Đó là chia sẻ của ông Tạ Văn Tường – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Hà Nội, khi đề cập đến các rào cản phát triển kinh tế nông nghiệp ở các tỉnh phía Bắc tại phiên thảo luận chiều 25/12 về công tác xây dựng tổ chức Hội, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng như các chỉ tiêu của Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam.

Chú trọng vào thị trường nội địa

Ông Tường cho rằng, trong cơ chế thị trường hội nhập, người nông dân yếu thế nhất, vẫn phải dựa vào thị trường truyền thống. Trong tương lai, nông dân sẽ ngày càng khó khăn khi các hình thức thương mại hiện đại phát triển và nếu không thay đổi cách thức sản xuất sẽ bị đẩy khỏi cuộc chơi. 

Theo ông, ở nước ta, có nhiều đặc sản vùng miền nhưng chưa được chú trọng khai thác. Thời gian gần đây, chúng ta nghiêng về hô hào phát triển sản xuất trên quy mô lớn, thế mạnh đặc sản vùng miền đôi lúc bị bỏ quên.

“Đặc sản vùng miền của mình đưa ra nước ngoài khách hàng rất thích. Thậm chí, nhiều sản phẩm đặc sản có thể đăng ký nhãn hiệu, làm thương hiệu quốc gia”, ông nói.

rau xanh.jpg
Đầu ra cho nông sản vẫn còn bấp bênh (Ảnh: Tâm An)

Bên cạnh đó, Việt Nam có nền ẩm thực phong phú, lành mạnh, cảnh quan đẹp, người Việt Nam hoà hiếu… Đó chính là những thế mạnh của chúng ta khi hội nhập quốc tế. Ông cho rằng, nông dân cần tham gia mạnh mẽ hơn trong việc phát huy giá trị lịch sử văn hoá, đặc trưng vùng miền. Hà Nội hiện đã đưa vấn đề này vào quy hoạch phát triển Thủ đô. Nếu thực hiện tốt thì vai trò dẫn dắt, kết nối của Hội Nông dân sẽ thể hiện rõ hơn.

Ông Đỗ Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, cho rằng cần thúc đẩy tiêu thụ nông sản nội địa. Hiện nay, việc cung - cầu tại nước ta diễn ra thiếu "nhịp nhàng", nhiều lúc cần nhưng không đáp ứng được, lúc nguồn cung dư thì cầu lại yếu. 

Theo ông, đây là vấn đề cần được quan tâm và cần ngành công thương là cầu nối sẽ mang lại hiệu quả. 

“Tôi thấy các nước khác kết hợp giữa bộ, ngành, đơn hàng luôn ổn định, họ chủ yếu khai thác thị trường nội địa. Nước ta có 100 triệu dân, thị trường nội địa rất lớn, đầu ra ổn định rất quan trọng với hội viên nông dân", ông Nam nói.

Trong khi đó, ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi (TP. HCM), kiến nghị Trung ương Hội xem xét phối hợp với các ban, ngành tạo cơ chế chính sách giữa “3 nhà” (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học) để làm sao sản phẩm của nông dân làm ra được tiêu thụ hết, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Chúng ta không thể cứ đua nhau làm sau đó lại “giải cứu”.

Ngoài ra, trong phương hướng nhiệm vụ, chúng ta cần có kế hoạch tổng thể, dự báo tình hình cho nông dân. Ví dụ, nền nông nghiệp đô thị trong 5 năm tới sẽ phát triển như thế nào khi mà quỹ đất ngày càng hạn hẹp, các chính sách cho nông nghiệp đô thị nhiều nhưng vẫn chồng chéo nhau, ông lưu ý thêm. 

W-nong-san.jpg
Ngoài xuất khẩu, các đại biểu cho rằng cần quan tâm tới thị trường nội địa với 100 triệu người tiêu dùng hơn nữa (Ảnh: Thạch Thảo)

"Vác cặp đi xin", quỹ lúc được nhiều, lúc được ít

Tại tổ thảo luận số 5, ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, đề cập tới chỉ tiêu về tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân bình quân từ 10%/năm trở lên, trong đó 2% là vận động từ nguồn ngoài ngân sách. Theo ông, đây là chỉ tiêu rất khó để thực hiện đối với một số tỉnh.

Ông Đoàn cho rằng, cần có quy định cụ thể vốn cấp tỉnh là bao nhiêu? Cấp huyện là bao nhiêu? Vì vậy, chỉ tiêu này không phù hợp, nên điều chỉnh tăng có định lượng rõ ràng.

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang, bày tỏ mong muốn có quy chế hoạt động, có định hướng về tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Các nội dung vận động Quỹ nên quy định thêm để gắn trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước.

Bà An lấy ví dụ, có thể đưa vào nghị quyết của hội đồng nhân dân, phải có định hướng rõ nét, tránh mỗi tỉnh làm một kiểu. Tỉnh nào "quyết mạnh" đưa vào nghị quyết thì hàng năm được cấp; còn nếu không "vác cặp đi để xin quanh năm", lúc được nhiều, lúc được ít, điều này không đảm bảo được tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương giao.

"Vốn điều lệ phải là Nhà nước cấp, có định lượng, định hướng theo quy định, theo tỷ lệ và sự thống nhất theo ngân sách của địa phương", bà An nhấn mạnh.

Ông Vũ Văn Thắng, đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên, nhìn nhận, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cần có sự tăng trưởng để tạo điều kiện nâng cao đời sống, sản xuất của nông dân. Bởi vậy, chúng ta phải đặt mục tiêu tăng trưởng Quỹ cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế, từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới khu vực khác.

Hàng triệu hộ nông dân có ‘trợ lý ảo’Như một ‘trợ lý ảo’, thông qua app Nông dân Việt Nam, hàng triệu hộ nông dân có thể nắm bắt các thông tin về ‘tam nông”, hỏi đáp về tư vấn pháp luật, chính sách vay vốn…