Theo Tiến sĩ – Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Việt Nam đứng thứ 33 thế giới, thứ 5 châu Á về chiều dài bờ biển (3.444km) với hàng chục đô thị biển, có tiềm năng và cơ hội rất lớn để phát triển đô thị biển, kiến tạo thành cường quốc tốp đầu thế giới về phát triển đô thị biển gắn với phát triển kinh tế biển.
“Đây là con đường tương lai tươi sáng của Việt Nam, hướng quan trọng để tạo nhảy vọt về tăng trường kinh tế, vươn tầm GDP”, ông Sơn nhận định.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá cao tinh thần lấn biển để tạo quỹ đất phát triển đô thị và các khu dịch vụ chuyên sâu đã mở rộng quy mô đáng kể cho sự phát triển các đô thị biển, qua đó tạo sự tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư vượt trội. Điển hình như Kiên Giang - địa phương mạnh dạn sáng tạo lấn biển với diện tích gần 5km2 tại Rạch Giá, đưa một đô thị nhỏ bé phát triển đạt tầm trung tâm vùng miền. Quảng Ninh cũng nhờ lấn biển, kết hợp phát triển đồng bộ, đã đưa thành phố Hạ Long đạt tầm tương tự. Hải Phòng với khu nam Đình Vũ hình thành từ đầm lầy hoang hóa cũng đã trở thành khu công nghiệp hiện đại tầm quốc tế.
Ông cho rằng, sự thành công về phát triển đô thị biển giai đoạn vừa qua, nổi trội là vấn đề lấn biển, có được nhờ nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố cốt lõi gồm: Sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo của các tỉnh thành khi thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và hành lang pháp lý quốc gia; Lựa chọn được vị trí tốt và xác định quy mô phù hợp; Biết huy động tổng thể, hiệu quả, hài hòa và kịp thời nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính.
Tuy nhiên, “do quy hoạch và nền tảng pháp lý chưa đầy đủ, nếu vẫn tiếp tục như vậy thì chỉ trong một thời gian không xa nữa sẽ nảy sinh sự hỗn loạn, chồng chéo trong phát triển đô thị biển, dẫn đến lãng phí, nguy cơ mất bền vững khó cứu vãn”, ông Sơn lưu ý.
Để tránh nguy cơ nêu trên, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khuyến nghị, cần chú ý một số nội dung sau.
Thứ nhất, cần hoàn thiện ổn định hệ thống quy hoạch quốc gia, trong đó có quy hoạch hệ thống đô thị biển có tính liên vùng, kết nối và tích hợp; phân rõ vai trò, nhiệm vụ của từng đô thị, không để mục tiêu, chiến lược phát triển đô thị chung chung với những tiềm năng và triển vọng ảo ảnh; chia rõ các đô thị theo cụm, vùng theo tiềm năng lợi thế để từ đó định hướng phát triển phù hợp.
Thứ hai, xác định khả năng kết nối, giao thương quốc tế là một bài toán phải được đưa vào từ đầu, cho từng vùng, từng đô thị một cách cụ thể. Giải đáp chính xác việc xây dựng trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí.
Thứ ba, tuyệt đối tránh tư duy cục bộ, cát cứ trong việc xây dựng đô thị biển. Từng đô thị biển cần xác định chiến lược dài hạn có điểm dừng về quy mô đất đai dể tính toán cân bằng, hài hòa, khả thi việc xây dựng và phát triển bền vững. Hạn chế tối đa phát triển nóng. Tính toán đầy đủ, khả thi về khả năng cung ứng nhân lực.
Thứ tư, phân rõ loại hình đô thị biển theo các dạng để chọn mô hình phát triển đúng, quan tâm đến loại hình đô thị biển pha sông và đô thị đảo – những mô hình có lợi thế đặc sắc riêng. Việc phát triển cảng biển và công nghiệp gắn với cảng là lợi thế của đa số đô thị nhưng phải lựa chọn quy mô thích ứng.
Thứ năm, việc lấn biển là một yêu cầu nên xem xét nghiên cứu để lựa chọn phù hợp với mô hình từng đô thị ven biển. Việc này phải được tính toán từ đặc điểm địa hình địa mạo, điều kiện tự nhiên, khí hậu cũng như nhu cầu thực sự của đô thị đó. Cần đưa vào quy hoạch dự báo để chọn quy mô, vùng, cũng như phương thức lấn biển thích hợp (kết nối đất liền hay dạng đảo). Phải đảm bảo nền móng xây dựng công trình tránh sụt sạt; cung cấp đủ nhu cầu nước ngọt cho toàn đô thị; khả thi về vật liệu lấn biển; tính toán kỹ khả năng chống biến đổi khí hậu, ảnh hưởng môi trường sinh thái khi lấn biển
Với các đô thị biển bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề nước biển dâng trong tương lai, nhất là các tỉnh Nam bộ, thì việc lập kịch bản biến đổi khí hậu khoa học và đầy đủ cho từng đô thị trước khi bàn về hướng phát triển trong tương lai là một yêu cầu bắt buộc. Cần tránh hiện tượng phần đô thị hiện hữu thì ngập sâu trong nước biển, còn phần lấn biển lại nổi chơi vơi trên biển.