Khi đó, gia đình tôi ở căn hộ tầng 3, chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Cho đến ngày hôm nay, hơn 4 năm sau vụ cháy, tôi vẫn còn ám ảnh.

Hôm ấy, khoảng gần 23h, vì đi chơi về muộn nên lúc đó, gia đình chúng tôi mới chuẩn bị đi ngủ. Tôi đang nằm trên giường đọc truyện cho con gái 5 tuổi nghe thì ngửi thấy mùi khét.

Theo thói quen, tôi và các thành viên trong gia đình cùng kiểm tra xem có phải mùi khét từ nhà mình hay không. Chúng tôi xem các ổ cắm, chạy ra bếp kiểm tra nhưng không thấy gì khác thường.

Bỗng tôi nghe thấy tiếng hô lớn "cháy rồi". Chồng tôi lao nhanh ra ngoài để kiểm tra thì đúng là nhà chúng tôi đang bị cháy.

Nhà xe tại chung cư mini sau vụ cháy. Ảnh: Thanh Nga

Cảnh tượng hỗn loạn bắt đầu xuất hiện. Mỗi tầng nhà có 4 căn hộ. Ai nấy đều lao nhanh xuống xem tình hình.

Khoảng 3 người đàn ông ở tầng 2 và tầng 3 chạy xuống tầng 1 trước, tìm cách dập lửa. Tôi, một người phụ nữ có mẹ già và con nhỏ nên ở lại. Tôi vẫn cố gắng bình tĩnh, lấy khẩu trang nhúng nước và khăn ướt đưa cho con và mẹ. Trong đầu tôi là hàng ngàn suy nghĩ ngổn ngang nhưng hơn hết là nghĩ cách làm thế nào để chạy thoát khỏi đám cháy bây giờ.

Trên thực tế, chung cư mini của chúng tôi ở trong một con ngõ nhỏ. Đường đi chỉ vừa 2 chiếc xe máy tránh nhau. Ba mặt toà nhà đều giáp nhà dân. Toà nhà lại ở gần cuối ngõ nên thiết nghĩ, chắc chắn xe cứu hoả không thể đỗ tận cửa.

Mỗi nhà đều có ban công nhưng ai cũng làm chuồng cọp, kín như bưng và không có cửa để thoát hiểm. Khó khăn vô cùng. Tôi nghĩ nếu chờ cứu hoả tiếp cận được hiện trường chắc khói lớn cũng khiến chúng tôi chết ngạt.

Dẫu vậy, tôi vẫn hi vọng vì từ trước đến nay chung cư chúng tôi luôn chú ý đến việc phòng cháy chữa cháy. Ngay ở tầng 1, chúng tôi có đặt 3 bình cứu hoả.

Nhưng trong tình huống khẩn cấp, tôi không dám chắc có ai có thể xoay xở kịp để mở bình cứu hoả hay không. Hoặc như ngọn lửa lớn quá, số lượng bình cứu hoả không đủ...

"Cháy! Lửa lớn lắm! Ở ngay cửa ra vào...", cậu bé 15 tuổi nhà đối diện chúng tôi hét lớn.

Gương mặt hoang mang, lo lắng của cậu khi vừa chạy từ tầng 1 lên, dập tắt mọi hi vọng của tôi.

"Thôi rồi, thần chết ở ngay trước mắt chúng tôi rồi. Cháy ở ngay cửa vào duy nhất, làm sao chúng tôi chạy được", tôi nghĩ.

Chập điện ở tầng 1, cũng là nhà để xe, khiến ngọn lửa bùng lên. Trong khi đó, cả toà chung cư chỉ có một lối đi duy nhất...

Lúc này, từ tầng trên, mọi người đi thang bộ xuống rất đông. Lối thang bộ bé xíu, dốc, xoáy, chỉ vừa 2 người. Đông đúc, chen lấn nhau. Người thì khóc, người thì kêu, chạy xuống rồi chạy lên, dọc lối thang bộ.

"Gọi nhà em với, nhà em có người đang ngủ"; "Không ra được nữa rồi, trời ơi"; "Cứu tôi với"... Tiếng mọi người vang lên trong làn khói.

Đúng lúc ấy, một nam thanh niên từ tầng 1 đi lên hô lớn "dập được lửa rồi, dập được rồi, nhanh chạy đi". Câu nói khiến chúng tôi thở phào. Ai nấy nhanh chóng chạy xuống tầng 1 để thoát ra ngoài.

Đêm hôm ấy, gia đình chúng tôi qua nhà họ hàng nghỉ nhờ. Những gia đình có con nhỏ cũng lựa chọn giống chúng tôi. Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi mới tin "mình còn sống".

Trở về, nhìn đám tường đen kịt, nhà xe trắng xoá, tôi oà khóc nức nở.

Nếu như ngọn lửa lan vào một chiếc xe máy nào đó, thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Từ sau vụ việc, dù đi thuê hay mua nhà ở, gia đình chúng tôi đều đặt tiêu chí an toàn phòng cháy chữa cháy lên hàng đầu. 

Những điều cần nhớ khi ở chung cư

1. Hãy nhớ tắt các thiết bị tiêu thụ điện, cắt điện (cúp cầu dao) khi đi ra khỏi nhà. Đồ điện, dây điện cũ hỏng, không chắp nối nữa, hãy bỏ đi vì nguy cơ cháy có thể từ đấy mà ra.

2. Một căn phòng 50m2 khói lửa sẽ bao trùm kín trong khoảng 3-5 phút, tùy nhà có nhiều đồ hay không, càng nhiều đồ cháy càng to, càng nhanh. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm và xử lý kịp thời thì sẽ không sao cả, thiệt hại ít, an toàn cả gia đình. Hãy mua ít nhất trong gia đình 1 cái bình chữa cháy, sử dụng được khi khẩn cấp.

3. 90% người chết trong các vụ cháy là do ngạt khói. Hãy mua cho gia đình mỗi người 1 chiếc mặt nạ chống khói để giữ an toàn tính mạng.

4. Nếu chung cư xảy ra cháy:

- Xác định xem buồng thang thoát hiểm có nhiễm khói không. Nếu không có khói thì có thể bình tĩnh đi vào, không cần chạy. Nếu bị nhiễm khói thì không nên vào.

- Nếu thang thoát hiểm, hành lang nhiễm khói nặng:

+ Đóng cửa ở trong nhà, lấy băng dính dán các khe cửa lại để khói không lọt vào trong.

+ Cả nhà có thể đưa nhau ra ban công, cầm đèn pin làm tín hiệu chờ lực lượng cứu hoả. Nếu có khói theo đường ban công thì đeo mặt nạ vào và ở đó chờ.

+ Tuyệt đối không vào nhà tắm đóng kín cửa xả nước. Không học theo phim buộc quần áo tạo thành dây để tụt xuống.

6. Khi có cháy hãy bấm ngay số 114.

Nguồn: Lính cứu hoả

LTS: Chung cư mini là lựa chọn của không ít gia đình trẻ và sinh viên vì nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, cuộc sống ở đây cũng tồn tại những chuyện ám ảnh, dở khóc dở cười. Báo VietNamNet đăng tải loạt bài Cuộc sống ở chung cư mini dưới góc nhìn, lời chia sẻ của chính những người trong cuộc.

Hoàng Dung