Thời gian qua, phong trào xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn đã tạo nên những diện mạo mới cho các làng xã, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trong đồ án Quy hoạch xây dựng nông thôn, nội dung Quy hoạch sử dụng đất, Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và Quy định quản lý quy hoạch có đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn các di sản làng xã thông qua việc khoanh vùng các di sản, định rõ chức năng và các định hướng cải tạo, bảo tồn công trình kiến trúc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các nội dung bảo tồn mới chỉ được làm rõ trong Luật Di sản văn hóa. Trong các đồ án Quy hoạch nông thôn, nội dung này chưa được quy định mang tính pháp lý, bắt buộc, chưa cụ thể, nhất là với các di sản chưa phải là di tích. Sự quan tâm đến vấn đề di sản trong các đồ án ở từng địa phương là khác nhau, dẫn đến vai trò của đồ án quy hoạch đối với việc bảo tồn di sản chưa được phát huy.

W-dongngac-1.png
Một góc làng cổ Đông Ngạc

Bên cạnh đó, việc bảo tồn các di sản trong làng truyền thống cũng có những đặc trưng riêng mà người thiết kế quy hoạch vẫn chưa có đủ cơ sở để thiết lập, cả về lý luận và thực tiễn. Di sản làng xã truyền thống không thể bảo tồn theo hình thức “bảo tàng hóa” mà nó là các di sản sống, có giá trị với cuộc sống đương đại và cũng có những sự thay đổi theo yêu cầu của cuộc sống, cần phải có một cách tiếp cận bảo tồn mới.

Hà Nội là địa phương có kết quả xây dựng nông thôn mới đi đầu cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực về đời sống kinh tế thì quá trình triển khai chương trình này cũng đặt ra những thách thức về giữ gìn bản sắc kiến trúc của nông thôn.

Quy hoạch, kiến trúc chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội, nên khi người dân càng có điều kiện xây dựng các công trình mới thì bộ mặt kiến trúc nông thôn càng xa rời bản sắc truyền thống. Không gian kiến trúc truyền thống bị phá vỡ. Những ao làng, hệ thống cây xanh bị mất đi. Nhiều công trình mọc lên có kiến trúc không phù hợp với không gian truyền thống.

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định dành 30% diện tích đất để phát triển đô thị, còn tới 70% diện tích hành lang xanh là khu vực nông thôn. Nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với kinh tế phát triển, khu vực nông thôn đang đối diện với thực trạng nhiều làng, xã trở thành “phố làng”, cấu trúc không gian bị thay đổi nhanh chóng và không có khả năng kiểm soát.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, nguyên nhân của tình trạng này một phần do những bất cập, chồng chéo trong các quy định pháp luật gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch.

Cụ thể, theo Luật Xây dựng 2013, nhà ở riêng lẻ tại nông thôn thuộc đối tượng miễn phép xây dựng, trong khi trên địa bàn các huyện thuộc khu vực đô thị trung tâm (theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô) đã cơ bản được phủ kín các quy hoạch phân khu đô thị, dẫn đến chính quyền cơ sở rất khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng.

“Nếu không quản lý trật tự xây dựng sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch, để lại hậu quả rất lớn sau này, nhưng quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng sẽ không phù hợp với luật định” – ông Lưu Quang Huy nêu.

Việc thiếu các công cụ về quy hoạch, quy chế, quy định quản lý về không gian kiến trúc cảnh quan cùng với sự phát triển về kinh tế đã khiến bộ mặt nông thôn thời gian qua có những biến đổi mạnh mẽ theo xu hướng “đô thị hóa” một cách tùy tiện.

Công tác quy hoạch mới chỉ nặng về xác định các chỉ tiêu trong khi rất thiếu những hướng dẫn, quy định về kiến trúc. Điều này dẫn đến trong quá trình đô thị hóa, kiến trúc công trình phát triển tự phát, lai tạp, mất dần bản sắc địa phương, vùng miền, phá vỡ cấu trúc không gian truyền thống, phá hủy nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể…

Vĩnh Sang và nhóm PV, BTV