"Vàng" xanh – sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Lai Châu có lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng phát triển các sản phẩm nông nghiệp như chè, nếp tan Co Giàng, miến dong Bình Lư, sa nhân, đương quy, sơn tra, gạo tẻ râu…
Trong đó, chè được coi là “vàng” xanh của tỉnh, với sản lượng chè búp tươi đạt 44.000 tấn, sản lượng chè khô đạt khoảng 10.000 tấn/năm. Sản phẩm chè của tỉnh đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Đông, Nam Á, Đài Loan.
Những năm gần đây, UBND tỉnh, các cấp các ngành, người dân tại các huyện Tam Đường, Tân Uyên… đồng lòng phát triển các đồi chè rộng bạt ngàn, đưa loại nông sản này trở thành hàng hóa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn OCOP và được người tiêu dùng trên cả nước đón nhân.
Để mở rộng thị trường xuất khẩu, quảng bá thương hiệu chè Lai Châu đến các nước, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Ngày 15/6 tới đây, tỉnh sẽ tổ chức Hội thảo Xúc tiến sản phẩm chè của tỉnh Lai Châu vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.
Đây là sự kiện lớn của tỉnh Lai Châu, là cơ hội để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè của tỉnh tìm kiếm các đối tác mới và tìm ra giải pháp thúc đẩy việc xuất khẩu mặt hàng chè của Lai Châu sang thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh Lai Châu cập nhật thông tin về thị trường chè ở Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á; nắm rõ các yêu cầu đặc thù của khu vực (về sở thích, thị hiếu người dân, văn hóa…).
Hội thảo cũng nhằm định hướng cho doanh nghiệp trong sản xuất, phát triển sản phẩm phù hợp, có tính cạnh tranh cao; tìm biện pháp giải quyết trong kênh thanh toán đối với các thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.
Các sản phẩm chè của tỉnh không chỉ nức tiếng bởi hương thơm nồng nàn, vị ngọt hậu, nước xanh, mà còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Mỗi sản phẩm chè trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường đều được đóng gói theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem nhãn hàng và tem điện tử truy xuất nguồn gốc.
Huyện Tam Đường có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, người dân chưa chú trọng tới việc chăm sóc nên cây trồng cho năng suất, chất lượng thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Để giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung phát triển cây chè là cây trồng mũi nhọn.
Sau hơn 10 năm triển khai trồng chè, không còn cảnh đất trống đồi trọc mà thay vào đó là màu xanh của những nương chè bát ngát.
Cây chè phát triển tại các địa bàn như: Bản Bo, Bản Giang, Nà Tăm, Sơn Bình, Bình Lư, Thèn Sin và thị trấn Tam Đường… với các loại chè: shan tuyết, kim tuyên, PH8. Đến nay, tổng diện tích chè toàn huyện là 1.947 ha, trong đó chè kinh doanh 1.200 ha, sản lượng ước đạt 10.200 tấn/năm. Từ trồng chè, thu nhập của bà con được nâng lên, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, ngô; nhiều gia đình thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm.
Với định hướng đúng đắn, những giải pháp cụ thể, trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Tam Đường, cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Riêng năm 2019, tổng giá trị sản xuất chè của tỉnh thu về hơn 120 tỷ đồng, trong đó đã xuất khẩu gần 2 nghìn tấn chè khô với giá trị thu được hơn 4 triệu USD. Thành quả này là sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đó còn là bước tạo đà tận dụng mọi tiềm năng của tỉnh Lai Châu để tạo ra giá trị kinh tế cho bà con, không chỉ xóa nghèo mà còn mang sản phẩm của Tây Bắc vươn ra các châu lục.
Thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục tập trung xây dựng thương hiệu chè Lai Châu để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của ngành chè. Đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, xây dựng các kênh tiêu thụ và tổ chức quảng bá xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè.
Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế tập thể. Phát triển mô hình liên kết 5 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà băng) trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Tập trung xây dựng thương hiệu đối những sản phẩm nông sản có thế mạnh của địa phương…
Phát triển cây chè gắn với du lịch
Bên cạnh xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu chè, tỉnh Lai Châu cũng đưa việc phát triển cây chè gắn với phát triển du lịch. Qua đó, sẽ quảng bá rộng rãi hơn mặt hàng chè, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời phát triển các tour du lịch, sản phẩm du lịch mang đặc trưng của riêng Lai Châu.
Tiêu biểu như đồi chè Tân Uyên (Tân Uyên) với diện tích gần 2.000 ha và có tuổi đời hơn 50 năm. Đồi chè là trung tâm xuất khẩu hàng hóa đi khắp nơi của tình Lai Châu.
