Điều khác biệt ở vườn sầu riêng Malaysia

Malaysia có giống sầu riêng nổi tiếng Musang King. Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch GC Food, tự đặt vé bay đến các vườn trồng sầu của nước bạn tìm hiểu. Ông nhận thấy, nông dân Malaysia bán sầu tại vườn có giá khoảng 500.000-600.000 đồng/kg (quy ra tiền Việt). Sau khi thêm các chi phí thương mại, giống sầu đó được xuất bán sang Singapore với giá 100 USD/kg (khoảng 2,35 triệu đồng/kg).

Điểm đáng chú ý, mỗi trái sầu riêng Malaysia chỉ nặng từ 1-2 kg. Nông dân nước bạn chỉ để mỗi cây ra chừng 20 trái, dù là cây trồng lâu năm. Như vậy, mỗi trái có giá bán tại vườn khoảng 1 triệu đồng, mỗi cây sầu riêng cho doanh thu 20 triệu đồng.

Trong khi đó, cũng theo ông Thứ, một cây sầu riêng tại Việt Nam có 40-50 trái, trái nặng từ 3-6kg. Trái rất bự, bắt mắt nhưng chất lượng không bằng Musang King. Lấy ví dụ, giá sầu riêng tại vườn Việt Nam là 70.000 đồng/kg, một trái 3kg bán được 200.000 đồng, cây cho doanh thu chỉ 10 triệu đồng.

Nếu so sánh, có thể thấy giá sầu riêng đang quá chênh lệch, khi sầu riêng Việt Nam chỉ bằng 1/7 giá sầu của Malaysia. Người nông dân trong nước đang quá chú trọng vào số lượng, chưa tập trung cho chất lượng. Mặt khác, người tiêu dùng khi mua trái sầu riêng bự, ăn lâu hết, không biết bao giờ họ mới mua trái thứ hai. Cũng người tiêu dùng đó, họ mua trái sầu nặng 1-2kg và ăn hết. Nếu ngon, họ sẽ sớm mua trái thứ hai. Đây là điểm kích thích tiêu dùng.

Trong cơn "sốt" hiện nay, nhiều vườn đã mở rộng diện tích trồng sầu riêng. (Ảnh: Tâm An)

Ở chiều ngược lại, ông Thứ cho rằng, tâm lý đám đông đang chi phối thị trường nông sản Việt. Người nông dân thấy mặt hàng nào được giá là đổ xô đi trồng. Sầu riêng đang là ví dụ điển hình.

Từ cuối năm 2022, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) - đã đưa ra cảnh báo, thấy lợi nhuận cao khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, người nông dân trồng sầu xen canh trong vườn tiêu. Dẫu vậy, trong nghị định thư ký với Trung Quốc, sầu riêng muốn xuất khẩu, được cấp mã số vùng trồng phải là cây sầu trồng thuần. Nếu trồng xen thì không đủ điều kiện xuất khẩu và không được phía bạn chấp nhận. 

Còn theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), người dân vùng ĐBSCL, Đông Nam bộ và Tây Nguyên đang mở rộng diện tích trồng sầu riêng ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sâu riêng...

Việc tăng diện tích ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa. Nghiêm trọng hơn, tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiệm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng Việt Nam.

Không giải cứu

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, hiện tượng chuyển đổi cây trồng, ồ ạt trồng sầu riêng ở một số địa phương sẽ dẫn tới thực trạng giá sầu riêng đi xuống trong vài năm tới, khi cung vượt cầu.

Diễn biến tiếp theo có thể xảy ra như đối với một số mặt hàng nông sản vừa qua, nông dân bán rẻ như cho, truyền thông hay gọi là “giải cứu”.

“Chúng tôi không thể chấp nhận từ giải cứu trong nền kinh tế thị trường”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Tùng, người nông dân cần chịu trách nhiệm với quyết định chuyển đổi cây trồng trên mảnh đất của chính họ. Nếu cứ tiếp tục “giải cứu”, bà con luôn nghĩ rằng, khi sản phẩm bán được thì có lợi nhuận, bán không được là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội.

Thử tưởng tượng, doanh nghiệp mua cam tại vườn giá 30.000 đồng/kg, sau xử lý, thêm chi phí thương mại, giá cam ngon bán tại siêu thị là 60.000 đồng/kg. Chỉ cần truyền thông nói giá cam “giải cứu” 5.000 đồng/kg, liệu người tiêu dùng nào chấp nhận mua cam trong siêu thị với giá 60.000 đồng/kg nữa? Trong khi, giá nông sản còn phụ thuộc chất lượng trái, loại 1-2-3 có giá khác nhau. Không thể đánh đồng chất lượng cam giá 5.000 đồng/kg với cam 60.000 đồng/kg, ông phân tích.

“Nếu chỉ vì 1-2 mảnh vườn không bán được mà thông tin 'giải cứu' tràn lan sẽ khiến chuỗi giá trị loại quả này đi xuống khủng khiếp. Thậm chí, việc hô hào 'giải cứu' với giá thấp có thể tác động tới đối tác quốc tế nhập khẩu trái cây Việt Nam. Họ không thể chấp nhận khi so sánh mức giá 'giải cứu' rẻ bèo với giá họ nhập về", Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, cho hay, “giải cứu” là khái niệm đáng buồn. Tấm lòng xã hội không thể giải quyết gốc rễ câu chuyện. Vấn đề căn cơ ở đây phải là lập kế hoạch sản xuất, liên kết chuỗi bền vững trong từng ngành hàng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thứ nhìn nhận, không nên “giải cứu” nông sản. Bởi, nếu nông dân chấp nhận bán rẻ thì sau này rất khó bán giá cao; giải cứu hôm nay nhưng sẽ mất thị trường và giá trị vào ngày mai. Kinh doanh là phải chấp nhận đau, mỗi chủ thể khi tham gia kinh tế thị trường phải học bài học này. Nông dân trải qua mất mát, họ sẽ không đầu tư tràn lan theo phong trào.

Người nông dân cần tư duy, trong 5 năm làm nông nghiệp, nếu trúng mùa 3 năm là thành công, không thể đòi hỏi tất cả các năm vừa trúng mùa, vừa trúng giá.

“Khi giá cam tại vườn là 30.000 đồng/kg, đưa về thành phố bán giá 50.000 đồng/kg, người nông dân đã kiếm được cả tỷ đồng/ha mùa vụ đó. Họ cần học cách để lại khoản dự phòng cho các mùa vụ sau”, Chủ tịch GC Food nói.