Chia sẻ với VietNamNet, Lâm Hà cho hay, em rất vui và xúc động khi nhận được học bổng đã bao gồm toàn bộ học phí và phần lớn chi phí sinh hoạt tại ngôi trường đại học khai phóng có thế mạnh về ngành luật, báo chí và kinh doanh này. Với điều kiện tài chính gia đình không dư giả, Hà cho hay đây như là một “phép màu” để em hiện thực hóa mơ ước du học Mỹ.

W-lam-ha-1-1.jpg
Nguyễn Lâm Hà (học sinh lớp 12 chuyên Văn, trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) trúng tuyển Washington and Lee University (Mỹ) với học bổng 8,1 tỷ.

Yêu thích ngành truyền thông, Lâm Hà quyết tâm ứng tuyển vào các trường đại học top đầu tại Mỹ, trong đó, có Washington and Lee University, mặc dù trong những năm gần đây trường không nhận nhiều học sinh quốc tế. 

“Em chọn trường đại học khai phóng vì cảm thấy môi trường ở đây phù hợp hơn với một cô gái chuyên Văn có tâm hồn bay bổng và sở thích theo đuổi ngành truyền thông - một lĩnh vực khá rộng và đòi hỏi nhiều kỹ năng như giải quyết vấn đề, xử lý tình huống, giao tiếp...

Với ngôi trường có tỷ lệ trúng tuyển không cao, lúc nộp hồ sơ, em cũng khá lo lắng, đặc biệt khi mức đóng góp tài chính của gia đình khá hạn chế. Chính vì vậy, hôm nhận kết quả, em đã rất vui sướng và xúc động. Không quá khi nói rằng, việc trúng tuyển cũng như số tiền học bổng trường cấp như một ‘phép màu’ mở ra cơ hội cho em đến Mỹ, vào đúng lúc em đang rất băn khoăn liệu có nên đi du học hay tập trung nộp hồ sơ vào các trường đại học trong nước”, Lâm Hà chia sẻ.

Để chinh phục Washington and Lee University, bên cạnh điểm số nổi bật (điểm trung bình học tập 3 năm THPT đều từ 9.6 trở lên, IELTS 8.5, SAT 1.510 điểm), Lâm Hà còn nỗ lực hết mình để thể hiện bản thân thông qua một bộ hồ sơ đầy ắp tình yêu thương với thế giới xung quanh. 

Lâm Hà đã chủ động triển khai nhiều hoạt động định hướng học tập cho các học sinh THCS và các dự án ý nghĩa nhằm giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cũng như thường xuyên tham gia thiện nguyện tại các tỉnh miền núi. Những chuyến đi thiện nguyện này đã để lại cho Hà rất nhiều cảm xúc và trở thành nguồn cảm hứng để em thực hiện một bộ ảnh tâm đắc về con người vùng cao.

Ở phần hoạt động ngoại khóa, Hà đã gửi tới ban tuyển sinh sản phẩm “kể chuyện qua ảnh” này của mình. “Em nghĩ, với việc mình đăng ký theo học ngành truyền thông, một sản phẩm có thể truyền tải thông điệp qua ảnh thay vì việc viết quá nhiều, sẽ gây ấn tượng với ban tuyển sinh”, Hà cho biết. 

Trong bài luận chính, Hà đã lựa chọn hình ảnh những viên kẹo ngọt để chia sẻ về khát khao đem những điều ngọt ngào và tình yêu đến với mọi người xung quanh.

“Hồi học cấp 2, vì hay bị hạ đường huyết, em luôn chuẩn bị những viên kẹo nhỏ bên người để phòng khi mệt mỏi có thể tiếp sức. Cũng từ đó, em có thói quen tặng kẹo cho mọi người, không chỉ bạn bè và người thân mà cả những người em hay gặp trong cuộc sống.

Cứ thế, những viên kẹo đến với bạn bè, người thân hay có thể là bác bảo vệ, cô lao công, các em bé vùng cao… Dần dần, em thấy những viên kẹo không chỉ giúp em đỡ mệt mỏi mà đôi khi còn giúp mọi người vui vẻ, gần gũi, xích lại gần mình hơn.

