Những người vợ chỉ loanh quanh trong nhà sẽ bị xa cách với chồng về nhận thức xã hội và vì vậy mà câu chuyện vợ chồng cũng vì thế mà nhạt đi. Trí tuệ, tâm hồn mỗi người như một cái ao riêng, nếu không được giao lưu liên tục với nguồn nước bên ngoài thì sẽ thành một cái ao tù.
Tết, lúc người Việt... khiếm nhã nhất
Cuối năm, những vali tiền "bỏ quên" ở nhà sếp
Hôn nhân, tình yêu, hạnh phúc, bình đẳng/bất bình đẳng giới… đều đã được các chuyên gia và nhiều người đã nói. Không có một nhận định, một góc nhìn nào là đúng với mọi hoàn cảnh, ở đây tôi chỉ muốn tập trung vào mối quan hệ giữa hai giới ở nông thôn Việt Nam và với một số người thành thị mà dịp Tết những điều này hiện ra rõ nét nhất.
Tôi tin rằng, ai trong chúng ta cũng đã từng chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của những người con gái xuân sắc thành những người đàn bà đầy lo toan trên nét mặt. Những cô gái nông thôn, lúc mới lớn được đón nhận bao lời tán tỉnh ngon ngọt và những lời hứa tràn trề hy vọng về một tương lai tốt đẹp, không ai mang dùi đục đi hỏi vợ bao giờ. Nhưng đa phần những người con gái ấy thất vọng. Tại sao vậy?
Hàng ngàn năm qua, con trai, đàn ông Việt lớn lên trong một môi trường không nhiều thì ít vẫn có tư tưởng trọng nam khinh nữ. Ngon ngọt là thế nhưng lấy được rồi, người ta đã là vợ mình rồi thì ván đã đóng thuyền. Chàng trai hào hoa ngày nào hiện nguyên hình là con cóc xấu xí, đầy đủ những sần sùi xám xịt của một nền văn hoá mang nặng tư tưởng đạo Khổng. Nào là: nữ nhi thường tình, đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu, tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, con gái là con người ta…
Chính vì vậy mà nhiều thanh niên, dẫu có yêu vợ đến đâu thì khi bạn đến nhà, động chân, động tay một chút vào bếp núc là cảm thấy xấu hổ, sợ hình ảnh nam nhi của mình kém đi trước mặt bằng hữu. Có ông còn nhân cơ hội này còn ra oai sai bảo vợ để lấy điểm mày râu.
Những người đàn ông uống rượu. Cảnh thường thấy ở nông thôn, miền núi Việt Nam |
Hãy cùng nhìn thẳng thắn:
Nếu bạn là một đấng mày râu giỏi giang, sao bạn không thuê người giúp việc để cuộc sống gia đình được nhẹ gánh hơn, giải phóng người bạn đời của bạn được được thảnh thơi, tập trung vào những việc mà nàng thực sự yêu thích?
Nàng sẽ có cơ hội học hành, phát triển chuyên môn, là một người thành đạt hơn trong xã hội. Như vậy con cái bạn sẽ hưởng lợi giáo dục từ một người mẹ hoàn thiện hơn về mặt xã hội. Hơn nữa, bạn sẽ tự hào hơn về người vợ của mình.
Thực tế cho thấy, những người vợ chỉ loanh quanh trong nhà sẽ bị xa cách với chồng về nhận thức xã hội và vì vậy mà câu chuyện vợ chồng cũng vì thế mà nhạt đi. Trí tuệ, tâm hồn mỗi người như một cái ao riêng, nếu không được giao lưu liên tục với nguồn nước bên ngoài thì sẽ thành một cái ao tù. Chắc chắn bạn không thích tắm trong cái ao tù đấy đâu.
Hãy để nàng có cơ hội giống bạn, ngày ngày được cập nhật thông tin mới. phụ nữ cũng cần làm mới bản thân họ y như đám mày râu chúng ta thôi. Được như thế, nàng sẽ luôn xuất hiện trước bạn với một điều gì đấy mới mẻ, là một người bạn gần gũi về tâm hồn, trong nhiều trường hợp sẽ là người tư vấn cho chính sự nghiệp của bạn. Và điều rất hay là nàng cũng trở nên hấp dẫn hơn trong phòng ngủ. Có ông đàn ông nào không mong muốn điều đó không nhỉ? Nào, ai là kẻ được “hưởng lợi” hơn ở đây?
Nếu khả năng bạn có hạn, thì chắc chắn là nàng cũng phải lăn lộn trong việc kiếm tiền. Như vậy, cái ưu thế mày râu của bạn ở đâu mà bạn có quyền dương dương tự đắc vuốt râu tự hào về giới tính của mình, coi việc bếp núc, việc nhà là hoàn toàn của phụ nữ?
Ảnh minh họa. |
Tiếc thay, đây lại là thực tế phổ biến ở nông thôn. Nhiều đàn ông chỉ mang một cái ưu thế hão về giới tính, nghĩ mình thuộc “đẳng cấp trên”, có quyền khề khà chén chú chén anh với bạn, mặc sức hô người giúp việc vợ làm cái này, cái kia, dù chính bản thân mình lại kém cỏi trong việc tranh đấu kiếm tiền. Người phụ nữ trong những gia đình này ra ngoài đổ mồ hôi kiếm tiền, về nhà lại làm người phục vụ không công.
Đấy mới là nói chung chung, thực ra đàn ông ở nông thôn Việt Nam thì tệ hơn thế nhiều. Lễ tết là cơ hội để rượu chè, cờ bạc tối ngày. Nhiều trường hợp thua bạc là về tróc tiền vợ, không lấy được tiền thì giở trò mày tao đánh đập. Tôi đã làm phóng sự về một người đàn ông say rượu, về sai vợ đi mua rượu thêm, vợ không mua thế là chém vợ mấy nhát chí mạng.
Tôi không định mang một câu chuyện cá biệt để minh hoạ một bức tranh chung, nhưng nạn bạo hành gia đình ở Việt Nam có nguyên nhân lớn liên quan tới bia rượu. Tóm lại, đàn ông ở Việt có rất nhiều tật cần sửa mà điều đau lòng là những người phụ nữ thường im lặng cam phận bởi văn hoá Việt Nam có những câu mà tôi rất ghét: đóng cửa bảo nhau, không vạch áo cho người xem lưng, một điều nhịn là chín điều lành, xấu chàng hổ ai…
Văn hoá cũng như một cơ thể sống. Có chỗ khoẻ mạnh, có chỗ bị nhiễm trùng, ung thư. Sự thẳng thắn minh bạch trong văn hoá sẽ là một loại thuốc kháng sinh, một loại ánh sáng chữa trị những góc khuất đen tối.
Những đấng nam nhi! hãy công bằng thực sự với những người phụ nữ của mình, và nếu tốt hơn thì hãy chăm sóc họ. Chẳng phải họ là những bông hoa tuyệt đẹp mà nếu thiếu vắng thì chúng ta sẽ chỉ là một lũ đàn ông ngơ ngác trong sự trống vắng hay sao? Làm được thế, chắc chắn các bạn sẽ yêu đời hơn và các bạn sẽ có được niềm tự hào thực sự thay vì một lòng tự hào tội nghiệp bấu víu vào mấy sợi râu và một cơ quan xác định giới tính.
Đoàn Bảo Châu