Không còn ở thế giằng co như buổi sáng, trong phiên giao dịch chiều 24/5 áp lực bán tăng lên ở đa số cổ phiếu, khiến chỉ số VN-Index chung cuộc giảm 19,1 điểm (tương đương giảm 1,49%) xuống 1.261,93 điểm.
Áp lực bán gia tăng khi khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh, tập trung vào nhiều cổ phiếu trụ cột, trong đó có nhóm “họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng như Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE). Khối ngoại cũng bán Chứng khoán SSI (SSI), TPBank (TPB), FPT, HDBank (HDB), MBBank (MBB), VPBank (VPB) và cả Vinamilk (VNM)...
Thế giằng co thực sự kết thúc khi bước sang phiên chiều. Phần lớn nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ giảm giá. Các nhóm bán lẻ, bất động sản, chứng khoán và vật liệu xây dựng giảm mạnh hơn.
Chỉ số VN30 (nhóm 30 cổ phiếu lớn nhất) giảm 21,3 điểm (tương đương 1,63%); chỉ số HNX-Index giảm 5,19 điểm (tương đương giảm 2,1%) xuống 241,72 điểm. Upcom-Index giảm 0,81%.
Cổ phiếu FPT của Chủ tịch Trương Gia Bình chịu áp lực giảm mạnh, mất 5.600 đồng xuống 131.900 đồng. Đây cũng là mã cổ phiếu bị các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất. Cổ phiếu FPT tăng ấn tượng từ đầu năm và gần đây liên tục lập đỉnh cao mọi thời đại.
Nhóm cổ phiếu “họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng rơi vào một đợt giảm khá mạnh trong khi trước đó tăng cao nhờ những thông tin tích cực hơn từ hãng xe điện VinFast (Nasdaq-VFS).
Cổ phiếu Vingroup (VIC) giảm 600 đồng, xuống 44.950 đồng/cp; Vinhomes (VHM) giảm 750 đồng, xuống 39.800 đồng/cp; Vincom Retail (VRE) giảm 700 đồng, xuống 22.300 đồng/cp.
Masan Group (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang giảm 2.300 đồng, xuống 73.500 đồng/cp. Hãng hàng không VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giảm 3.400 đồng, xuống 108.000 đồng/cp. Thế giới di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài giảm 1.500 đồng, xuống 60.500 đồng/cp. Chứng khoán SSI của ông Nguyễn Duy Hưng giảm 1.450 đồng, xuống 35.250 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giảm mạnh. Vietcombank (VCB) giảm 800 đồng xuống 90.200 đồng/cp; VPBank (VPB) giảm 500 đồng xuống 18.000 đồng/cp...
Tỷ giá gây áp lực, triển vọng cổ phiếu cuối năm vẫn tích cực
Ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI, cho rằng, thị trường chứng khoán giảm trong phiên giao dịch cuối tuần chủ yếu do áp lực chốt lời trong ngắn hạn, ảnh hưởng từ sự căng thẳng về tỷ giá.
Theo ông Kháng, việc thị trường điều chỉnh giảm cũng là bình thường trong bối cảnh giá cổ phiếu đã hồi phục mạnh từ đầu năm và lãi suất huy động lại đang có chiều hướng tăng trở lại.
Chuyên gia CSI cho biết những biến động trên thị trường tài chính Mỹ đang khiến đồng USD có xu hướng mạnh lên, qua đó gây áp lực lên tỷ giá USD/VND ở thị trường trong nước.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Nhất Việt - cũng đồng quan điểm, cho rằng tỷ giá căng thẳng nên khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại và đây là một nhịp điều chỉnh cần thiết của thị trường để có thể tăng tiếp.
Gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều động thái song tỷ giá USD/VND vẫn chưa hạ nhiệt. Tỷ giá vẫn nhích lên, hôm 24/5 đạt mức 24.477 đồng/USD (giá bán ra tại Vietcombank), chỉ thấp hơn một chút so với mức cao kỷ lục 25.485 đồng/USD ghi nhận hôm 22/4.
Tỷ giá USD/VND tiếp tục căng thẳng khi đồng USD trên thị trường quốc tế quay đầu tăng giá so với rổ các đồng tiền chủ chốt, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lo ngại lạm phát dai dẳng và không tự tin cắt giảm lãi suất.
Theo Reuters, trong biên bản cuộc họp tháng 5, có nhiều giọng điệu điều hâu cho thấy các nhà hoạch định chính sách không tự tin cắt giảm lãi suất. Điều đó thúc đẩy trái phiếu kho bạc và đồng USD tăng cao.
Gần đây, NHNN đồng loạt tăng lãi suất cho vay qua kênh cầm cố giấy tờ có giá khi bơm tiền ra thị trường (lên mức 4,25%/năm), cũng như tăng lãi suất tín phiếu khi hút tiền về (lãi suất 4%/năm). Mục đích là kéo lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên một mặt bằng cao hơn, qua đó giảm chênh lệch với lãi suất đồng USD trên thế giới. NHNN kỳ vọng qua đó giảm áp lực lên tỷ giá và dự trữ ngoại hối.
Mặc dù vẫn đang nhích dần lên nhưng tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm.
Ông Lưu Chí Kháng dự đoán, thị trường chứng khoán kỳ vọng có thể tăng tiếp. Trong nửa cuối năm 2024, VN-Index sẽ lên 1.400 điểm với một số nhóm có thể diễn biến tích cực như: bất động sản khu công nghiệp, dầu khí, vật liệu xây dựng và cả ngân hàng.
Trong phiên giao dịch 24/5 khi thị trường giảm mạnh, dòng tiền tỷ USD đổ vào các cổ phiếu. Tổng cộng, hơn 40 nghìn tỷ đồng đã đổ vào 3 sàn, trong đó có hơn 35,5 nghìn tỷ đồng trên HOSE. Thanh khoản hôm nay tăng 70,8% so với trung bình 20 ngày.
Còn theo ông Trí, nửa cuối năm nay, chỉ số VN-Index sẽ lên 1.300 điểm. Nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp, thép, công nghệ, bán lẻ, thủy sản,... sẽ tích cực nhưng tùy thuộc thời điểm.