Thực tế cho thấy, hiện nay, mỗi quý có đến gần chục báo cáo thị trường bất động sản được công bố trên các phương tiện truyền thông. Ngoài các báo cáo của các công ty đa quốc gia như CBRE, Savills, JLL… còn có báo cáo từ tổ chức trong nước như batdongsan.com.vn, DKRA Việt Nam hay Hội Môi giới bất động sản Việt Nam…

Thế nhưng có hiện tượng là số liệu của các báo cáo thị trường có sự chênh lệch, không đồng nhất. Hay chuyên gia đơn vị tư vấn đưa ra lời xin lỗi, điều chỉnh dự báo thị trường bất động sản…

Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, các báo cáo với thông tin, dự báo chưa chính xác có thể gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Theo ông Châu, mỗi đơn vị tư vấn, chuyên gia đánh giá thị trường đứng từ góc nhìn khác nhau. Trong đó có cả những lợi ích. 

Chia sẻ câu chuyện từ năm 2016, ông Châu cho biết đã từng có báo cáo Thủ tướng về thông tin liên quan đến bất động sản TP.HCM không chính xác từ một công ty tư vấn. 

Thực tế cho thấy, ở một số báo cáo có nội dung rất trách nhiệm, đánh giá độc lập mức độ liên quan, chính xác. Báo cáo được trình bày cho mục đích thông tin được dành riêng cho khách hàng và chuyên gia của đơn vị. 

W-nha-dat-tram-ty-hong-khanh-vietnamnet-2-1.jpg
Sau khi sửa Luật Kinh doanh bất động sản, nghị định liên quan hoàn thiện sẽ có cổng thông tin về thị trường bất động sản. (Ảnh: Hồng Khanh)

“Số liệu trên báo cáo thị trường có thể chỉ đánh giá trên cơ sở khách hàng của đơn vị đó nên không thể đại diện cho cả thị trường. Ở lăng kính lợi ích có thể để khuyếch trương kinh doanh nên đơn vị đưa ra những tỷ lệ, giá bán có lợi để nhà đầu tư tin rằng thị trường khu vực đó đang tốt, cũng như họ cũng đang hoạt động rất hiệu quả… Điều này có thể gây ảnh hưởng đến thị trường, gây nhiễu loạn thông tin” – ông Châu nói. 

Từ đó, vị Chủ tịch HoREA cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cũng phải chấn chỉnh lại nguồn thông tin của các đơn vị, cá nhân. Các đơn vị phải có dẫn nguồn thông tin, phân tích trên cơ sở dữ liệu, phạm vi như thế nào… Họ cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin đó. 

“Nếu có trường hợp gây thiệt hại cho bên thứ 3 thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Điều quan trọng là các đơn vị cũng phải xây dựng thương hiệu của chính mình. Báo chí truyền thông cũng cần phải cẩn trọng khi đưa các thông tin” – ông Châu nêu ý kiến. 

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo quý III của Bộ Xây dựng hôm 19/10, ông Hoàng Hải - Cục Trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) thừa nhận, hiện có rất nhiều nguồn thông tin về thị trường, bên cạnh các đơn vị nghiên cứu, các sàn giao dịch bất động sản, môi giới cũng đưa ra thông tin. 

Đối với Bộ Xây dựng, thông tin dựa trên cơ sở các địa phương gồm 58 tỉnh thành, cũng tham khảo tổ chức, hiệp hội. Mặc dù thông tin của Bộ chậm nhưng chính thống cung cấp cho các cá nhân, tổ chức quan tâm.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết, hiện, nhiều tổ chức, cá nhân thông tin về thị trường bất động sản. Tuy nhiên, những thông tin chỉ trong một phạm vi nhất định, góc nhìn nhất định nên thông tin khác nhau. 

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, trong Luật Kinh doanh Bất động sản cấm hành vi thông tin sai lệch thị trường bất động sản.

Trước thông tin phản ánh của báo chí về việc có sự sai lệch trong giá bán bất động sản, như nhiều dự án thấp tầng lên tới 300 triệu đồng/m2, trong khi khảo sát thị trường đều thấp hơn mức giá trên. Thứ trưởng cho biết sẽ yêu cầu địa phương kiểm tra. Khi có thông tin chính thức sẽ thông tin tới báo chí. 

“Sắp tới sau khi sửa Luật Kinh doanh bất động sản, nghị định liên quan hoàn thiện sẽ có cổng thông tin về thị trường. Theo đó, mọi thông tin về giao dịch hằng ngày, giá bán, số lượng giao dịch sẽ được cập nhật liên tục, chính xác và minh bạch”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.