Tiềm năng nông nghiệp

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, có diện tích tự nhiên với trên 90.000 ha (bình quân 2,2 ha/người), gấp 6 lần cả nước. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm 58%, dân số gần 47 vạn người, ở khu vực nông thôn chiếm trên 82%. 

Diện tích đất trống chưa sử dụng là 240.000 ha. Đó còn chưa tính thời gian tới, đất nông nghiệp được mở rộng thêm do chuyển đổi sang trồng một số loại cây có giá trị kinh tế cao trên 20.000 ha (chủ yếu là đất màu, đất nương rẫy kém hiệu quả).

Cánh đồng lúa tẻ râu - sản phẩm OCOP nổi tiếng của Lai Châu. Ảnh: Lê Anh Dũng. 

Lai Châu cũng là vùng đất có tới 3 đới khí hậu rõ rệt: Đới khí hậu nóng, ẩm; mát, ẩm hay ôn đới đều xuất hiện bởi phân tầng các độ cao từ dưới 600 m đến 1.000 m so với mực nước biển. Đặc điểm này giúp Lai Châu có thể trồng từ các loại cây nhiệt đới như: cao su, chè, mắc ca cho đến các cây trồng ôn đới và nhiều loài cây dược liệu quý hiếm như sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, đỗ trọng, đương quy, tam thất... 

Độ che phủ rừng của Lai Châu hiện đạt 51%, là lợi thế rất lớn để phát triển nuôi ong và chăn nuôi. 

Khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với hệ thống sông suối đa dạng phù hợp để trồng rau màu trái vụ, phát triển cây dược liệu. Theo đánh giá của các chuyên gia, Lai Châu có 780 loài dược liệu, trong đó 80 loài dược liệu đã được quy hoạch.  Ngoài ra, Lai Châu cũng có nhiều vùng sinh thái phù hợp để nuôi cá nước lạnh. 

Về hạ tầng giao thông, hầu hết các trục đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh và các tuyến đường kết nối với các tỉnh trong khu vực và các thị trường lớn như vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sẽ hoàn thành như: tuyến thành phố Lai Châu đi Sìn Hồ, Nậm Tăm, tuyến tỉnh lộ 127, Quốc lộ 32, Quốc lộ 12, đường nối Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, tuyến Ma Lù Thàng - Kim Bình - Vân Nam. 

Thiên nhiên hùng vĩ cùng bản sắc văn hóa độc đáo của 20 dân tộc anh em, nhiều điểm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm hấp dẫn, Lai Châu còn nhiều lợi thế riêng như có Cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng, thuận lợi cho phát triển công nghiệp và kinh tế biên mậu...

Tỉnh Lai Châu luôn xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm và tập trung tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp.

Những tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển đã được Lai Châu cụ thể hóa trong Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm. Đồng thời, tập trung bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Tỉnh cũng đã và đang xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và đội ngũ lãnh đạo các cấp năng động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới và phát triển, đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài ra, tỉnh còn cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, đề án để triển khai thực hiện như: Nghị quyết về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Đề án về phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung...

"Trải thảm" đón nhà đầu tư 

Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp của Lai Châu phát triển mạnh, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Giá trị sản xuất năm 2020 đạt trên 3.200 tỷ đồng, tăng 8,5 lần so với năm 2004. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2004 - 2020 đạt trên 22%.

Lai Châu đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như: trên 8.000 ha chè, gần 13.000 ha cao su, trên 5.000 ha mắc ca, 4.000 ha chuối... 

Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) được đẩy mạnh với 106 sản phẩm OCOP. Chăn nuôi tăng trưởng khá, tổng đàn tăng hàng năm với nhiều mô hình chăn nuôi quy mô lớn. 

Gạo Séng Cù trồng ở huyện Tân Uyên được giới thiệu tại gian hàng xúc tiến thương mại. Ảnh: Lê Anh Dũng. 

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã xác định 04 chương trình trọng điểm, trong đó có 2 chương trình là phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung và phát triển rừng bền vững là nhiệm vụ trọng tâm với mong muốn huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với nguồn ngân sách dự kiến trên 1.000 tỷ đồng. 

Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp hơn nữa, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư.

Tháng 12/2021, tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua hội nghị, mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được tăng cường quảng bá song song với ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, danh mục dự án đầu tư, nhằm khai thác tiềm năng lợi thế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Sau hội nghị, đã có 13 công ty, doanh nghiệp, hiệp hội đi khảo sát thực tế, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Một số nhà đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư để tổ chức thực hiện như: Trồng rừng gỗ lớn bằng cây bản địa, khoanh nuôi, bảo vệ rừng và bảo tồn phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; dự án Phát triển nông, lâm nghiệp và dược liệu FOBIC tại huyện Tân Uyên; dự án Phát triển cây mắc ca; dự án Phát triển cây quế kết hợp trồng cây gỗ lớn tại huyện Than Uyên... 

Tại một sự kiện về thúc đẩy phát triển nông sản, dược liệu của tỉnh Lai Châu, ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Lai Châu tuy là tỉnh nghèo nhưng đã ban hành 5 đề án, 5 nghị quyết về phát triển tam nông, trong đó có Nghị quyết về thí điểm hỗ trợ phát triển dược liệu và Nghị quyết hỗ trợ bao bì, nhãn mác và truy xuất vùng trồng.

Lai Châu cũng là một trong những tỉnh dành ngân sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp thuộc tốp đầu cả nước với 1.000 tỷ đồng trong những năm qua. 

Tỉnh đã ban hành các quyết định định hướng phát triển nông nghiệp thông qua các đề án để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm có thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để đạt mục tiêu các đề án, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đầu tư phát triển sản xuất. Cụ thể là 7 quyết định, nghị quyết về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, cây dược liệu, và chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, Lai Châu mong muốn được tiếp nhận, chuyển giao các dự án sản xuất, chế biến ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, tăng năng suất, giá trị sản phẩm; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người dân nông thôn, hướng tới mục tiêu hợp tác cùng phát triển. 

Ông Trần Tiến Dũng cũng cho biết, Lai Châu sẽ phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động tại địa phương. Tỉnh và các địa phương sẽ tạo điều kiện tốt nhất, “trải thảm” đón nhà đầu tư. 

Bên cạnh ban hành chính sách, triển khai các nhiệm vụ, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các danh mục dự án kêu gọi đầu tư, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư. Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư thân thiện, nhanh chóng và chính xác. Bám sát, đồng hành cùng các nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh được thuận lợi...

Quỳnh Nga