LTS: Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ được áp dụng kể từ năm 2024. Việc thực thi chính sách này sẽ có tác động như thế nào đến môi trường đầu tư? Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của TS Lê Duy Bình, Công ty Economica Vietnam với mong muốn chuẩn bị tốt cho việc thực thi cam kết này.

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là nội dung thứ hai trong hai trụ cột chính của chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do OECD khởi xướng.

Quy tắc này quy định mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EUR (hay 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. 

Việt Nam cùng với hơn 135 quốc gia khác tham gia. Ước tính, khoảng 100 tập đoàn, công ty lớn trên thế giới với khoảng 150 tỷ USD doanh thu thuế toàn cầu hàng năm thuộc đối tượng điều chỉnh của quy tắc này. Còn tại Việt Nam, Tổng cục Thuế cho biết có khoảng 1.015 doanh nghiệp FDI thuộc các tập đoàn có doanh thu hợp nhất toàn cầu trên 750 triệu EUR.

Chậm chân, thiệt thòi?

Việt Nam đồng thuận tham gia thực thi quy tắc với quan điểm bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam và vì thuế tối thiểu toàn cầu cũng có thể mang lại khả năng tăng thu trong nước trong ngắn hạn. Vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên sớm áp dụng trong lúc nhiều nước khác đã bắt đầu áp dụng vì nếu không, Việt Nam sẽ làm cho người khác hưởng. Khi đó Việt Nam sẽ chậm chân, sẽ chịu thiệt thòi.

Nhưng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài giảm sức hấp dẫn và tính cạnh tranh so với các quốc gia không tham gia BEPS. Từ đó, có thể ảnh hưởng tới việc thu hút nguồn đầu tư chất lượng cao, quy mô lớn, giảm vị thế cạnh tranh đầu tư và thương mại,  ảnh hưởng chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia thu hút doanh nghiệp quy mô lớn, trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch.

Việt Nam đồng thuận tham gia thực thi quy tắc với quan điểm bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam 

Lập luận Việt Nam làm cho người khác hưởng đối với trường hợp này cũng không thực sự logic. Việt Nam đã chấp nhận đưa ra ưu đãi, coi đó là chi phí để thu hút đầu tư, và để đầu tư mang lại các nguồn lợi lớn hơn, dài hạn cho nền kinh tế như việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước, nâng cao trình độ công nghệ, củng cố vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, với sáng kiến này, các nước OECD và G7 họ buộc các doanh nghiệp của mình phải chịu mức thuế tối thiểu 15% khi đầu tư ở nước ngoài. Nếu có chênh lệch giữa mức thuế ưu đãi giữa nước nhận đầu tư với mức thuế tối thiểu thì phải mang về, nộp phần chênh lệch ở nhà.

Có nên lo mất cái mình đã không coi là của mình?

Lo sợ mất một khoản mà mình đã không coi là của mình, tuy nó có thể trở thành của mình, nếu khăng khăng đòi bằng được, bất chấp các hệ lụy của nó, vì thế cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Việc khăng khăng, quyết đòi bằng được có thể mang lại những hệ quả tiêu cực khác, nhất là về phương diện thu hút đầu tư và nuôi dưỡng, tạo nguồn thu trong dài hạn.

Nếu Việt Nam áp dụng mức thuế tối thiểu 15%, những tập đoàn đa quốc gia thuộc đối tượng chịu ảnh hưởng đang đầu tư ở Việt Nam và đang hưởng mức ưu đãi dưới mức tối thiểu này cũng chẳng cảm thấy đây là một thiệt hại tài chính Việt Nam gây ra cho họ.

Khi quy định này được tất cả các nước thành viên OECD và G7 áp dụng, các tập đoàn đa quốc gia đương nhiên sẽ phải nộp thuế tối thiểu 15% trong bất kỳ trường hợp nào.

Đối với các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, sự khác biệt là họ sẽ phải nộp tại Việt Nam ở mức thuế ưu đãi họ đang được hưởng và phần còn lại tại nước nơi họ đặt trụ sở chính, hay nộp toàn bộ mức tối thiểu 15% tại Việt Nam hay thôi.

Họ có thể không phàn nàn hay trách cứ Việt Nam về mức thuế phải đóng tăng thêm so với mức ưu đãi họ đang được hưởng nếu Việt Nam áp dụng mức thuế tối thiểu này.

Nhưng họ sẽ có thể phàn nàn về cách Việt Nam ứng xử thế nào, và hỗ trợ họ trong bối cảnh này.

Mặc dù cơ sở là thực thi một thỏa thuận quốc tế, việc áp đặt quy định mức thuế tối thiểu 15%, bãi bỏ các ưu đãi trước đây về mức thuế đã cam kết cho các nhà đầu tư… có thể sẽ tạo ra một tâm lý không tốt cho các nhà đầu tư, gây ra những cảm xúc tiêu cực trong họ về nỗ lực tôn trọng các cam kết với các nhà đầu tư, và từ đó có thể tạo ra các hình ảnh bất lợi về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Từ góc nhìn của các nhà đầu tư, họ cũng có lý lẽ khi lập luận rằng Việt Nam có thể đã không nên lựa chọn tham gia thực hiện BEPS để bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt các nhà đầu tư đã cam kết những dự án đầu tư rất lớn của mình.

Tạo ra nền tảng thuế khập khiễng

Một vấn đề khó tiếp theo là nếu áp dụng mức thuế tối thiểu 15%, Việt Nam cũng khó có thể có quy định riêng cho 1.015 doanh nghiệp FDI thuộc quyền sở hữu của các tập đoàn đa quốc gia thuộc diện chịu thuế tối thiểu toàn cầu này.

