Những con số biết nói

Với kết quả tăng trưởng quý I/2023 chỉ đạt 3,32%, thấp bậc nhất trong 12 năm và để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5% được Quốc hội giao, thì tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7%, quý III là 7,5% và quý IV là 7,9%; hay nói cách khác, các quý còn lại của năm cần đạt mức tăng trưởng 7,5%.

Tốc độ tăng trưởng của quý III và IV như trên cao hơn lần lượt là 1 điểm phần trăm và 0,8 điểm phần trăm so với kịch bản đã được đặt ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ. Tốc độ tăng trưởng của hai quý này sẽ phải tăng gấp hơn 2 lần so với của quý I. Đây là mục tiêu đầy thách thức.

Điều đáng quan tâm là các động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng đều đang khựng lại trong quý I/2023 so với cùng kỳ, thể hiện ở một số điểm.

Vốn FDI cả đăng ký mới, lẫn vốn thực hiện đều giảm mạnh. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8%; vốn FDI thực hiện đạt 4,32 tỷ USD, giảm 2,2%.

Nền kinh tế đã trải qua nhiều khó khăn; hoạt động của doanh nghiệp đình trệ, người lao động mất việc làm, nhiều mong ước khó hoàn thành. Ảnh: Hoàng Hà

Giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giảm sâu. Xuất khẩu hàng hóa giảm 11,9% trong khi nhập khẩu hàng hóa giảm 14,7%.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 60,2 nghìn, tăng 17,4%; bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn, là con số rất cao so với trung bình 12 nghìn các năm gần đây. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 cho thấy số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn thấp hơn nhiều so với các quý năm 2022 (chỉ có 24,3%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tính giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/3/2023 giảm 2,2%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,6%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tăng 19,8%.

Hơn nữa, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022 là mức khá cao. Trong khi đó, lạm phát dự báo sẽ còn gặp áp lực lớn từ bên ngoài do tăng giá nhiên liệu và nhất là khoản lạm phát đã nhập khẩu từ năm trước qua than, xăng dầu nhập khẩu với giá cao từ, gây lỗ lớn cho ngành điện, năm nay bắt buộc phải nâng giá điện. Nhập khẩu lạm phát cũng khó mà tránh được sau khi Trung Quốc mở cửa…

“Khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi”

Những con số nêu trên liệu có bất ngờ, ngoài dự liệu? Câu trả lời là không.

Xin cùng xem lại chỉ đạo chung của Chính phủ trong Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… năm 2023:

"Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.

Những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất trong nước, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tích tụ từ lâu chưa được xử lý dứt điểm; quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế…".

Như vậy, khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi và đến nay tình hình diễn ra như dự báo.

Sau những đợt phong tỏa chống Covid kể từ 2020 và chịu tác động của những biến động khôn lường trên thế giới, nền kinh tế đã trải qua nhiều khó khăn; hoạt động của doanh nghiệp đình trệ, người lao động mất việc làm, nhiều mong ước khó hoàn thành.

Bên cạnh đó, đáng báo động là tốc độ tăng trưởng kinh tế đang giảm dần; cứ 10 năm tăng trưởng GDP trung bình, giảm hơn 0,5 điểm phần trăm.

Động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng đều đang khựng lại trong quý I/2023 so với cùng kỳ. Ảnh: Hoàng Hà

Các chuyên gia tính toán, trong kế hoạch 10 năm lần thứ nhất (1991-2000) tốc độ tăng GDP bình quân là 7,56%; trong 10 năm thứ hai (2001-2010) tăng trưởng trung bình còn 6,61%; trong 10 năm lần thứ 3 (2011-2020) tăng trưởng đạt 6%; và hiện nay 3 năm đầu của 10 năm lần thứ tư dự kiến 5,6%. Như vậy, thời gian tăng trưởng cao quá ngắn, không đủ để có thể vượt quá bẫy thu nhập trung bình.

Nếu muốn đạt mục tiêu nhiệm kỳ trung bình 7%, năm 2024 và 2025 phải đạt trung bình 9%/năm. Đó là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn tại thời điểm hiện nay. 

“Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”

Hiện nay, GDP/người của Việt Nam khoảng hơn 4.000 USD, nằm trong số các nước có thu nhập trung bình thấp. Điều đáng nói, kết quả đó đạt được một phần không nhỏ nhờ vào hai đợt điều chỉnh quy mô GDP (đợt 1 năm 2011 điều chỉnh tăng hơn 9%, và đợt 2 năm 2020 điều chỉnh tăng 25%). Như vậy, trong một thập kỷ (2011-2020) GDP của Việt Nam điều chỉnh 2 lần, tăng thêm 34%.

Trong khi nhìn cả dài hạn và ngắn hạn trước mắt, nền kinh tế đang có xu hướng suy giảm thì không nên quá lạc quan, thoả mãn, hài lòng với những kết quả riêng lẻ, nhất thời. “Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói.

Thông điệp mạnh mẽ, đáng mừng cho du lịchViệc Thủ tướng lắng nghe ngành du lịch, Chính phủ đồng thuận trình Quốc hội về chính sách visa cởi mở là thông điệp mạnh mẽ nhất cho du lịch từ trước đến nay về thể chế và sự quan tâm của nhà nước với ngành kinh tế chủ lực.

Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay cần phải có những giải pháp mang tính bước ngoặt để đạt mục tiêu chiến lược đến năm 2030 và 2045. Để có được những giải pháp mang tính bước ngoặt, đột phá thì phải có những cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm và phải có cơ chế để bảo vệ những cán bộ đó.

Người viết bài này xin trích dẫn một góp ý trong một bài báo của Tạp chí Xây dựng Đảng. Bài báo “Giới hạn nào cho sáng tạo, dám nghĩ, dám làm?” đã lấy ví dụ của nhiều lãnh đạo làm nên đổi mới như ông Trường Chinh, Võ Văn Kiệt, Kim Ngọc… và nêu vấn đề:

"Nhưng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đến đâu? Lằn ranh giữa đổi mới, thực hiện các ý tưởng sáng tạo, dám làm những suy nghĩ chưa từng có với cố ý làm trái rất mỏng manh. Hơn nữa, dù đã có rất nhiều tiến bộ nhưng hệ thống pháp luật của ta chưa đồng bộ. Cùng một vấn đề, áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra áp dụng luật khác thì thành sai. Thời điểm này có thể đúng, khi kiểm tra ở thời điểm khác lại sai, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung chưa được thể chế hóa…".

Gần đây, Bộ Nội vụ tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung để cụ thể hoá kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đây là chủ trương rất đúng trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay như đã nêu trên, nhưng bên cạnh đó cũng đòi hỏi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có tinh thần trách nhiệm cao, không chùn bước.

Tư Giang