New York vừa trải qua một ngày quan trọng hôm 28/9. Hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ đã có các bài phát biểu công kích lẫn nhau, lúc thì công khai lúc lại úp mở.

TIN BÀI KHÁC:


Trong một bài viết trên CNN, nhà bình luận Frida Ghitis chỉ ra rằng, trong một dòng đặc biệt "nhức nhối", ông Obama đưa ra cảnh báo dường như dành cho người đồng cấp Nga. "Những con người quyền lực hôm nay trở thành tia lửa cách mạng ngày mai".

"Tôi tin rằng, một chính phủ đàn áp bất đồng ôn hòa không phải là đang phô trương sức mạnh mà là đang thể hiện sự yếu kém và chứng tỏ sự sợ hãi", ông Obama nói.

{keywords}
Giữa Nga và Mỹ tồn tại nhiều bất đồng về cách giải quyết xung đột ở Syria. (Ảnh: AP)

Nhưng cốt lõi của hai bài phát biểu đều là về xung đột ở Trung Đông, đặc biệt ở Syria, cuộc khủng hoảng cấp bách nhất mà quốc tế đang phải đối mặt, khi hàng triệu người Syria rời bỏ quê hương đi lánh nạn, ngay cả khi các cường quốc thế giới, trong đó có Nga, can dự vào. 

Sau tất cả, Mỹ dường như sẽ có đủ lý do để gia nhập các lực lượng phối hợp với Moscow nhằm đảm bảo các mục tiêu chung, trong đó có việc triệt tiêu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Cả hai đều coi IS là kẻ thù nguy hiểm phải bị ngăn chặn. Thêm nữa, cả hai đều muốn chứng kiến Trung Đông bình ổn trở lại, và đều muốn thấy Iraq giành lại được các vùng bị IS chiếm mất để tiến tới hòa bình và ổn định. 

Hai bài phát biểu cùng chứa đựng một số ngôn từ khuyến khích - cả hai nhà lãnh đạo đều hăng hái nói về sự cần thiết phải tôn trọng các chuẩn mực quốc tế, lợi ích của hợp tác quốc tế. Có vẻ như sẽ có khởi đầu của một liên minh mới tốt đẹp giữa Moscow và Washington để cứu Syria.

Nhưng bất chấp một số mục tiêu có vẻ chung đó thì những bất đồng giữa họ vẫn rất sâu sắc, gay gắt và nguy hiểm.Và thực tế, khoảng cách giữa các mục tiêu hai bên quá rộng. Nếu sau cùng Obama và Putin sẽ hợp tác với nhau, thì chắc chắn một trong hai người phải nhượng bộ.

Về nguồn gốc xung đột ở Syria và vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad, ông Obama cho rằng xung đột bắt đầu khi "Assad đáp trả các cuộc biểu tình hòa bình bằng cách gia tăng trấn áp và giết chóc". Obama miêu tả người đồng cấp Syria là "một nhà độc tài đã giết hàng chục nghìn dân của chính mình", dùng vũ khí hóa học và bom chùm. Ông khăng khăng đòi Assad phải ra đi.

Trái ngược hoàn toàn, Tổng thống Putin miêu tả ông Assad là một người hùng thực sự trong cuộc chiến Syria. "Chúng ta cuối cùng nên thừa nhận rằng, không ai ngoài lực lượng vũ trang của Tổng thống Assad và dân quân [người Kurd] đang thực sự chiến đấu chống IS".

Cả hai nhà lãnh đạo đều gợi ý một cách tiếp cận đa quốc gia chống lại IS. Ông Obama ca ngợi liên quân đã hợp sức cùng nhau chống IS, "một tổ chức khủng bố chuyên chặt đầu con tin, tàn sát người vô tội và bắt phụ nữ làm nô lệ". Ông Putin thậm chí kêu gọi một "liên minh lớn chống lại khủng bố, cũng giống như liên minh đã chống lại Hitler".

Tuy nhiên, trong khi Putin cố gắng thể hiện sự sẵn sàng đối thoại và hợp tác, thì trên thực tế ông đang hành động rất năng nổ và nhanh chóng với một chính sách trái ngược hoàn toàn với Mỹ.

Nga đã cử người tới Syria. Nước này được cho là đang xây một căn cứ quân sự, tuyên bố làm hết sức để chiến đấu chống IS. Moscow còn có một ngạc nhiên khác nữa cho Washington khi thông báo một liên minh tình báo mới giữa Iran, Iraq, Syria và Nga.

Ở Lebanon, Hezbollah được cho là đã đề nghị tham gia vào khối này, gọi là "liên minh P4 + 1" với ý đồ chế nhạo nhóm P5+1 do Mỹ đứng đầu đàm phán một thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Putin còn lên án các hành động của Mỹ ở Trung Đông là vi phạm hiến chương Liên Hợp Quốc và chỉ trích các lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Moscow. Ông còn khơi lửa giả thuyết âm mưu, cho rằng IS "được lập ra như một công cụ chống lại các chế độ thế tục không như ai đó mong muốn".

Nếu như bài phát biểu của Obama mang tính lý tưởng, thúc đẩy tác dụng của ngoại giao và cùng tồn tại thì bài phát biểu của Putin lại đầy ắp tính thực tế, nhấn mạnh tính cấp bách và thể hiện sức mạnh.

Cả hai đều nhắm tới người nghe, cả trong nước và quốc tế. Ông Putin rõ ràng làm hài lòng người dân nước ông, còn Obama vẫn giữ giọng điệu vốn giành được sự ngưỡng mộ của rất nhiều người trên thế giới, vẽ ra một khung cảnh đáng tin về những gì cần làm để đạt tới nền dân chủ thực sự.

Và trong khi bài phát biểu của Tổng thống Mỹ truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động dân chủ thì phía Nga có một lợi thế lớn: Nước này đưa ra một kế hoạch. Moscow muốn ông Assad tiếp tục làm Tổng thống và giúp vũ trang cho ông để thực hiện mục tiêu đó. Ngược lại, chính sách của Mỹ chẳng đâu ra đâu, không có một điểm kết rõ ràng trong suy nghĩ cũng chẳng có một con đường tiến về phía trước.

Thanh Hảo