Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC vào 10 giờ sáng ngày 22/4. Mỗi lô giao dịch là 100 lượng và tỷ lệ đặt cọc là 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 81,8 triệu đồng mỗi lượng và bước giá là 10.000 đồng/lượng.

Giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng, giá đấu thầu sẽ bao nhiêu?

Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho hay, khối lượng đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng vào ngày 22/4 sẽ giải quyết nguồn cung cho thị trường. Đồng thời, chênh lệch giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới sẽ được rút ngắn lại.

“Trước thông tin đấu thầu vàng miếng, giá vàng trên thị trường mấy ngày nay không có xu hướng tăng bởi đã tác động tới tâm lý, nhiều người ngại mua. Do đó, với khối lượng đấu thầu gần 17.000 lượng, có thể thị trường cũng khó hấp thụ hết”, ông Phương nói.

W-gia-vang-sjc-sau-dau-thau-1.jpg
Nếu gần 17.000 lượng vàng miếng được cung ra thị trường, giá vàng liệu có về dưới 80 triệu đồng/lượng? Ảnh: Minh Hiền

Với mức giá tham chiếu mà NHNN đưa ra là 81,8 triệu đồng/lượng, ông Phương dự đoán, giá đấu thầu sẽ khoảng 82,5 triệu đồng/lượng.

Lý do được ông Phương phân tích, tại thị trường tự do, giao dịch mua vào - bán ra ở mức 82,7-83,2 triệu đồng/lượng. Nhiều doanh nghiệp cũng vẫn đang mua vào SJC ở mức giá 82,5-82,6 triệu đồng/lượng thì không có lý do gì họ không mua giá chào thầu 82,5 triệu đồng/lượng.

“Mức giá trúng thầu 82,5 hay 82,7 triệu đồng/lượng là mức giá thị trường đang chấp nhận được. Các doanh nghiệp cũng chỉ mua đúng số lượng họ cần, đã bán ra trước đó, chứ cũng không đầu cơ vàng”, vị chuyên gia cho hay.

Cũng chia sẻ với VietNamNet, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng, số lượng 16.800 lượng vàng miếng SJC được NHNN đưa ra đấu thầu vào đầu tuần tới là khá ổn, nguồn cung sẽ được tăng lên, chắc chắn sẽ kéo giảm mức chênh lệch với giá vàng thế giới.

Mức giá tham chiếu NHNN đưa ra là 81,8 triệu đồng mỗi lượng - gần bằng với giá thị trường hiện nay được ông Khánh đánh giá là "khá hợp lý".

“Với mức giá tham chiếu sát với giá thị trường mà NHNN đưa ra, có thể các đơn vị sẽ bỏ thầu cao hơn giá sàn khoảng 100.000-200.000 đồng, tức khoảng 81,9-82 triệu đồng/lượng. Tùy vào nhu cầu của từng đơn vị họ sẽ đưa mức giá tham dự thầu khác nhau”, ông Khánh dự đoán.

Giá vàng SJC sẽ giảm về ngưỡng nào sau đấu thầu?

Sau khi đấu thầu gần 17.000 lượng vàng miếng, giá vàng SJC liệu sẽ giảm bao nhiêu?

Trả lời câu hỏi này, chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhận định, hiện giá vàng SJC trong nước đang cao hơn giá thế giới khoảng 9 triệu đồng/lượng. Với mức giá bán trên thị trường trên 83 triệu đồng/lượng, thì giá sàn quy đổi tiêu chuẩn khi nhập về khoảng 74 triệu đồng/lượng. Hơn nữa, vàng SJC bắt buộc phải có giá cao hơn vàng nhẫn 9999 khoảng 4-5 triệu đồng. 

Do đó, sau đấu thầu, giá vàng SJC nếu có giảm cũng chỉ về mốc 80-81 triệu đồng/lượng; không thể thấp hơn. Trừ trường hợp giá vàng thế giới sụt mạnh một vài trăm USD thì vàng SJC sẽ có giá dưới 80 triệu đồng/lượng”, ông Phương phân tích.

Còn với vàng nhẫn 9999, theo nhận định của ông Phương, khi vàng SJC được tăng cung sẽ tác động tới giá vàng nhẫn.

Quan sát thị trường vài ngày qua, ông Phương cho hay, vàng nhẫn của các thương hiệu lớn đang chững lại và giảm giá xuống, dù vàng thế giới vẫn đang tăng. Một phần nguyên nhân là giá vàng nhẫn chịu tác động từ động thái đấu thầu vàng miếng của NHNN. Nhiều người chờ đợi giá vàng SJC nếu chênh lệch không quá cao so với vàng nhẫn sẽ sẵn sàng mua vàng miếng.

“Việc đấu thầu vàng miếng tác động rất lớn đến tâm lý của người muốn mua vàng và người nắm giữ vàng, họ khá e dè. Đồng thời, làm cho mức chênh lệch giữa vàng vật chất nói chung tiệm cận hợp lý hơn so với giá thế giới.

Nếu trước đây vàng nhẫn cao hơn giá thế giới 5-6 triệu đồng/lượng thì tới đây sẽ chỉ cao hơn 2-3 triệu đồng/lượng; vàng SJC cao hơn 14-15 triệu đồng thì sắp tới sẽ chỉ khoảng 7-8 triệu đồng/lượng. Nếu đạt được mức chênh lệch này thì đây là thành công lớn của NHNN khi đã kéo giá vàng trong nước sát hơn với giá thế giới”, vị chuyên gia đánh giá thêm.

Còn theo nhận định của Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh, số lượng gần 17.000 lượng vàng đưa ra đấu thầu là con số khá lớn, có thể chỉ sau 5-10 phiên đấu thầu, giá vàng SJC trong nước sẽ về mốc 76-77 triệu đồng/lượng. Khi mức chênh lệch với giá thế giới còn khoảng 4-5 triệu đồng/lượng, NHNN sẽ không cần phải can thiệp nữa.

Dù vậy, theo ông Khánh, đấu thầu vàng miếng chỉ là biện pháp tức thời, trước mắt. Khi chưa bỏ được độc quyền vàng SJC và chưa cho nhập vàng miếng thì NHNN cần nghiên cứu cho các đơn vị kinh doanh vàng được nhập vàng nguyên liệu để làm vàng trang sức. Giải pháp này sẽ giải quyết được phần nào nguồn cung của thị trường và đây mới là phương án tốt hơn cho thị trường về lâu dài.