Tháng 9/2023, các cán bộ tại Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận 10 cá thể động vật hoang dã thuộc 8 loài, đều thuộc nhóm IIB danh mục các loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh. Khi nhận về, họ đã chăm sóc và huấn luyện cho các cá thể này. Khi đủ điều kiện thả về rừng, cán bộ của Vườn quốc gia Bù Gia Mập cùng với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh đã trực tiếp khảo sát vị trí, đánh giá môi trường tự nhiên trước khi thả các động vật này về rừng.
Anh Nguyễn Đức Trọng làm việc tại đây hơn 7 năm chia sẻ, việc tái thả phải đảm bảo cho động vật sinh sống phù hợp, các cá thể này sinh tồn được trong môi trường tự nhiên. Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức, cá nhân tiếp nhận những cá thể là động vật hoang dã về chăm sóc và thả về rừng tự nhiên.
Ngoài ra, Trung tâm còn tiếp nhận từ cá nhân, các tổ chức, hoặc động vật hoang dã là tang vật của các vụ mua bán, vận chuyển trái phép, người dân nuôi nhốt trái pháp luật.
Khi tiếp cận động vật, các nhân viên của trung tâm sẽ cách ly, kiểm tra sức khỏe, vệ sinh cho động vật và vệ sinh chuồng trại. Các bác sĩ thú y sẽ chăm sóc động vật và huấn luyện bản năng hoang dã để khi thả về rừng, động vật có thể sinh tồn, kích thích bản năng tự nhiên loài được phát huy. Động vật hoang dã được con người nuôi dưỡng trong thời gian dài chúng đã mất đi bản năng phòng tránh nguy cơ bị các đối tượng xấu săn bắt hoặc khả năng tồn tại trong môi trường tự nhiên.
Anh Trọng chia sẻ, công việc hàng ngày của nhân viên cứu hộ bắt đầu từ 7h sáng tới 17h chiều. Tuy nhiên, nhiều động vật hoạt động về đêm nên phải trực chăm sóc buổi tối. Thậm chí, có trường hợp phải chăm sóc đặc biệt 24/24 như động vật bị thương, con non. Động vật non mới sinh cần uống sữa theo cữ từ 1 – 2 tiếng/lần. Việc nuôi bộ động vật được anh Trọng ví von như nuôi con mọn.
Trung tâm thường xuyên có nhóm tình nguyện viên đến hỗ trợ nhưng công việc của nhân viên cứu hộ vẫn rất vất vả. Ngoài chăm sóc động vật, họ còn trồng trọt tạo nguồn thức ăn cho các loài động vật. Anh Trọng cho rằng, công việc tại trung tâm đòi hỏi yêu nghề. Những năm gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm chia sẻ lan tỏa để nhiều người biết đến Trung tâm cứu hộ hơn.
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Vườn hiện có 832 loài động vật với 106 loài thú, 248 loài chim, 59 loài bò sát, 28 loài lưỡng cư, 342 loài côn trùng, 49 loài cá. Trong đó, có tới 61 loài động vật bị đe dọa, nguy cấp, quý hiếm. Vườn liền kề các khu bảo tồn thiên nhiên thuộc vương quốc Campuchia, tạo ra hành lang sinh thái Đông – Tây góp phần vào công tác bảo tồn các loài nguy cấp toàn cầu như Vượn đen má vàng, Tê tê Java, Voi Châu á, Chà vá chân đen và nhiều loài khác cho quốc tế.
Trung bình mỗi năm, Vườn tiếp nhận hơn 100 cá thể động vật thuộc nhóm 1B (nhóm cực kỳ quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng như vượn, cu li, rái cá…), 2B (nhóm nguy cơ cao như trăn, chồn, rùa…). Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật của Vườn sẽ tập luyện, phục hồi, nuôi dưỡng, khi đủ điều kiện sẽ thả về rừng tự nhiên. Việc tái thả động vật hoang dã quý hiếm giữ vai trò quan trọng giúp hệ sinh thái rừng sinh trưởng và phát triển bền vững. Khi tái thả, động vật chưa thích nghi được với môi trường sống mới sẽ được theo dõi. Nếu động vật không tự kiếm ăn, không sống trong tự nhiên trung tâm đã tiến hành thu giữ để tiếp tục quá trình cứu hộ phục hồi bản năng hoang dã.