Nguyễn Xiển là đường Vành đai 3 huyết mạch ở Thủ đô. Với người dân, chúng tôi thường di chuyển theo tuyến đường này về hướng khu đô thị Định Công, Linh Đàm, Pháp Vân. Thông thường hàng ngày, hàng vạn người và phương tiện nhích từng mét một.

"Lô cốt" án ngữ quá nửa đường Nguyễn Xiển

Nhưng từ thứ 7 tuần trước, thêm một lô cốt mọc lên chiếm hơn nửa phần đường lưu thông. Trên quãng đường 1km này, hiện có 4 lô cốt đang được rào chắn để phục vụ cho việc thi công hố ga của Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Dự án hơn 16 nghìn tỷ đồng này dự kiến được bàn giao vào quý II-2022 nhưng giờ vẫn ngổn ngang.

Dự án này cũng bị đoàn giám sát của Quốc hội điểm tên là “chậm tiến độ” trong báo cáo giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Điều đáng nói là, đến nay, đường được rào chắn lại thì cũng không ai trả lời được 4 lô cốt này sẽ tồn tại đến bao giờ. Ngay cả tiến độ hoàn thành của dự án này, vẫn là một dấu hỏi.

Còn người dân, vẫn phải mệt mỏi để nhích từng bước một trên cung đường vốn được mệnh danh là “cung đường đau khổ”.

Trên các đại công trường của thủ đô, không thiếu những hình ảnh như thế. Ngã tư Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch, đoạn ngầm tuyến Metro Nhổn – ga Hà Nội, đoạn ngầm trước cửa ga Hà Nội, việc rào chắn ở đường Kim Mã, khu Mộ Lao… cũng thuộc diện như vậy. Người dân đi lại khó khăn, cửa hàng hai bên đường mất đi cơ hội kinh doanh… Còn ở bên trong những lô cốt ấy, gần như rất hiếm khi thấy bóng dáng máy móc thi công. Dân sốt ruột, còn chủ đầu tư và đơn vị thi công cứ đủng đỉnh.

Việc rào chắn đường phục vụ thi công các công trình công cộng, phục vụ dân sinh là không thể tránh khỏi. Nhưng việc rào chắn từ tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác là gây khó khăn rất lớn đến đời sống dân sinh.

Cam kết về thời gian thi công sau khi rào chắn đường để người dân giám sát là điều các đơn vị thi công cần thực hiện, chứ không đơn thuần chỉ là dựng một tấm biển ‘Xin lỗi vì đã làm phiền’, rồi để đó.