sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa đã khiến hòn đảo này đứng trước nguy cơ ô nhiễm nặng nề. Do đó, từ 3 năm trở lại đây Lý Sơn đang làm rất nhiều việc để khôi phục lại hình ảnh của mình, để “Viên ngọc Lý Sơn” sáng mãi giữa biển khơi.

Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường cho Lý Sơn

Trong buổi khảo sát và đánh giá thực trạng môi trường của đảo Lý Sơn mới đây, ông Huỳnh Ngọc Dũng – Phó giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đề xuất đẩy nhanh tiến độ xây dựng bãi tắm Hang Câu – một trong những Di tích thắng cảnh quốc gia của địa phương này. Tuy nhiên ông Dũng lưu ý, việc đổ cát xây dựng bãi tắm nhân tạo cần lưu ý bảo vệ di tích, bởi Hang Câu là khu vực khá nhạy cảm.

Theo ông Dũng, tình trạng vệ sinh môi trường khu vực Hang Câu bẩn, gây phản cảm cho du khách khi đến đây tham quan những năm gần đây là thực tế cần khắc phục sớm. Vì vậy, Lý Sơn mới có chủ trương cho thu dọn, đổ cát để làm bãi tắm nhân tạo đồng thời chỉnh trang cảnh quan sao cho sạch và đẹp hơn. Tuy nhiên, sự can thiệp này không thô bạo hay xây dựng gì gây ảnh hưởng hoặc làm thay đổi cảnh quan thắng cảnh này.

Bên cạnh xây dựng bãi tắm Hang Câu, huyện Lý Sơn đang đẩy mạnh quá trình thu gom rác thải nhựa và tuyên truyền du khách “nói không với rác thải nhựa”. Theo đó, nhiều khu vực công cộng huyện Lý Sơn đã đưa ra những khẩu hiệu vận động du khách giữ lại rác thải nhựa cá nhân và mang trở lại đất liền. Bên cạnh đó, các tour du lịch lặn biển hay tới với Lý Sơn sẽ có hạng mục nhặt rác, làm sạch hòn đảo được nhiều người hưởng ứng, nhất là du khách nước ngoài.

Được biết, trung bình mỗi tháng các thợ lặn vớt rác của Khu bảo tồn biển Lý Sơn cùng du khách thu gom được hàng trăm kg rác thải nhựa các loại (chai nhựa, lọ, bao bì, lon nước giải khát…); làm sạch 3 trạm san hô với diện tích hơn 1.500m2 để giúp san hô phát triển tốt hơn, đồng thời thu hút thủy sinh, giảm ô nhiễm vi nhựa cho hòn đảo. Bên cạnh việc hạn chế rác thải nhựa, công tác vệ sinh môi trường trên đảo cũng được chú trọng khi kêu gọi người dân và du khách cùng chung tay bảo vệ hòn đảo, vứt rác đúng nơi quy định; thu gom rác về nơi tập trung để xử lý.

Song song với xử lý rác thải, một vấn đề đau đầu khác của Lý Sơn là quy hoạch không gian sống cho người dân (đất ở, đất sản xuất và đất nghĩa trang). Với đất ở, Lý Sơn có mật độ dân số cao nên việc quy hoạch các khu dân cư mới  bên cạnh việc giữ lại diện tích đất nông nghiệp trên đảo là bài toán khó. Đặc biệt, chính quyền Quảng Ngãi kêu gọi dân Lý Sơn thích nghi với hỏa táng, vận động người dân Lý Sơn quy tập mồ mả nhằm tiết kiệm quỹ đất vừa đảm bảo môi trường, tránh phá vỡ cảnh quan huyện đảo này.

Bình luận về những mồ mả của Lý Sơn, chuyên gia văn hóa TS Mai Hồng Phong cho rằng, huyện đảo Lý Sơn có diện tích vỏn vẹn gần 10 km2 nhưng dân số đông đúc hơn 22.000 người nên nhu cầu đất đai phục vụ dân sinh rất lớn. “Rất nhiều mồ mả của ngư dân đi biển là mộ gió (mộ không có hài cốt), nhưng mồ mả người chết lại dày đặc tại các nghĩa địa tự phát và trên các sườn núi (khu vực Giếng Tiền, Hòn Sỏi, Hòn Vung, dưới chân chùa Đục…). Nếu không sớm quy hoạch tập trung, thời gian ngắn tới đi đến đâu cũng gặp nghĩa địa của người chết, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo tồn và phát triển bền vững Lý Sơn”, TS Mai Hồng Phong nói.

Theo báo cáo của UBND huyện đảo Lý Sơn, trên đảo hiện có hơn 6.000 mồ mả ở các khu nghĩa địa, nằm rải rác khắp các sườn núi và len lỏi trong các khu dân cư. Do đó, huyện đang tập trung tiến độ hoàn thiện Nghĩa trang nhân dân huyện Lý Sơn và phấn đấu quy tập xong khoảng 1.000 mồ mả rải rác trước cuối năm 2023 này.

Duy Tuấn và nhóm PV, BTV