Gia tăng cơ hội dệt may Việt Nam vào EU

Tại tọa đàm "Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường châu Âu" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 2/8, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng: Người ngoài nhìn vào hiệp định EVFTA, phản ứng đầu tiên thấy đây là cơ hội, thuận lợi cho ngành dệt may. Bởi vì thuế quan với tất cả hàng dệt may sẽ được đưa về 0%, trong đó 77% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong khi đó, EU là thị trường đứng đầu thế giới về nhập khẩu hàng dệt may và EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của hàng dệt may Việt Nam.

Song, theo ông Lương Hoàng Thái, những người làm lâu về thương mại có thể thấy EVFTA - với những yêu cầu mạnh mẽ về cải cách - có thể tạo ra những thách thức lớn cho ngành truyền thống như dệt may.

{keywords}
Dệt may phải vượt qua quy tắc xuất xứ mới tận dụng ưu đãi của EVFTA.

Ngành dệt may Việt Nam vốn phát triển theo bề rộng dựa vào nguồn lao động giá rẻ. Nhưng đây là ngành có sự cạnh tranh rất lớn trên quy mô toàn cầu. Nếu một nhà đầu tư vào Việt Nam gặp phải các vấn đề như chi phí tăng, không có chuỗi cung ứng bền vững thì họ có thể di chuyển sang nước khác.

Cho nên, theo đại diện Bộ Công Thương, Việt Nam phải tạo lập được chuỗi cung ứng mang tính ổn định, lâu dài để ngăn tình trạng nhà đầu tư di chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia khác. Điều này cũng góp phần mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho hàng dệt may Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, cho rằng: Với ngành dệt may, EU là thị trường cực kỳ lớn và vô cùng hấp dẫn. Năm 2018, dệt may Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu 5,6 tỷ USD. Đó là con số rất lớn nhưng cũng chỉ chiếm hơn 2% tổng lượng nhập khẩu hàng dệt may của châu Âu. Điều này cho thấy dư địa của thị trường châu Âu là rất lớn.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ: Năm nay Hiệp hội đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD hàng dệt may Việt Nam. Trong đó, thị trường lớn nhất là Mỹ chiếm 42% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam. Đứng thứ hai là thị trường EU, khả năng chiếm 21,5% so với mục tiêu đặt ra là 20%. Đứng thứ ba là Nhật chiếm 19,5%. Thứ tư là Hàn Quốc chiếm 14%...

“EU vẫn là thị trường có tính chiến lược trọng điểm, lâu dài, vì các đơn hàng dệt may của EU là dòng hàng có giá trị gia tăng cao hơn các thị trường khác”, ông Vũ Đức Giang nói và cho rằng EU cũng là thị trường Việt Nam có mối quan hệ lâu dài kể từ 1992 đến nay nên sự am hiểu là rất lớn.

Theo ông Giang, ngành dệt may có sự cạnh tranh cực kỳ khắc nghiệt, nhất là liên quan giá sản phẩm. Việt Nam đứng thứ ba sau Trung Quốc, Ấn Độ, nhưng một số nước đang bám đuổi sát phía sau. Cho nên, nếu Việt Nam không đặt ra một chiến lược tốt, thì sẽ khó tiếp cận thị trường EU.

Thách thức nguồn cung thiếu hụt

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội từ EVFTA mang lại, ngành dệt may đang gặp phải nút thắt về nguồn cung thiếu hụt, tức phải đáp ứng quy tắc xuất xứ trong hiệp định thương mại tự do này.

Theo ông Vũ Đức Giang, để tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, cần hoạch định chiến lược phát triển các khu công nghiệp dệt may nhằm phát triển phần cung thiếu hụt. Đặc biệt với EU, dệt may Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, nhận định: Vấn đề nguồn cung nguyên liệu là thách thức không chỉ cho ngành dệt may. Nếu không đảm bảo quy tắc xuất xứ thì hàng hóa Việt Nam không được ưu đãi. Đảm bảo quy tắc xuất xứ, dệt may Việt Nam mới được hưởng ưu đãi từ EVFTA.

“Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng khoảng 90% nguyên phụ liệu của ta đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của hiệp định và không được ưu đãi cộng gộp trong hiệp định”, bà Trang chia sẻ.

Theo đại diện Trung tâm WTO, ngành dệt may không được đánh giá là ngành hưởng lợi nhất trong tăng trưởng sản lượng hay tăng trưởng xuất khẩu sang EU, nhưng ngành này hưởng lợi nhất từ phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Với những yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ trong EVFTA cũng như trong nhiều hiệp định khác, đó là động cơ để thu hút đầu tư của trong nước và nước ngoài vào ngành dệt và dệt nhuộm ở Việt Nam.

Một vài năm trước, Việt Nam gặp khó khi phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, nhưng nay đã tiến bộ hơn nhiều và chúng ta đã xuất khẩu được sợi. “Tôi hy vọng với động lực lực tạo ra từ EVFTA, CPTPP hay các hiệp định khác, tương lai đầu tư cho dệt nhuộm của Việt Nam sẽ tốt hơn, đáp ứng nguồn cung cho hàng dệt may Việt Nam”, đại diện Trung tâm WTO lạc quan.

Ông Vũ Đức Giang cho hay, trước đây doanh nghiệp EU không đầu tư vào dệt may ở Việt Nam, nhưng năm 2018 đã có một tập đoàn Đức đầu tư nhà máy kéo sợi len lông cừu tại Đà Lạt. Điều này cũng tạo ra động lực cho các DN trong nước và DN nước ngoài đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt ở Việt Nam. 

Nhưng có thực tế rằng, hàng loạt địa phương đang từ chối các dự án dệt nhuộm vì lo ngại ảnh hưởng môi trường.

Nói về quan ngại của các địa phương, ông Vũ Đức Giang đánh giá là do “nhận thức chưa đầy đủ”.

“Hệ thống công nghệ xử lý nước thải của thế giới tiên tiến vô cùng. Chúng tôi đầu tư tư một nhà máy ở khu công nghiệp Bảo Minh, đứng sát nhà máy không thấy mùi, không thấy nước có màu đậm như trước đây nữa. Chúng ta cũng đã đến giai đoạn tái sử dụng nguồn nước thải để sản xuất”, ông Giang nói.

Cho nên, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may trấn an các địa phương không nên quá lo lắng vấn đề này. “Khách hàng của ta họ đánh giá khắt khe hơn nhiều cơ quan quản lý địa phương. Nếu không tuân thủ điều khoản về môi trường thì họ cũng không mua hàng của ta”, ông Giang bộc bạch.

Hà Duy