Người bệnh vào viện chi trả rất nhiều cho tiền thuốc, tiền xét nghiệm nhưng đó là khoản tiền họ phải chi trả cho các công ty sản xuất. Tiền công của nhân viên y tế chỉ nằm trong tiền giường điều trị hàng ngày….

LTS: Để có nhiều góc nhìn đa chiều đóng góp vào việc cải tổ ngành y và dịch vụ y tế hiện nay. Với trách nhiệm thông tin đa chiều,  Tuần Việt Nam xin chia sẻ những trăn trở của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Mời quí độc giả cùng tham khảo và trao đổi thêm.

Một nền y tế tiên tiến hướng tới sự chăm sóc sức khỏe của tất cả mọi người phải bao gồm:

 - Mọi người được bình đẳng trong việc chẩn đoán và chữa trị, không phân biệt địa vị, quyền hạn, giới tính, tôn giáo, chủng tộc vv…

- Người bệnh được tiếp cận với những phương pháp khám chữa hiệu quả.

- Người bệnh không bị bần cùng hóa vì chi phí y tế.

Vấn đề quan trọng nhất là: Tiền ở đâu để đầu tư cho cho hoạt động y tế đảm bảo những tiêu chí này. 

Với mô hình Y tế tự trả tiền, người dân tự trả mọi chi phí y tế. Khi đó nhóm người nghèo, người yếu thế sẽ khó tiếp cận được dịch vụ y tế chất lượng cao và nhiều người sẽ bị bần cùng hóa do chi phí khám chữa bệnh. 

Với mô hình Y tế bao cấp, nhà nước sẽ thu thế cao của người dân. Nhờ đó ngân sách nhà nước đủ lớn để bao cấp toàn bộ về  y tế cho nhân dân. Nước Anh đánh thuế lợi tức lên tới 50% để lấy tiền chi cho y tế và giáo dục. Nhưng ở những nước nghèo, người dân sẽ không chịu nổi mức thuế cao đó. Khi đó nhà nước chỉ bao cấp được ít ỏi và chất lượng y tế đương nhiên thấp. 

Mô hình Y tế Bảo hiểm toàn dân: Người lao động và các doanh nghiệp cùng chi tiền mua bảo hiểm từ các quỹ bảo hiểm y tế.  Người nghèo, không có việc làm thì Nhà nước sẽ chi tiền mua bảo hiểm. Các quỹ bảo hiểm này sẽ chi trả chi phí khám chữa bệnh của người dân. Để đảm bảo đủ chi trả cho một nền y tế hiệu quả thì số tiền mua bảo hiểm phải  đủ lớn.  Nếu một nền sản xuất có năng xuất thấp, thu nhập của người lao động hạn chế thì khó đảm bảo nổi điều này. 

Đời sống nhân dân còn thấp, chúng ta chưa thể tăng thuế để thực hiện Nhà nước bao cấp y tế nên đang hướng tới Bảo hiểm y tế toàn dân. Năng xuất lao động của Việt Nam rất thấp, thu nhập bình quân đầu người chỉ đứng hàng thứ 128/183 trên thế giới (Theo World Bank - 2015), khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, bởi vậy mức đóng Bảo hiểm y tế không thể cao. Nguồn lực đầu tư cho y tế thấp nên ta buộc phải chấp nhận chất lượng y tế phổ cập thấp tương xứng. 

{keywords}

Việc hô hào vận động nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế mà không đi kèm với việc cải thiện đời sống thầy thuốc sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này. 


Để tăng cường chất lượng y tế chỉ có 2 cách

Thêm nguồn lực cho y tế: Ngoài việc đảm bảo Bảo hiểm y tế toàn dân, cần huy động thêm các nguồn lực khác cho y tế như: Xã hội hóa Y tế, phát triển y tế tư nhân, vận động tài trợ hảo tâm cho y tế. 

Ở nhiều nước, có nhiều bệnh viện được xây dựng và hoạt động nhờ tài trợ hảo tâm của các tỷ phú, các tổ chức xã hội tôn giáo nhưng ở Việt Nam điều này còn khá hạn chế. Để đạt được điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi nhận thức của toàn xã hội. 

Phân bổ nguồn lực: Nguồn lực Y tế được phân bổ cho phòng bệnh và khám chữa bệnh. Phòng bệnh bao giờ cũng hiệu quả hơn chữa bệnh. Nhưng phòng bệnh không chỉ là việc của riêng ngành Y tế. Nó còn bao hàm cả việc đảm bảo môi trường và an toàn thực phẩm; hạn chế tác hại của rượu, bia, ma túy, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vv... nên nó đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn xã hội.

Với điều kiện thực tế của xã hội ta, chúng ta chỉ có thể hy vọng việc  nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua phân bổ hợp lý nguồn lực trong khám chữa bệnh

Chất lượng khám chữa bệnh bao gồm Chất lượng chuyên môn và tinh thần thái độ phục vụ. Cả 2 yếu tố này đều gắn liền với Nhân lực y tế. 

