Những thông tin cụ thể về “bức tranh” chuyển đổi số của huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) vừa được ông Nguyễn Đức Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Thắng chia sẻ với phóng viên Báo VietNamNet.
Phóng viên: Đâu là những điểm nổi bật nhất trong hoạt động chuyển đổi số của huyện Bảo Thắng, thưa ông?
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Bình: Huyện Bảo Thắng có diện tích khoảng trên 64.000ha, dân số trên 112.000 người, sinh sống trên 188 thôn ở 14 xã, thị trấn, có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người Kinh chiếm khoảng 59%, còn lại 41% là đồng bào dân tộc thiểu số gồm có người Mông, Dao, Tày… Nhiều đồng bào dân tộc miền núi cũng là một phần khó khăn nhất định trong công tác chuyển đổi số.
Tuy nhiên, tới nay, các lĩnh vực chuyển đổi số của huyện Bảo Thắng đều được triển khai theo kế hoạch chung của tỉnh Lào Cai, đặc biệt là 3 trụ cột trong chuyển đổi số.
Với chính quyền số, huyện đã tập trung thực hiện các hệ thống phần mềm quản lý trong chính quyền số như quản lý văn bản điều hành, một cửa, dịch vụ công trực tuyến… Đặc biệt, Bảo Thắng đã được tỉnh phê duyệt xây dựng kế hoạch xây dựng xã Gia Phú là xã nông thôn mới thông minh điểm của tỉnh.
Với kinh tế số, thế mạnh của Bảo Thắng là nông nghiệp. Chúng tôi tập trung xây dựng kinh tế số gắn với Nghị quyết 10, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Hiện tất cả 39 sản phẩm OCOP của Bảo Thắng đã được đưa lên sàn thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm phát triển tốt thông qua các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội và các kênh bán hàng trực tuyến khác.
Với xã hội số, với mong muốn người dân ở ngay tại chỗ có thể làm được các dịch vụ công trực tuyến, chúng tôi đang chỉ đạo rất quyết liệt về việc mỗi xã lựa chọn một thôn để làm thôn điểm trong chuyển đổi số.
Hoạt động chuyển đổi số tại địa phương gặp phải những khó khăn, thách thức gì?
Khó khăn rất nhiều chị ạ. Hạ tầng cho chuyển đổi số ở miền núi mới chỉ đáp ứng những phần cơ bản thôi, ví dụ như đường truyền cáp quang, hay mạng băng thông rộng phủ đến các nơi, hoặc một số trang thiết bị ban đầu. Còn những hạ tầng lớn như máy chủ hay băng thông đường truyền tốc độ cao hẳn thì các huyện miền núi như chúng tôi vẫn chưa có nhiều.
Nhân lực chuyển đổi số cũng là một khó khăn. Chẳng hạn, chúng tôi có rất ít chuyên gia an ninh an toàn ở cấp huyện. Cả huyện hiện mới chỉ có 1 chuyên gia.
Khó khăn lớn nhất vẫn là sự không đồng đều trong nhận thức của người dân khi chuyển đổi số. Có vùng thì người dân tiếp cận rất nhanh các dịch vụ, công nghệ số. Nhưng cũng có những nơi còn rất chậm. Sự chênh lệch như thế khiến việc triển khai rộng khắp chuyển đổi số trên địa bàn huyện cũng cần rất nhiều thời gian.
Đâu là “kim chỉ nam” của Bảo Thắng khi chuyển đổi số?
Chúng tôi xác định chuyển đổi số phải gắn với người dân, lấy người dân làm trung tâm. Tất nhiên cũng phải lựa chọn việc dễ để tuyên truyền, tiếp cận trước với người dân, sau đó mới làm việc khó. Ví dụ, hiện nay người dân rất mong muốn được giải quyết các thủ tục hành chính nhanh, thuận tiện, không phiền hà, không phải đi lại nhiều, thì mình hướng dẫn trước những thủ tục nhỏ, người dân làm được, thấy lợi ích, hiệu quả thì sẽ làm các thủ tục khác phức tạp hơn.
Tới nay, 100% dịch vụ công trực tuyến cấp huyện đều đưa lên mức 4. Cũng giống các huyện khác, đất đai và tài nguyên môi trường là lĩnh vực hồ sơ phát sinh nhiều nhất, chiếm trên 70% hồ sơ phát sinh của huyện trong 1 năm. Còn các lĩnh vực khác khoảng 30%.
Định hướng của chúng tôi là, về chính quyền số thì phải làm từ các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý trước, nhưng với xã hội số thì phải làm từ người dân trở lên thì mới có hiệu quả.
Ông đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương?
Hiện nay, 100% các thôn và tổ dân phố tại Bảo Thắng đều có các tổ công nghệ số cộng đồng. Toàn huyện có 188 tổ và gần 1.300 thành viên. Dù không có phụ cấp nhưng nhiều tổ hoạt động rất tích cực.
