Kinh tế xanh và tuần hoàn
Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) Kris Peeters cầm trong tay một danh sách dài các hạng mục đầu tư khi đến Việt Nam. Ông trông có vẻ phấn khích về triển vọng mở rộng hoạt động của EIB, định chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp hỗ trợ tài chính quan trọng cho các dự án chống biến đổi khí hậu, sau các cuộc gặp con thoi với các bộ trưởng và các đối tác, doanh nghiệp Việt Nam.
“Chúng tôi muốn có mặt ở đây nhiều hơn nữa vì Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng và có tham vọng phát triển xanh với cam kết đưa phác thải ròng về 0 năm 2050. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội rất tiềm tàng trong cuộc chuyển đối đó”, ông nói khi đến Hà Nội gần đây.
Kể từ khi bắt đầu hợp tác với Việt Nam từ năm 1996, EIB đã tài trợ một số dự án phát triển đô thị, giao thông và thủy điện nhỏ. Định chế tài chính này bỗng chợt nhận ra Việt Nam như một điểm đầu tư quan trọng trong Asean sau cam kết ở COP 26 đưa phác thải ròng về 0 trong hơn 15 năm nữa. Thủy điện tích năng Bác Ái với công suất 1200 MW trị giá 21.000 tỷ đồng ở Bình Thuận là một trong những dự án mới nhất mà EIB cam kết tài trợ.
“Đây là dự án quan trọng mà chúng tôi muốn triển khai sớm để còn làm cầu nối cho các dự án phát triển khác của Việt Nam”, ông Peeters nói và khẳng định, các lĩnh vực hạ tầng giao thông, đường sắt đô thị, năng lượng, số hóa,… của Việt Nam đều rất hấp dẫn với ngân hàng này.
Chuyến đi của ông Peeters đến Việt Nam còn có mục tiêu lót đường để EIB ký kết với Bộ Tài chính khoản vay trị giá 500 triệu Euro nhằm đóng góp cho các chương trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) hồi cuối tháng 10 tại Brussels.
Trong khuôn khổ JETP, các đối tác đã cam kết huy động số tiền ban đầu 15,5 tỷ USD cho Việt Nam trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu chuyển đổi năng lượng.
Cuộc chuyển đổi chưa từng có
Về phần mình, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII cuối năm 2022 với số vốn đầu tư ước tính 142 tỷ USD - 126 tỷ USD cho nguồn phát và 16 tỷ USD cho lưới truyền tải trong giai đoạn 2021-2030. Phần lớn nguồn vốn đầu tư này phải đến từ khu vực tư nhân.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới dự báo, để thực hiện lộ trình tăng trưởng phát thải ròng bền vững cần phải có thêm tới 6,8% GDP đầu tư hằng năm, tức là 368 tỷ USD từ nay tới năm 2040, trong đó một nửa, tức khoảng 184 tỷ USD, là từ khu vực tư nhân.
Tất nhiên, để huy động được nguồn lực này từ khu vực tư nhân, Việt Nam cần phải vượt qua một số rào cản lớn trong môi trường thể chế, pháp luật.
Bước chuyển đổi đó được châu Âu đặc biệt quan tâm. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) kiêm Cao ủy thương mại EU Valdis Dombrovski, một trong những nhân vật cao cấp nhất của EU đến Việt Nam sau khi thiết lập JETP nói, cả EU và Việt Nam đều đặt mục tiêu rất tham vọng về chuyển đổi năng lượng đến 2050 nên sẽ có nhiều điểm chung để hợp tác.
“Quá trình chuyển đổi xanh là lĩnh vực quan trọng mà chúng ta có thể làm việc cùng nhau. Đây là lý do tại sao EU và Việt Nam phải hỗ trợ lẫn nhau để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo”, ông nói khi đến Hà Nội để thể hiện sự ủng hộ của EU đối với quá trình chuyển đổi năng lượng.
Ông Dombrovski cũng rất muốn các nhà đầu tư tư nhân Việt Nam biết thêm về chương trình Global Gateway do EU và các quốc gia thành viên, EIB cung cấp.
Bên cạnh EIB, nhiều nhà đầu tư châu Âu khác, các nhà cung cấp thiết bị điện đã đến Việt Nam để tìm các cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió gần bờ,…
Ông nói, EU đã cung cấp khoản tài trợ 16 triệu Euro để hỗ trợ kỹ thuật, điều này sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận đến khoản vay ít nhất 1 tỷ Euro từ các tổ chức tài chính cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tân Đại sứ EU ông Julien Guerrier cho biết thêm, Global Gateway có nguồn quỹ trị giá 300 tỷ Euro để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. “Tôi tin là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội để tiếp cận quỹ này”, ông nói.
