Công dân số là gì?
Cẩm nang "Chuyển đổi số" do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đã định nghĩa: Công dân số là người dân được trang bị năng lực số để sống giữa môi trường được số hóa toàn diện.
Chín yếu tố cấu thành công dân số là khả năng truy cập các nguồn thông tin số, khả năng giao tiếp trong môi trường số, kỹ năng số cơ bản, mua bán hàng hóa trên mạng, chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số, quyền và trách nhiệm trong môi trường số, định danh và xác thực, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số.
Vào năm 2025, đại đa số người dân trên thế giới sẽ trải qua một sự thay đổi to lớn chỉ trong vòng một thế hệ: từ chỗ gần như không tiếp cận được thông tin đến chỗ có thể truy cập tất cả thông tin trên thế giới thông qua điện thoại di động thông minh.
Kênh tương tác hiệu quả giữa chính quyền và người dân
Hiện nay, các địa phương đã và đang đầu tư nhiều tiện ích, ứng dụng để phát triển công dân số.
Mới đây, ngày 6/10, tỉnh Lào Cai cho ra mắt ứng dụng mini app “Lào Cai số” trên nền tảng công nghệ Zalo.
Với quan điểm người dân ở đâu, chính quyền ở đó, trên cơ sở hơn 400.000 người dân Lào Cai sử dụng zalo, ứng dụng này sẽ cung cấp thêm một kênh tương tác thân thiện giữa người dân và chính quyền.
Ứng dụng Lào Cai số có các tính năng như quét mã QR, giúp người dùng có thể tìm kiếm thông tin hồ sơ, tin tức,..; theo dõi tình hình thời tiết hiện tại trên toàn bộ tỉnh Lào Cai với thời gian thực; theo dõi lịch cắt điện với đầy đủ thời gian, địa điểm cắt điện; đọc báo, theo dõi tin tức từ Báo Lào Cai điện tử, Cổng thông tin của tỉnh và theo dõi truyền hình, lịch phát sóng; theo dõi tin tức du lịch, địa điểm du lịch, tour du lịch trên tỉnh Lào Cai; theo dõi tin tức từ nền tảng học trực tuyến One Touch; giúp nhập hồ sơ, thực hiện gửi hồ sơ, sau đó người dùng tra cứu kết quả hồ sơ theo mã hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và người dân có thể thực hiện việc gửi phản ánh, đồng thời theo dõi kết quả phản ánh sau khi gửi…
Ứng dụng Lào Cai số sẽ góp phần nâng cao trải nghiệm của người dân đối với các phần mềm chuyển đổi số, giúp cho giao tiếp qua lại giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức và các cơ quan chính quyền trở nên thuận tiện, thân thiện, minh bạch, đỡ tốn kém và hiệu quả hơn.
Trước đó, hồi tháng 4/2023, tỉnh Yên Bái cũng đưa vào hoạt động thí điểm Ứng dụng công dân số YenBai-S trên địa bàn thành phố Yên Bái. Đây là ứng dụng trên thiết bị thông minh để người dân tương tác trực tiếp với các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Ứng dụng cung cấp 17 tiện ích bao gồm: hệ thống phản ánh góp ý, thông báo, dịch vụ công, chợ số, thông báo vi phạm giao thông, tổng đài, y tế, giáo dục, du lịch, tra cứu tiền điện, tra cứu tiền nước, bưu chính chuyển phát, dịch vụ giao thông, dịch vụ kỹ thuật tại nhà và các tiện ích khác.
Ngoài ra, trên ứng dụng Công dân số YenBai-S cũng tích hợp các ứng dụng của chính quyền số: xử lý phản ánh kiến nghị, thư điện tử, sổ tay đảng viên điện tử, quản lý văn bản điều hành…
Tại Ninh Bình, ứng dụng công dân số Ninh Bình (My Ninh Bình) được xây dựng với mục tiêu trở thành kênh giao tiếp tổng hợp chính thức và duy nhất cho việc trao đổi thông tin giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ứng dụng còn là điểm truy cập kết nối tới các ứng dụng, cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ người dân trong cuộc sống; là công cụ hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh Ninh Bình.
Ứng dụng cho phép người dân tra cứu các tiện ích cơ bản như: Thủ tục hành chính, hồ sơ y tế, quan trắc môi trường, đất đai... Ngoài ra, người dân có thể tạo phản ánh trên ứng dụng cho chính quyền xử lý và theo dõi tiến độ cũng như hiệu quả công việc của chính quyền.
Tại Long An, chiều 18/9, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An và Công ty Cổ phần VNG tiến hành ký kết hợp tác khai thác Nền tảng Công dân số “Long An số” trên ứng dụng mini app của Zalo.
Việc xây dựng nền tảng Công dân số “Long An Số” trên ứng dụng mini app của Zalo nhằm thúc đẩy phát triển xã hội số, tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống; người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An Bùi Nguyên Khởi tin tưởng rằng các nội dung ký kết sẽ được cụ thể hóa bằng những hành động thực tiễn để công tác chuyển đổi số được lan tỏa đến mọi ngõ ngách của đời sống, mang lại giá trị và hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.