Trong một dịp làm khách mời của chương trình “Đồng hành cùng chiến binh K” tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Huỳnh Thị Tuyết Hương (47 tuổi, ngụ tại Gia Lai) đã truyền năng lượng tích cực không chỉ tới người bệnh đang điều trị mà còn cả với những người khỏe mạnh.
Tinh thần của một “chiến binh”
Trước thời điểm phát hiện bệnh, chị Huỳnh Thị Tuyết Hương có “gia tài” là những thứ mà một người bình thường luôn ao ước: Công việc ổn định, gia đình hạnh phúc, đam mê thể thao, khỏe khoắn và luôn tràn đầy năng lượng. Nhưng rồi trong đợt khám bệnh định kỳ vào tháng 12/2023, chị đã sốc khi nhận được thông báo của bác sĩ rằng mình bị ung thư vú.
“Lúc đó, tôi hỗn loạn tinh thần, lo lắng và khóc rất nhiều. Có lẽ cũng như tất cả các bệnh nhân ung thư, tôi lo về tài chính, rồi lo cuộc sống sẽ bị xáo trộn, và cả tác dụng phụ trong quá trình điều trị khiến mình yếu đi, xấu hơn”, chị nói.
Qua tư vấn của bác sĩ, chị Hương hiểu rằng “bệnh ung thư không loại trừ một ai”. Vì vậy, qua giai đoạn khủng hoảng, chị bình tĩnh lại, học cách chấp nhận và dùng năng lượng tích cực đối diện với căn bệnh này.
Những ngày đầu tiên ở bệnh viện, điều chị làm mỗi sớm mai là mở cửa sổ, hít thở thật sâu, lắng nghe tiếng hót líu lo của những chú chim sẻ ngoài hành lang. Trong thời nằm viện, chị thường rủ bạn cùng phòng đắp mặt nạ, gội đầu cho nhau… giúp chị có thêm những người đồng hành khắng khít.
Và hành trang quan trọng mà chị luôn mang theo mỗi lần nhập viện là đôi giày thể thao. Chị chạy bộ bắt đầu từ tầng 7 (Trung tâm Ung bướu), xuống khuôn viên bệnh viện. Nhờ chị truyền nghị lực, dần dần có bệnh nhân khác chạy cùng chị.
Sau Tết Nguyên đán 2024, chị truyền đợt thuốc hóa trị đầu tiên. Cơ thể mệt mỏi, thường xuyên buồn nôn, mất vị giác. Chị cảm giác có thể sập xuống bất cứ lúc nào, nhưng rồi với ý chí mãnh liệt, chị bật dậy làm việc nhà, chăm sóc người thân đang bận rộn. Chị vẫn đi làm, và bắt đầu tham gia các giải chạy.
“3 ngày sau khi hóa trị, tôi có thể chạy 5km, 1 tuần sau tiếp tục tham gia giải chạy 21km. Đến nay, tôi đã hóa trị 6 lần, trong thời gian ấy, tôi tham gia 11 giải chạy tại các tỉnh, thành. Thể thao đã mang lại cho tôi sức mạnh kỳ diệu”, chị chia sẻ.
Nhờ sự tự chủ, làm quen với bệnh tật và kết nối đến động đồng, việc chiến đấu với bệnh K trở thành một trải nghiệm mới trong hành trình đặc biệt của chị.
Vẻ đẹp từ nội lực bên trong
Xấu xí là điều mà chị Hương lo lắng khi mới phát hiện bệnh. Nhưng nhờ tinh thần lạc quan, nhìn mọi việc bằng con mắt tích cực, chị đã vượt qua nỗi sợ ấy.
Thời điểm trước khi hóa trị, thay vì sẽ phải nhìn tóc rụng dần do tác dụng phụ của thuốc, chị Hương chủ động cạo trọc đầu. Những người bạn thân thiết biết chuyện đã gửi tặng tóc giả, nhưng chị chỉ dùng thời gian ngắn vì thấy bất tiện.
Chị cười tươi: “Tôi thường để đầu trọc đi chơi, đi uống cà phê, đi chạy… cũng có khi đeo thêm chiếc băng đô nho nhỏ xinh xinh. Tôi nghĩ rằng vẻ đẹp của sự tràn đầy năng lượng sẽ thu hút những người muốn gần gũi, đồng hành cùng mình”.
Thay vì che giấu nỗi đau, điểm không hoàn mỹ do bệnh tật, chị Hương lại vui vẻ “khoe chiến tích”. Mỗi lần mặc áo tắm hay đồ thể thao, chị chủ động để lộ vết sẹo do vạt da cơ lưng để tái tạo ngực. Người phụ nữ mạnh mẽ muốn truyền tải thông điệp “sự sống vẫn đang tiếp diễn” trong chính cơ thể mình.
“Mỗi ngày tôi nhìn mái đầu trọc, nhìn tóc mọc từng phân một, vết sẹo đang mờ dần… Tôi biết sự sống của mình vẫn đang tiếp diễn, cơ thể đang chữa lành từng ngày”, chị tâm sự.
Trong chương trình “Đồng hành cùng chiến binh K”, chị Hương cũng đã gửi lời nhắn nhủ tới các bệnh nhân ung thư hãy luôn lạc quan, bởi xung quanh còn rất nhiều trái tim yêu thương và đồng hành. Đồng thời, hãy tập thể dục thể thao. Một môn nào đó, một động tác nào đó phù hợp với thể trạng và sức khỏe, để thấy sự kỳ diệu.