Cuộc hôn nhân của BIDV và Edmond de Rothschild
Bên cạnh ngành năng lượng tiềm tàng, nhiều nhà đầu tư châu Âu còn đến Việt Nam ở những lĩnh vực khác mà ví dụ mới nhất là “đám cưới” của BIDV và tập đoàn nổi danh Edmond de Rothschild hơn 250 năm tuổi. Định chế tài chính của gia tộc giàu có hàng đầu thế giới sẽ hỗ trợ BIDV đào tạo, nâng cao năng lực triển khai dịch vụ Private Banking theo chuẩn quốc tế.
Tổng giám đốc tập đoàn Edmond de Rothschild bà Ariane de Rothschild nói khi đến Hà Nội cuối tuần trước: “Tôi lạc quan tràn đầy về cột mốc hợp tác với BIDV vì Việt Nam là quốc gia rất sôi động và có tương lai tươi sáng phía trước. Các bạn là quốc gia có khả năng chống chịu và thích ứng rất cao, là giá trị chung mà chúng ta cùng có”.
Giải thích cuộc kết hôn với tập đoàn này, Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Phan Đức Tú nói, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đã đạt hơn 13,5 triệu người và đang tăng lên hàng năm. Vì vậy, xu hướng tiêu dùng, đầu tư và tích lũy tài sản đang đặt ra cho thị trường một nhu cầu dịch vụ tài chính cá nhân to lớn.
Ông Tú nói tại buổi lễ ký kết cuối tuần trước: “Với việc ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược giữa BIDV và Edmond de Rothschild, lần đầu tiên trên thị trường tài chính Việt Nam có sự hiện diện của một định chế tài chính hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quản lý tài sản cá nhân cao cấp. Thông qua việc hợp tác, khách hàng BIDV Private Banking sẽ có cơ hội được tiếp cận sử dụng các sản phẩm đầu tư chuyên biệt, giải pháp dịch vụ tài chính thông minh, an toàn, hiệu quả; được kết nối với giới tinh hoa toàn cầu”.
Công ty tư vấn quản lý và chiến lược kinh doanh của Mỹ - McKinsey - ước tính đến năm 2027, quy mô thị trường quản lý tài sản cá nhân của Việt Nam sẽ trị giá khoảng 600 tỷ USD, tăng trưởng với tốc độ 11% mỗi năm từ mức khoảng 360 tỷ USD tính đến cuối năm 2022.
Nền tảng cho phát triển vượt bậc
Cuộc hôn nhân của tập đoàn Edmond de Rothschild và BIDV, định chế tài chính lâu đời nhất Việt Nam, chỉ là minh chứng bổ sung thêm cho các hoạt động kinh tế đa dạng mà các doanh nghiệp Châu Âu đang đến tìm ở Việt Nam.
Kể từ sau khi Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020, nhiều hoạt động bùng nổ, đặc biệt là thương mại đã tăng gần 30%.
Nhờ EVFTA, tổng xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng từ 34,5 tỷ Euro năm 2020 lên 51,5 tỷ Euro vào năm 2022, đưa Việt Nam trở thành đối tác hàng đầu của EU trong ASEAN về thương mại hàng hóa. Trong khi đó, xuất khẩu thương mại dịch vụ của EU đạt 7,2 tỷ Euro vào năm 2021.
Tại châu Á, Việt Nam đứng thứ 6 về tổng kim ngạch thương mại với EU, với tốc độ tăng trưởng cao hơn Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu xét đến tình hình kinh tế toàn cầu, đây là một kết quả ấn tượng.
“Việt Nam đang được hưởng lợi rất nhiều từ việc thực hiện hiệp định này. Hiện Việt Nam đang xuất khẩu sang EU nhiều gấp 4 lần so với chiều ngược lại”, ông Valdis Dombrovski nói khi đến Hà Nội.
Ở lĩnh vực đầu tư, FDI từ Châu Âu cũng có chiều hướng tăng lên nhưng không mạnh mẽ như lĩnh vực thương mại. Số dự án và vốn đăng ký của EU đều chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong các biểu đồ tương ứng. Dự án nổi bật nhất đến từ EU là nhà máy 1 tỷ USD của LEGO, Tập đoàn sản xuất đồ chơi trẻ em Đan Mạch, khởi công hồi tháng 3/2021 tại tỉnh Bình Dương.
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ với 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu, 31% xếp Việt Nam vào top 3, 16% ca ngợi Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu.
Mặc dù vậy, Chỉ số Niềm tin kinh doanh của họ vẫn chỉ ở mức 45,1 điểm, nối dài thêm chỉ số này dưới 50 điểm trong 4 quý liên tiếp.
Nhưng đây cũng chính là những hạn chế mà Việt Nam sẽ phải cải cách để thu hút thêm vốn từ khu vực giàu có bậc nhất thế giới này.
Lan Anh – Tư Giang