Giáo viên nóng lòng chờ nội dung tinh giản

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM cho rằng Bộ nên sớm công bố chương trình giảm tải và ma trận đề cho học sinh lớp 12 để giáo viên và học sinh có định hướng ôn tập.

"Là giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh 12, tôi mong muốn giảm tải để nội dung thi THPT quốc gia nên gói gọn trong học kì 1 và 2 tuần đầu của học kỳ 2” - thầy Du nói.

{keywords}
 

Theo thầy Du, dù Bộ đã công bố lùi thời gian hoàn thành chương trình năm học, tuy nhiên xét tới thời điểm này nếu dạy theo chương trình (như các năm trước) thì quá dài và gây căng thẳng cho học sinh. Giáo viên cũng rất bối rối không biết “chạy” thế nào cho hết. Do vậy cần sớm có khung để nhà trường có thể lên kế hoạch chủ động học tập.

Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) thì cho hay hiện tại, trường đang triển khai việc dạy học online với số tiết, số bài theo như chương trình đầy đủ đã phân phối. Tuy nhiên, theo vị này, cũng phải thông cảm cho Bộ GD-ĐT bởi không thể nói là có ngay chương trình tinh giản, mà điều này cũng phải phụ thuộc vào yếu tố khách quan, cụ thể như tình hình dịch bệnh và quãng thời gian còn lại.

Nhưng theo ông, trong lúc này, kể cả có sớm hướng dẫn tinh giản chương trình cũng chưa chắc học sinh có thể quay lại học vào thời gian như dự định.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho biết, hiện nhà trường và các giáo viên cũng đang chờ hướng dẫn tinh giản chương trình của Bộ GD-ĐT ở phần bắt buộc để có thể điều chỉnh kế hoạch dạy học một cách phù hợp và hiệu quả nhất.

“Phương án giảm tải, tinh giản chương trình là rất hợp lý trong bối cảnh năm học này. Tuy nhiên khó có thể cắt chương trình theo kiểu cơ học. Tôi thấy chỉ có thể giảm bớt những kiến thức không trọng tâm, hoặc nhóm những kiến thức gần hoặc trùng lặp, kiến thức nâng cao. Nhưng chắc Bộ cũng đã phải tính toán thời gian và đảm bảo chương trình”.

Trước đây, Bộ GD-ĐT cho phép các địa phương chủ động, linh hoạt sắp xếp chương trình giảng dạy. Do đó, có những bài nằm trong chương trình học kỳ 2 nhưng một số trường “đôn lên” dạy ở học kỳ 1 và ngược lại. Vì vậy, rất có thể những bài đã dạy rồi lại rơi vào diện giảm tải, còn những bài chưa dạy thì không giảm tải. Điều này có thể khiến chương trình học kỳ 2 phải “gánh” nhiều bài hơn dù mang danh “giảm tải”.

Bà Nhiếp cho hay trường mình cũng xảy ra tình trạng đó. “Cũng có những nhóm bộ môn phản ánh lên như thế với tôi. Nhưng dù thế nào thì cũng thiết kế được và lượng kiến thức và bài học dạng này sẽ không nhiều. Việc dạy học trực tuyến là một kênh rất mở và tạo nhiều cách để có thể linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và chuyển tải kiến thức đến học sinh”, bà Nhiếp nói.

Tuy nhiên, bà Nhiếp hy vọng Bộ GD-ĐT sẽ có thông tin cụ thể sớm về những nội dung tinh giản để các giáo viên thuận lợi hơn trong công tác dạy học.

Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường THPT ở Hải Phòng cũng cho biết giáo viên trường mình đang rất ngóng hướng dẫn từ Bộ, đơn giản để “yên tâm hơn”. Dù hiện nay, trong quá trình dạy học trực tuyến, trường vẫn tổ chức ôn tập xâu chuỗi các chủ đề cho học sinh nhưng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và những gì là trọng tâm, trọng yếu của đề thi các năm.  

“Bởi như cấu trúc đề minh họa thi THPT quốc gia năm nay giờ vẫn chưa có thì cũng không biết nên chủ động bỏ đi hay tinh giản phần kiến thức nào”, vị này nói.

Theo vị này, chỉ Bộ mới có thể biết và quyết sẽ tổ chức “thi gì”, để triển khai “học nấy”.

Trong tháng 3 sẽ có hướng dẫn 

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, hiện Bộ đang khẩn trương rà soát, xây dựng nội dung tinh giản. Trong tháng 3 này, Bộ sẽ ban hành công văn hướng dẫn việc tinh giản để các nhà trường, giáo viên được biết và triển khai tổ chức dạy học hiệu quả.  

{keywords}
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng

Theo ông Thành, những nội dung nào của học kỳ II năm học 2019-2020 có mức độ yêu cầu mang tính nâng cao sẽ được giảm bớt đi để đảm bảo thời gian học tập cho học sinh.

“Căn cứ vào chương trình, chúng tôi sẽ tinh giản theo hướng một số các tiết học trong sách giáo khoa gần nhau có thể thiết kế thành bài học theo chủ đề để tiết kiệm thời gian dạy học. Chẳng hạn như số tiết nhiều hơn 3 thì có thể rút bớt đi thời gian dạy học trên lớp. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo được yêu cầu của chương trình”, ông Thành nói.

Bộ GD-ĐT cũng tính toán tinh giản theo hướng tích hợp những nội dung giao thoa giữa các môn học. “Có một số nội dung giao thoa giữa các môn học trong chương trình hiện hành. Với những nội dung này, chúng tôi sẽ thiết kế để tổ chức tích hợp vào một môn chính. Như vậy, sẽ tiết kiệm được lượng thông tin, tiết kiệm được đối tượng mà học sinh phải nghiên cứu nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình”, ông Thành nói.

Theo đó, đề minh họa và đề thi chính thức kỳ thi THPT quốc gia sẽ xây dựng dựa trên nội dung chương trình đã tinh giản.

Hiện, Bộ GD-ĐT đã có quyết định thành lập các tiểu ban rà soát, tinh giản chương trình giáo dục phổ thông của tất cả các môn học từ lớp 1 đến lớp 12. Thành phần tiểu ban gồm có các tác giả, chương trình sách giáo khoa, giảng viên trường ĐH sư phạm, đại diện sở GD-ĐT và giáo viên trực tiếp đứng lớp của môn học đó. 

Ông Thành cũng cho biết, khi vào năm học mới, Bộ cũng sẽ có hướng dẫn để các nhà trường tổ chức bù đắp thêm phần kiến thức đã được tinh giản của học kỳ II năm học này. 

Thanh Hùng – Lê Huyền

Thầy trò chào nhau qua màn hình máy tính, học thể dục ngay trong phòng

Thầy trò chào nhau qua màn hình máy tính, học thể dục ngay trong phòng

 - Dạy thể dục thông qua hình thức học trực tuyến. Điều nghe có vẻ “không tưởng” này lại được các giáo viên thực hiện rất sáng tạo, thậm chí hoàn toàn phù hợp với việc học sinh học tập tại nhà và ở những nơi có không gian hạn chế.