Nỗi buồn lương ‘một cục’
Bố tôi là công nhân xây dựng. Năm 1991 đơn vị ông giải thể nên ông đã quyết định nhận tiền về một lần theo chế độ 176 khi mới 37 tuổi sau khi đi làm “nhà nước” 15 năm.
Còn mẹ về mất sức năm 1993 khi mới 34 tuổi sau thời gian công tác hơn 15 năm làm công nhân ngành lương thực. Trong gần 8 năm sau đó cho đến khi 42 tuổi, mẹ tôi được hưởng trợ cấp mất sức hàng tháng. Và đến khi đủ 55 tuổi, mẹ tôi được hưởng lại trợ cấp hưu trí gần 1,5 triệu đồng mỗi tháng.
Số tiền lương hưu đó chẳng đáng là bao nhưng lại rất quan trọng với mẹ tôi, và cả bố tôi nữa.
Bố tôi, sau khi quyết định nghỉ việc với chế độ “một cục”, không được nhận thêm bất kỳ khoản tiền hay chính sách trợ cấp nào từ bảo hiểm xã hội. Nếu bố tôi không nhận lương “một cục” thì giờ cũng nhận lương hưu tầm 4-5 triệu đồng.
Ông không nói với tôi, nhưng tôi biết ông rất tiếc nhất là khi tuổi ngày càng cao và nhiều chuyện lực bất tòng tâm.
Số tiền lương trợ cấp hàng tháng của mẹ tuy không lớn, nhưng so với người hưởng chế độ 1 lần như bố tôi thì mẹ tôi còn được hưởng các chính sách từ bảo hiểm xã hội đem lại như: cấp thẻ bảo hiểm y tế và các chế độ của người hưởng lương hưu.
Câu chuyện bố tôi về chế độ một lần đến nay đang được nhiều người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lặp lại. Nhiều người ở tuổi 35- 40, tham gia đóng bảo hiểm xã hội được trên dưới 10 năm đã chọn rút bảo hiểm xã hội một lần thay vì tiếp tục tham gia đủ 20 năm chờ hết tuổi lao động để hưởng lương hưu.
Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2016- 2021, cả nước có hơn 4 triệu người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần; bình quân mỗi năm gần 700 nghìn người, năm sau luôn cao hơn năm trước bình quân hơn 11%/năm, tương ứng số tiền rút cũng tăng.
Tôi tin rằng, đại đa số trong 4 triệu người này phải rút bảo hiểm xã hội đều vì lý do thiết hụt tài chính cá nhân. Nỗi lo cơm áo gạo tiền trước mắt quả là gánh nặng không dễ vượt qua, nói chi đến lúc về già.
Thực tế này đòi hỏi quản lý nhà nước cần sớm có giải pháp để hạn chế tình trạng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần, bởi suy cho cùng dù mức lương hưu thấp còn hơn hưởng chế độ một cục rồi đến khi về già phải tự lo trang trải ổn định cuộc sống.
Phải sống được bằng lương
Để hạn chế tình trạng này, trong dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đưa ra đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
So với việc rút bảo hiểm xã hội một cục, hưởng lương hưu có ý nghĩa hơn nhiều đối với người lao động. Do vậy, việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội để người lao động có thể tiếp cận lương hưu khi về già là cần thiết, phù hợp với xu thế chung của các nước phát triển.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra nếu chỉ trông chờ vào giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà thiếu đi giải pháp hỗ trợ duy trì tạo việc làm ổn định cho người lao động và cải thiện tình trạng lương như hiện tại thì khó mà đảo ngược xu thế rút bảo hiểm xã hội như hiện nay.
Hiện nay những người ở độ tuổi 40 -45, dù có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội 15 năm, nhưng để được hưởng lương hưu thì phải chờ thêm 15-20 năm nữa mới đến tuổi hưởng. Trong khoảng thời gian chờ đến tuổi nghỉ hưu, nếu người lao động không có việc làm ổn định, khi gặp khó khăn nhiều người sẽ vẫn lựa chọn rút bảo hiểm một lần.
Người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu dưới 40 tuổi. Ở lứa tuổi này hầu hết người lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.
Vì vậy tạo công ăn việc làm ổn định để người lao động đảm bảo cuộc sống khi còn trẻ, đảm bảo khả năng tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài là giải pháp căn cơ.
Ngoài ra, hiện nay mức lương hưu cao hay thấp phụ thuộc vào mức đóng và thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, vì vậy với những người tham gia thị trường lao động chính thức muộn khi đến tuổi nghỉ hưu mức lương sẽ rất thấp.
Thực tế này đòi hỏi cơ quan soạn thảo luật Bảo hiểm Xã hội nên quy định mức đóng từ người lao động và người sử dụng lao động theo nguyên tắc: tham gia bảo hiểm xã hội khi đến tuổi nghỉ hưu ít nhất phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.
Việc hướng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đến tuổi nghỉ hưu sẽ hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng việc quy định lương hưu phải đảm bảo mức sống tối thiểu sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi an sinh lâu dài cho người lao động.
Vấn đề lương luôn nóng bỏng và nhạy cảm, nhưng để gánh nặng đó dồn cho những năm tháng cuối đời người, khi mắt đã mờ, chân đã chậm, là vấn đề xã hội rất lớn, không thể không quan tâm lúc này.