Cụ thể, ngay sau khi lễ khánh thành 2 tuyến cao tốc được tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết thúc, các lực lượng chức năng sẽ tổ chức giao thông, hướng dẫn, phân luồng giao thông để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45: Khoảng 4-5km bố trí một điểm dừng khẩn cấp

Các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu dự án đến nút giao Đông Xuân (Km327+100) nối QL45 và QL47.

Cao tốc Mai Sơn- QL 45 (Ảnh: Hoàng Hà) 

Tuy nhiên, trong điều kiện đoạn cao tốc kế tiếp Quốc lộ 45 - Nghi Sơn chưa thông xe, trước mắt phương án tổ chức phân luồng từ xa trên tuyến cao tốc như sau:  

Xe tải trên 10 tấn không được lưu thông; xe tải trên 3,5 tấn được lưu thông từ nút giao Mai Sơn (Km274+393) đến nút giao Hà Lĩnh (Km306+000); xe khách trên 16 chỗ ngồi được lưu thông từ nút giao Mai Sơn (Km274+393) đến nút giao Gia Miêu (Km295+460).

Trên tuyến bố trí các vị trí (dải) dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5km/điểm trên cùng một chiều xe chạy.

Các phương tiện giao thông được tham gia giao thông trên tuyến cao tốc với tốc độ tối đa 80 km/h.

Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây: Tốc độ tối đa 120, tối thiểu 60 km/h

Về tốc độ lưu hành tối đa, tối thiểu, cho phép các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc với tốc độ tối đa 120 km/h và tốc độ tối thiểu 60 km/h.

Trước mắt, dự án đưa vào khai thác 3/7 nút giao, bao gồm nút giao với cao tốc Long Thành - Dầu Giây, nút giao với Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) và nút giao đường nối Ba Bàu với Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận).

Cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây (Ảnh: Hoàng Anh) 

Các phương tiện đầy đủ điều kiện lưu thông trên đường bộ được phép lưu thông trên đường cao tốc trừ các đối tượng như xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h; xe máy, xe mô tô hai bánh; máy kéo, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Bộ GTVT cũng lưu ý, người tham gia giao thông cần chú ý quan sát, theo dõi và chấp hành nghiêm mọi hướng dẫn, chỉ dẫn, điều tiết của lực lượng chức năng để đảm bảo lưu thông an toàn, tránh ùn tắc giao thông.

Những đối tượng  được và không được lưu thông trên cao tốc:  

- Đường cao tốc chỉ phục vụ cho xe ô tô.

- Các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường ô tô cao tốc gồm: Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc (ngoại trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc).

 - Người, phương tiện thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc có phù hiệu hoặc biểu tượng riêng thì được đi lại trên đường cao tốc (không quy định tốc độ) nhưng không gây ảnh hưởng và cản trở giao thông trên đường cao tốc.

- Xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ nằm trong danh mục hàng nguy hiểm được Chính phủ quy định trong Nghị định 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 chỉ được lưu thông trên đường cao tốc khi có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

- Người lái xe tham gia giao thông trên đường cao tốc phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, các quy tắc tham gia an toàn theo quy định pháp luật hiện hành.

Cụ thể: không cho xe chạy vào nơi dừng đỗ khẩn cấp và phần lề đường; không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường;

Người lái xe trên đường cao tốc khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải đảm bảo an toàn;

Trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe khẩn cấp người lái xe phải đưa xe ra làn dừng xe khẩn cấp đặt các vật báo hiệu và thông báo đường dây nóng hỗ trợ...