Nơi đây đã và đang trở thành một điểm đến tham quan du lịch hấp dẫn. Du khách sẽ được nhìn ngắm những đồi chè bạt ngàn xanh mướt với hơn 2.000 ha cây chè có tuổi đời từ 40 - 50 năm; tận hưởng cảnh vật thiên nhiên yên bình, không khí trong lành; hít thở hương thơm mát của chè và cùng trải nghiệm tham gia hái chè với người dân địa phương.
Đồi chè Tân Uyên đẹp nhất mỗi khi bình minh thức giấc. Trong cái khí lạnh của buổi sớm mai còn vương vấn đâu đây, một chút ánh nắng sẽ làm du khách thấy ấm lòng. Thưởng thức ấm chè ngon và lắng nghe tiếng thời gian trôi, ngắm nhìn ánh mặt trời ló rạng. Mặt trời dần vươn ra khỏi đồi chè đưa ánh sáng chói lọi qua từng chiếc lá, cành cây…
Những đồi chè xanh mướt căng tràn nhựa sống, mở ra một khung cảnh vô cùng kỳ vĩ, một không gian xanh thẳm kéo dài tới tận chân trời. Màu xanh ngút ngàn của đồi chè ẩn mình dưới những dãy núi trong thời khắc giao mùa đã thu hút đông đảo du khách gần xa đến với nơi đây.
Cây chè đã trở thành nguồn kinh tế chính của người dân địa phương. Trong không gian hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn, những đồi chè bạt ngàn xanh mướt giữa lấp lánh nắng vàng đã tạo nên sự hấp dẫn rất riêng và làm say lòng mỗi du khách khi đến đây.
Tân Uyên còn là thiên đường cho các bạn trẻ sống ảo, thích chụp ảnh hay thực hiện những bộ ảnh cưới để đời.
Du khách có thể đến đây tham quan vào khoảng tháng 9 đến tháng 10, thời điểm này đồi chè đẹp nhất và kết hợp đi tham quan nhiều điểm nổi tiếng của Tây Bắc. Ví dụ kết hợp đi Mù Cang Chải, đèo Ô Quy Hồ… Hoặc du khách đến Tân Uyên vào tháng 3 đến tháng 4 là lúc độ xuân mới, tham quan đồi chè xanh và đón xuân ở Tà Xùa hoặc Y Tý.
Còn tại huyện Tam Đường, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi màu xanh mướt, ngút ngàn và bất tận của những cây chè nhỏ bé, được trồng theo từng hàng, san sát nhau và bám theo triền đồi thoai thoải.
Để khai thác tốt thương hiệu chè phục vụ cho du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang cùng các địa phương kiểm soát chất lượng sản phẩm đảm bảo nhằm cung cấp cho thị trường; trong đó có thị trường du lịch.
Tỉnh vận động các doanh nghiệp kinh doanh chè đầu tư xây dựng các điểm tham quan chuỗi liên kết hoạt động trồng chè, nhà máy sản xuất, phòng trưng bày, thưởng thức và mua sản phẩm; mở rộng hệ thống bán, giới thiệu sản phẩm uy tín ở các khu du lịch.
Tỉnh Lai Châu xác định việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch là hướng đi đúng nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Từ đó quảng bá các sản phẩm từ nông nghiệp.
Tỉnh đã mạnh dạn đưa nhiều giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu tốt; nhiều kỹ thuật canh tác tiên tiến được áp dụng (biện pháp IPM, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt...) và cơ giới hóa vào các khâu của quá trình sản xuất.
Từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ cho người dân và hình thành các vùng sản xuất tập trung theo huớng hàng hóa, hình thành vùng chè.
Hiện tại ngành du lịch tỉnh đang giới thiệu khách tham quan khám phá vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ để kích thích thị trường du lịch; mời gọi đầu tư, tiến tới xây dựng các công trình du lịch nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ, hướng tới mục đích lâu dài.
Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc, bộ mặt nông thôn được thay đổi theo hướng xanh, sạch, đẹp... là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch. Nhiều xã đã được quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ phát triển loại hình du lịch cộng đồng như: Đầu tư nâng cấp đường giao thông nông thôn, đường liên bản, điện, nước sinh hoạt; làm nhà vệ sinh…
Đồng thời, tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lai Châu - Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Giang - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên) và khai thác hiệu quả tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc. Phối hợp với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên hình thành tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà.
Quỳnh Nga