Các tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn sẽ tư vấn, hướng dẫn cho người dân có thể làm được ngay thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 – 4 ngay tại cơ sở. Chỉ cần đến nhà văn hóa thôn thì người dân có thể thao tác và thực hiện được các dịch vụ công trực tuyến đơn giản. Khi chúng tôi trực tiếp xuống kiểm tra, có bác trên 70 tuổi rồi, hỏi bác có biết làm thủ tục trực tuyến không, bác bảo lúc đầu không biết làm, nhưng được hướng dẫn khoảng 1 tiếng đồng hồ là bác làm được. Còn người trẻ có thể chỉ cần 20 phút.
Hàng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông có rất nhiều dự án, chương trình hỗ trợ các địa phương chuyển đổi số. Với Bảo Thắng thì sao, thưa ông?
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có nhiều chương trình giúp đỡ cho Lào Cai nói chung, huyện Bảo Thắng nói riêng. Hiện nay, gần như tất cả các tổ dân phố ở Bảo Thắng đều truy cập được trang Làng Số để tìm hiểu thông tin, kinh nghiệm hay về chuyển đổi số. Hoặc thông qua các đợt tập huấn trên nền tảng MOOC do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai, các cán bộ chủ chốt và cán bộ làm công nghệ thông tin có thể truy cập để học tập, bồi dưỡng rất nhiều kỹ năng, rút ngắn rất nhiều về thời gian, không gian, khoảng cách. Từ đó có thể bồi dưỡng, tập huấn lại cho người dân và các cán bộ, công chức, viên chức khác để thực hiện chuyển đổi số. Những chương trình đó rất hiệu quả.
Còn các bộ, ngành khác thì sao?
Các ngành khác cũng có rất nhiều chương trình hỗ trợ chuyển đổi số. Ví dụ Bộ Giáo dục, Bộ Y tế hỗ trợ địa phương chuyển đổi số theo ngành dọc. Hoặc Sở Công Thương, Bộ Công Thương đã khuyến khích, tập huấn, bồi dưỡng cho người dân biết đăng tải, biết mua bán, biết giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Những hoạt động này rất thiết thực cho người dân.
Bảo Thắng có chủ trương xã hội hóa để thu hút nguồn đầu tư cho hoạt động chuyển đổi số hay không?
Về cơ bản bây giờ, xã hội hóa trong chuyển đổi số của Bảo Thắng xuất phát từ nhân dân. Ví dụ tại thôn, người dân sẵn sàng đóng góp để mua máy tính, thiết bị wi-fi phát ở nhà văn hóa, mua các trang thiết bị phục vụ để đảm bảo nhà văn hóa có thể kết nối hệ thống lên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cũng như của quốc gia. Cái đó hoàn toàn của nhân dân đóng góp.
Mặt khác, huyện thường xuyên phối hợp, kêu gọi các doanh nghiệp cố gắng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong các vùng khó khăn.
Về hạ tầng số, huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, đang tiếp tục đầu tư các hạ tầng cơ bản để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số cho nhân dân ở các thôn, tổ dân phố, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Ông có thể chia sẻ mong muốn lớn nhất bây giờ của mình về hoạt động chuyển đổi số của địa phương?
Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là mỗi người dân ở Bảo Thắng là một công dân số. Người dân có thể sinh sống, hoạt động trong môi trường bình thường nhưng tương tác trên môi trường số một cách thuận tiện. Từ các thủ tục hành chính tới các dịch vụ khác, người dân đều tiếp cận được ở trên môi trường số.
Ông có đề xuất, kiến nghị gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả chuyển đổi số của Bảo Thắng trong thời gian tới?
Trước hết, rất mong các thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa hơn để người dân dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là khi đưa lên dịch vụ công trực tuyến. Chẳng hạn, lĩnh vực tài nguyên môi trường bây giờ, có những thủ tục yêu cầu đến 10 đầu hồ sơ.
Để người dân sớm làm được thủ tục trực tuyến thì lĩnh vực tài nguyên môi trường phải được số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu, nhưng hiện nay Bảo Thắng vẫn chưa được số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu đất đai.
Hoặc một số ngành khác, chúng tôi rất mong muốn được sự hướng dẫn từ cấp trên xuống, nhưng phải đồng bộ. Hiện nay có những ngành triển khai rất mạnh nhưng có những ngành lại chưa kết nối liên thông được.
Bảo Thắng là huyện dẫn đầu trong thực hiện Đề án 06, định danh điện tử mức độ 2. Cơ sở dữ liệu xong rồi. Còn lại bây giờ tới các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Theo chỉ đạo chung của từng ngành, Bảo Thắng cũng đã xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành ở cấp huyện. Tuy nhiên, để khai thác, phát huy được tối đa hiệu quả thì phải liên thông, tích hợp được. Nhưng hiện nay, việc tích hợp, liên thông với các cơ sở dữ liệu khác nhau còn rất hạn chế. Ví dụ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài nguyên môi trường, giáo dục, y tế… chưa thể liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư. Khi đi khám bệnh viện, hồ sơ bệnh án của bệnh viện lại là 1 phần mềm ứng dụng khác, không tích hợp vào trong cơ sở dữ liệu dân cư, người dân sau đó đi khám ở nơi khác thì dữ liệu khám chữa bệnh vẫn chưa liên kết được.
Cảm ơn ông rất nhiều vì đã chia sẻ thông tin với Báo VietNamNet!