Mức thuế tối thiểu này khi đó sẽ phải áp dụng cho tất cả khu vực doanh nghiệp FDI, thậm chí cho doanh nghiệp trong nước để đảm bảo các quy định về không phân biệt đối xử theo các quy định pháp luật của Việt Nam hiện nay và theo các điều khoản quốc tế mà Việt Nam cam kết.

Nền kinh tế đang nỗ lực thu hút những nhà đầu tư lớn, tận dụng cơ hội từ quá trình chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Nếu chỉ đưa ra quy định dành riêng cho các doanh nghiệp FDI thuộc các tập đoàn nằm trong diện chịu thuế tối thiểu toàn cầu, quy định này lại tạo ra những mấp mô, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp lý.

Khi đó, các doanh nghiệp FDI lớn, các nhà đầu tư chiến lược trong khi đang kỳ vọng được ưu đãi hơn, được chăm chút hơn lại cảm thấy bị phân biệt đối xử so với các doanh nghiệp FDI khác, với các doanh nghiệp trong nước nếu như họ chỉ đánh giá riêng về hệ thống pháp luật về đầu tư trong nước áp dụng với họ.

Điều này không có lợi trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế đang nỗ lực thu hút những nhà đầu tư lớn, tận dụng cơ hội từ quá trình chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Đây quả là một sự lựa chọn rất khó khăn với các cơ quan quản lý hiện nay. Để sự lựa chọn bớt khó khăn hơn, nên áp dụng nguyên tắc thuận theo những logic thông thường hay theo ngôn ngữ mà các nhà đầu tư hay sử dụng, đó là lẽ thường (common sense).

Thuận theo ‘lẽ thường’

Lẽ thường trong trường hợp này là trong khi thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam cũng cần tìm cách để tôn trọng các cam kết với các nhà đầu tư, trao cho họ cơ hội để họ chủ động lựa chọn và tìm cách hỗ trợ họ đối với sự lựa chọn đó.

Với nguyên tắc thuận theo lẽ thường đó, Việt Nam có thể lựa chọn phương án quy định áp dụng về mức vốn tối thiểu toàn cầu tối thiểu 15%, nhưng các nhà đầu tư có thể lựa chọn: Đóng thuế tại Việt Nam ở mức ưu đãi và đóng luôn phần chênh lệch còn lại ở Việt Nam để đạt mức 15%, hoặc đóng phần chênh lệch còn lại tại nước nơi họ đặt trụ sở chính.

Lựa chọn này được áp dụng cho cả các nhà đầu tư hiện tại. Nó cũng được áp dụng cho các nhà đầu tư mới, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, khi Việt Nam tìm cách quyến rũ họ để họ đưa vốn, công nghệ, tri thức, cơ hội thị trường, bí quyết sản xuất kinh doanh vào Việt Nam thông qua các dự án đầu tư mới.

Trao cơ hội lựa chọn cho các nhà đầu tư sẽ hợp với lẽ thường, với logic của của các nhà đầu tư, thậm chí nó lại còn tạo ra tính hấp dẫn, lợi thế cạnh tranh riêng của Việt Nam khi tiếp cận, thu hút các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài.

Tránh tận thu bằng mọi giá

Dĩ nhiên bên cạnh quy định như vậy, chúng ta không thể bỏ qua các biện pháp để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn phương án đóng thuế tại Việt Nam ở mức ưu đãi và đóng luôn phần chênh lệch còn lại ở Việt Nam để đạt mức 15% thay vì đóng phần chênh lệch còn lại ở nước nơi họ đặt trụ sở chính.

Để khuyến khích các nhà đầu tư lựa chọn theo phương án này, các nhà đầu tư có thể sẽ nhận được các hỗ trợ về tiền thuê đất, đào tạo lao động, tiền điện, công trình kết nối với các cơ sở hạ tầng. Lựa chọn đóng toàn bộ mức tối thiểu 15% tại Việt Nam là điều kiện để họ nhận được các hỗ trợ này.  

Không nên coi các khoản thu tiềm năng từ phần chênh lệch giữa phần thuế ưu đãi với mức thuế tối thiểu toàn cầu là khoản thu đương nhiên của mình.

Với quốc gia thu hút đầu tư, đó thực sự chỉ là chi phí đầu tư để thu hút đầu tư và cần được tính toán trong bài toán tổng thể về chi phí, lợi ích của việc thu hút các dự án FDI, đặc biệt các dự án của các tập đoàn đa quốc gia.

Quan điểm đó và nguyên tắc thuận theo lẽ thường sẽ giúp tránh được tâm lý tiếc rẻ và tìm mọi biện pháp để tận thu bằng mọi giá.

Không vì một khoản lợi trước mắt mà bỏ qua các cơ hội lâu dài. Các tập đoàn đa quốc gia không vào đầu tư thì chúng ta cũng không thể có phần chênh lệch giữa mức thuế ưu đãi và thuế tối thiểu toàn cầu đó để tiếc rẻ là chúng ta đã không sớm có quy định để thu.

 TS. Lê Duy Bình - Economica Vietnam

Nhận thức mới về doanh nghiệp dân tộcNghị quyết 29-NQ/TW phác họa con đường đưa đất nước đến tương lai hùng cường và thịnh vượng trong mấy chục năm tới đã khẳng định một lần nữa vai trò của doanh nghiệp dân tộc.