- Lần đầu Tổng thống Obama thăm Việt Nam và là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam trong gần một thập kỷ. 

Đại sứ Mỹ tiết lộ bí mật về Tổng thống Obama
'Tôi tin sẽ có thỏa thuận lớn trong chuyến thăm của Tổng thống Obama'

Tại Washington D.C vừa diễn ra cuộc họp báo thông tin về chuyến thăm châu Á của Tổng thống Obama.

Giám đốc cao cấp về các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia Daniel Kritenbrink nhận định chuyến thăm đến Việt Nam và Nhật Bản thể hiện 2 yếu tố chủ chốt trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ: Xây dựng quan hệ đối tác mới với các cường quốc đang nổi lên trong khu vực như VN; Củng cố quan hệ với các đồng minh, trong đó có Nhật Bản, cũng là hạt nhân trong chiến lược châu Á của Mỹ.

{keywords}

Giám đốc cao cấp về các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia Daniel Kritenbrink. Ảnh: White House

Ông Obama sẽ là Tổng thống Mỹ thứ 3 đến thăm VN kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ hơn 20 năm trước, sau Tổng thống Bush đến năm 2006 để tham dự APEC và Tổng thống Clinton với chuyến thăm lịch sử năm 2000.

"Qua các cuộc gặp chính thức và giao tiếp với công chúng, Tổng thống sẽ nhấn mạnh tính chất sâu rộng của quan hệ hai nước cũng như những tiến bộ đáng kể mà hai bên đã đạt được trong những năm qua", ông Kritenbrink nói.

Nội dung làm việc trong chuyến thăm cấp nhà nước này của Tổng thống Obama sẽ bao gồm nhiều lĩnh vực kinh tế, quan hệ nhân dân, an ninh, nhân quyền, các vấn đề toàn cầu và khu vực.

Về kinh tế, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ là tâm điểm. Có thể sẽ có những cam kết thương mại được ký.

Về an ninh, Mỹ tiếp tục khẳng định cam kết thúc đẩy khu vực châu Á - Thái Bình Dương pháp quyền, nơi các quốc gia đều theo đuổi các mục tiêu của một một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. 

Quan hệ quân sự với VN đã bao trùm nhiều lĩnh vực, từ trợ giúp nhân đạo, đối phó thảm họa đến gìn giữ hòa bình, Mỹ vẫn muốn tăng cường đối thoại về tiềm năng trong việc hợp tác tăng cường năng lực an ninh biển cho VN.

Quan hệ nhân dân sẽ có điểm nhấn là hợp tác giáo dục đào tạo. VN hiện đứng đầu Đông Nam Á về số lượng du học sinh ở Mỹ.

Thừa nhận nhân quyền vẫn đang là vấn đề khó giữa hai nước, ông Kritenbrink nhấn mạnh: "Mỹ muốn thấy một VN mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền. Đó là cách để VN đóng góp tốt nhất vào sự ổn định của khu vực và giúp người dân phát huy hết được tiềm năng của họ". 

Trong việc đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu, hai nước đã có những hợp tác lớn và hiệu quả về y tế, giải trừ quân bị, biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình, chống buôn bán động vật hoang dã...

{keywords}
Ảnh mới chụp ngày 18/5 của Tổng thống Obama trong một cuộc họp ở Nhà Trắng. Ảnh: White House

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương Daniel Russel, người vừa có chuyến tiền trạm đến VN, cũng nhận định đây là chuyến thăm lịch sử với nhiều "lần đầu tiên": Lần đầu Tổng thống Obama thăm VN và là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến VN trong gần một thập kỷ. 

VN đóng vai trò quan trọng trong ASEAN mà Mỹ đang muốn tăng cường hợp tác: VN là một đối tác trong TPP. 

VN đang cùng thực hiện Công ước luật Biển và luật pháp hàng hải, đang nỗ lực giải quyết các căng thẳng và tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình. VN cũng có vai trò quan trọng trong bảo vệ sông Mekong và các châu thổ. 

Nhấn mạnh sự hài hòa của các yếu tố "quá khứ, hiện tại và tương lai" trong nghị trình của chuyến thăm, ông Russel cho biết Tổng thống Obama sẽ thảo luận sâu hơn với VN về việc khắc phục hậu quả chiến tranh bao gồm rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin...

Câu hỏi về khả năng Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với VN cũng được đặt ra tại họp báo.

"Năm 2014, cấm vận đã được dỡ bỏ một phần, cho phép mua bán một số sản phẩm liên quan đến an ninh biển. Cho đến nay chưa có thêm tiến triển gì liên quan đến lệnh cấm vận này", ông Kritenbrink nói.

Chung Hoàng