Chi phí khám chữa bệnh cấu thành từ Chi phí thuốc và vật tư y tế (bao hàm cả hóa chất và vật tư xét nghiệm), tiền công chữa trị bệnh nhân, chi phí vận hành và chi phí quản lý cơ sở y tế. Yếu tố  Nhân lực y tế là yếu tố tác động lớn nhất đến chất lượng khám chữa bệnh nhưng hiện nay tiền công y tế là khoản đầu tư trực tiếp cho Nhân lực y tế  lại chỉ chiếm tỷ trọng thấp nhất trong chi phí y tế. 

Người bệnh vào viện chi trả rất nhiều cho tiền thuốc, tiền xét nghiệm nhưng đó là khoản tiền họ phải chi trả cho các công ty sản xuất. Tiền công của nhân viên y tế chỉ nằm trong tiền giường điều trị hàng ngày. Ở bệnh viện tuyến tỉnh trung bình là 20 ngàn đồng/ngày. Mỗi bệnh nhân sẽ có một vài người nhà đi cùng. Số tiền giường điều trị trên trừ chi phí vận hành như điện nước, xử lý vệ sinh và rác thải thì còn lại rất ít. 

Để đảm bảo hoạt động, các bệnh viện phải duy trì tình trạng một thầy thuốc khám, chữa rất nhiều bệnh nhân dẫn đến chất lượng chuyên môn và phục vụ giảm. Đời sống thầy thuốc khó khăn đôi khi dẫn đến các hành vi tiêu cực, tình trạng lạm dụng thuốc và xét nghiệm gây phiền nhiễu bệnh nhân. 

Thu nhập thấp và cường độ lao động cao sẽ dẫn đến sự chảy máu chất xám trong ngành y.Việc hô hào vận động nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế mà không đi kèm với việc cải thiện đời sống thầy thuốc sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này. 

Chúng ta đã từng chứng kiến làn sóng thầy thuốc khu vực phía nam bỏ việc đi làm nghề khác trong những năm 80, các sinh viên y ưu tú ra trường đi làm trình dược, kinh doanh thuốc những năm 90 của thế kỷ trước dẫn đến hậu quả thiếu đội ngũ bác sĩ có tay nghề tốt ở nhiều tuyến hiện nay. Thậm chí ngay cả bây giờ, làm sóng thầy thuốc có tay nghề cao bỏ việc ở các bệnh viện công tại nhiều địa phương cũng vẫn đang nhức nhối. Điều này tất yếu tác động lâu dài đến chất lượng khám chữa bệnh. 

Để nâng cao chi tiền công y tế trong khi gói ngân sách không đổi đòi hỏi phải giảm bớt được các chi tiêu ở những khoản mục khác: 

Vừa qua Bộ Y tế đã có nhiều cải tiến trong việc đấu thầu, giúp giá thuốc và vật tư y tế nhập vào các bệnh viện đã giảm đáng kể . Tuy vậy, đối với các mặt hàng này yêu cầu về chất lượng cần được ưu tiên hơn cả vấn đề về giá cả nên các chính sách, quy định đấu thầu thuốc, vật tư y tế vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. Đầu tư cho công tác chống nhiễm khuẩn và kiểm soát chất lượng giúp ngăn ngừa tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm cũng là một cách thức giúp giảm chi phí thuốc và vật tư y tế. 

Một vấn đề rất cần lưu tâm là đôi khi truyền thông đưa tin hơi quá mức những vụ lùm xùm của ngành y, làm mất lòng tin giữa bệnh nhân và thầy thuốc làm tăng nguy cơ khiếu kiện. Bởi vậy đôi khi thầy thuốc phải chỉ định rộng các xét nghiệm nhằm hoàn thiện bằng chứng bảo vệ mình, làm tăng nặng thêm chi phí y tế và gánh nặng cho bệnh nhân. 

Mô hình bao y tế hiện nay đang có tình trạng bao cấp ngược. Những người dân ở các vùng sâu vùng xa vẫn nộp bảo hiểm như bình thường nhưng ít có điều kiện thụ hưởng các kỹ thuật cao, chăm sóc chuyên sâu nên quỹ BHYT lại bị chuyển ngược về bao cấp cho người dân ở các thành phố lớn. 

Những người có điều kiện thường lại là người không hài lòng với chất lượng phục vụ y tế nhất. Việc chiều theo nhu cầu của họ có thể ảnh hưởng đến nguồn lực y tế và cướp mất cơ hội của những người, những khu vực còn khó khăn. Đây là điểm bất công cần sớm giải quyết. 

Với tài chính hạn hẹp, chúng ta không thể đòi hỏi một nền y tế chất lượng cao như ở các nước giàu. Chúng ta chỉ có thể phấn đấu cho một nền y tế phổ cập công bằng và có chất lượng tối đa trong khả năng cụ thể của nước ta. Đầu tư hợp lý cho nhân lực y tế có thể giúp giảm bớt các chi phí khác và nâng cao chất lượng. 

Những người có nhu cầu hưởng thụ nền y tế cao hơn mức phổ cập phải có trách nhiệm tự chi trả thêm chứ không thể xắn miếng to hơn trong cái bánh chung của toàn dân. 

Nguyễn Trung Cấp