Theo chuyên trang giáo dục EdWeek, một nửa số giáo viên Mỹ đang có công việc thứ hai và 5% giáo viên đang dạy thêm bên ngoài dưới các hình thức dạy kèm hay dạy trực tuyến. Giáo viên còn làm thêm các nghề như nhân viên pha chế hay lái xe công nghệ. Một số giáo viên thậm chí làm việc tới 60 giờ/ tuần,

Trong bối cảnh vật lộn với những thách thức tài chính, một số giáo viên đã chọn rời khỏi lớp học để bắt tay vào hành trình khởi nghiệp. Anna DiGilio, cựu giáo viên lớp hai, là minh chứng cho việc giáo viên hoàn toàn có thể vượt xa vai trò giảng dạy truyền thống. 

Chất xám hoàn toàn có thể ‘bán’

Sự nghiệp giảng dạy của cô Anna bắt đầu tại trường công lập Yonkers ở thành phố New York, Mỹ. Cô được phân công giảng dạy lớp hai tại Học khu Briarcliff Manor trong suốt 18 năm, theo Tạp chí Forbes

Trong khi cống hiến hết mình cho học sinh, cô Anna phải đối mặt với thách thức tài chính để hỗ trợ gia đình, khiến cô phải đảm nhận công việc thứ hai bên cạnh nghề giáo.

hinh 1 21.png
Cô Anna nhận ra rằng tài nguyên giáo dục hoàn toàn có thể được chuyển đổi để gia tăng thu nhập. 

Vào năm 2012, Anna tình cờ biết đến Teachers Pay Teachers, một nền tảng trực tuyến nơi các nhà giáo dục có thể tạo và bán tài nguyên giảng dạy kỹ thuật số. Khám phá này đã đánh thức Anna về tiềm năng sử dụng các kỹ năng sáng tạo của mình bên ngoài lớp học. 

Việc nhận ra rằng cô có thể chuyển đổi giáo án và tài nguyên của mình thành các sản phẩm kỹ thuật số dành cho khán giả toàn cầu đã khơi dậy hành trình khởi nghiệp của cô.

Cô Anna “lao” vào kinh doanh. Cô đã tạo tài nguyên giảng dạy kỹ thuật số đầu tiên của mình, một tệp PDF, tải nó lên Teachers Pay Teachers và nhanh chóng bán được sau 3 ngày. 

Tinh thần kinh doanh ngày càng tăng, cô Anna đã dành 40-60 giờ/ tuần để tạo và bán các tài nguyên kỹ thuật số. Các dòng sản phẩm giáo dục có thương hiệu như Flip Flap Books, Tab-Its, Spin-Its và Teach-Its đã giúp cô thiết lập sự hiện diện của mình trong cộng đồng giảng dạy trực tuyến. Trong vòng hai tháng, Anna kiếm được hơn 1.000 USD (khoảng 24,5 triệu đồng).

Vào cuối năm đầu tiên tham gia Teacher Pay Teachers, Anna đã kiếm được thêm số tiền tương đương một nửa lương giảng dạy hàng năm của mình. Năm sau, thu nhập của cô tăng gấp đôi và đến năm 2015, thu nhập này đã vượt xa mức lương giảng dạy. 

Với công việc kinh doanh phát đạt và thu nhập đáng kể, Anna phải đối mặt với một quyết định quan trọng – tiếp tục giảng dạy hay chuyển sang kinh doanh toàn thời gian. Vượt qua nỗi sợ hãi và dè dặt ban đầu, cô nghỉ việc giảng dạy.

“Lúc đó, tôi đã kiếm được thu nhập đáng kể hơn so với khi làm nghề dạy học, tôi cảm thấy đã đến lúc phải dang rộng đôi cánh của mình hơn một chút và cố gắng tạo ra tác động đáng kể hơn đến thế giới giáo dục bằng cách phát triển hoạt động kinh doanh của mình.

Tôi quyết định nghỉ dạy và xây dựng công ty giáo dục của mình để có tác động rộng rãi hơn đến nền giáo dục nói chung”. cô Anna chia sẻ.

Bài học cho giáo viên khởi nghiệp

Nhận thấy mình thiếu kiến thức chuyên môn về kinh doanh, cô Anna đọc rất nhiều sách về tiếp thị, nghe podcast và đầu tư hơn 40.000 USD (khoảng 981 triệu đồng) vào các khóa học kinh doanh trực tuyến. Với tâm huyết là một nhà giáo dục, cô luôn tập trung vào việc học hỏi không ngừng, áp dụng các nguyên tắc kinh doanh vào doanh nghiệp đang phát triển của mình.

Tinh thần khởi nghiệp của Anna không dừng lại ở Teachers Pay Teachers. Năm 2017, cô ra mắt Simply Skilled Teaching, một trang web thành viên cung cấp tài nguyên cho giáo viên lớp 2 và lớp 3, giúp cô thu lợi nhuận đáng kể.

hinh 2 15.png
Theo cô Anna, giáo viên hoàn toàn có thể khởi nghiệp dựa trên chuyên môn của mình.  

Mặc dù thành công nhưng cô Anna cũng phải đối mặt với nhiều thử thách. Việc thích nghi với thế giới kinh doanh gặp nhiều trở ngại, nhưng sự cam kết học hỏi và không ngừng theo đuổi sự phát triển đã giúp cô vượt qua. 

Năm 2018, cô Anna ra mắt chương trình Math that Works nhằm phát triển chuyên môn trực tuyến dành cho giáo viên và khu học chánh. 

“Tôi đã bán chương trình này cho hơn 500 giáo viên và hơn 30 khu học chánh chỉ trong hai tháng kể từ khi triển khai chương trình”. 

Với những nhà giáo dục mong muốn khởi nghiệp, cô Anna đưa ra lời khuyên: hãy lập kế hoạch, tận dụng kiến thức chuyên môn và xây dựng doanh nghiệp dần dần. 

“Hãy suy nghĩ về loại hình kinh doanh bạn có thể xây dựng với kiến thức chuyên môn mà bạn có. Hãy lên kế hoạch, lập một kế hoạch kinh doanh và viết ra các bước bạn sẽ thực hiện để biến công việc kinh doanh của mình thành hiện thực.

Tôi cũng khuyên bạn nên xây dựng một doanh nghiệp trong khi vẫn duy trì công việc ban ngày và hối hả vào ban đêm. Tôi đã không rời bỏ công việc giảng dạy của mình cho đến khi tôi kiếm được gấp 3 lần mức lương giảng dạy”.

Việc xây dựng doanh nghiệp có thể tiêu tốn rất nhiều thời gian, sức lực, nhiều đêm mất ngủ. “Các thầy cô luôn phải tự nhắc mình: ‘Tôi có thể làm được điều này!’ Hãy tin vào bản thân, tin vào linh cảm và đừng bao giờ cho phép bất cứ ai nói với bạn rằng bạn không thể làm được điều gì đó”, cựu giáo viên nhắn nhủ.

Tử Huy