Hồi đó, em chỉ coi đó như một sở thích của mình, không nghĩ sau này nó lại là chất liệu trong bài luận của mình”, Hà cho hay. 

W-z5336906914632-40b42291be75155cc7dd4fa6c49ba1dd-1.jpg

Dù là một học sinh chuyên Văn nhưng Lâm Hà thừa nhận, thời gian đầu, em vẫn gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình viết luận. Bởi trong đầu em có quá nhiều ý tưởng khác nhau. “Lúc đầu, em có đến 9-10 ý tưởng cho bài luận. Có những lúc, em phải bỏ đi viết lại gần như toàn bộ bài luận vì không ưng ý. Bởi trong mớ hỗn độn đó, em chưa thấy hướng nào có thể định hình rõ ràng nhất về mình”, Hà kể.

Nữ sinh trăn trở để làm sao có bài luận có thể thể hiện tốt nhất về con người mình kéo dài trong ba tháng. “Có những ý tưởng nói về những việc lớn lao, to tát nhưng thất bại, vì đơn giản em thấy miễn cưỡng hoặc viết xong thấy không tự nhiên. Cuối cùng, em đã chọn đi từ những việc nhỏ nhất, những thói quen thân thuộc nhất thường ngày của mình và xâu chuỗi với những hoạt động ngoại khóa.

Sau đó, em nhận ra tất cả những việc mình làm, những hoạt động mình tham gia có điểm chung là mong muốn mang đến tình yêu và sự quan tâm đến mọi người xung quanh. Em đã chọn chất liệu này vào bài luận, vừa giản dị, gần gũi với mình nhưng cũng chuyển tải những thông điệp ý nghĩa, nhân văn".

Cũng theo Hà, những dự án, câu lạc bộ em thực hiện với tư cách là trưởng ban tổ chức hay diễn giả và người truyền cảm hứng hoặc những hoạt động thiện nguyện như dạy học cho các em nhỏ vùng cao, tham gia hoạt động sơn sửa nhà, tổ chức hội chợ cho các em… là cách mà mình trao đi những “viên kẹo ngọt” tới mọi người.

Khi tặng kẹo, em hay để ý người đó thích vị gì, còn khi tham gia làm dự án và hoạt động thiện nguyện, em cần xác định người thụ hưởng đang cần được giúp đỡ gì và như thế nào. Như vậy, chỉ khác hình thức còn bản chất vẫn là mang sự quan tâm và tình yêu đến cho người khác.

"Em cũng nhận ra rằng, khi mình nỗ lực cho đi, em nhận lại được vô vàn “vị ngọt” từ sự trải nghiệm quý giá sau mỗi chuyến đi, những bức ảnh sống động, những cái nắm tay ấm áp của các em nhỏ hay ánh mắt tin tưởng của các bạn học sinh đã từng nghe em chia sẻ”, Hà xúc động nói. 

Nữ sinh cho hay, bản thân không quá giỏi nấu nướng nhưng có khiếu làm đồ ăn ngọt. “Vào các dịp lễ, em hay làm bánh kẹo để tặng người thân. Có lẽ cũng một phần vì thích ngọt nên em mới nghĩ đến và cho ra đời được bài luận về viên kẹo ngọt như vậy”, Hà cười.

W-lam-ha-2-1.jpg

Những nỗ lực của Lâm Hà cuối cùng cũng đã được đền đáp xứng đáng khi không chỉ trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước mà còn nhận được học bổng “khủng” trị giá 8,1 tỷ đồng. Ngoài Washington and Lee University, Lâm Hà cũng trúng tuyển một số trường đại học khác của Mỹ với mức học bổng từ 5-6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hà đỗ và giành được học bổng của 4 trường đại học tại Úc. 

Nói về dự định trong tương lai gần, Hà cho biết khoảng đầu tháng 8, em sẽ lên đường sang Mỹ để làm thủ tục nhập học.

Thời gian này, em muốn tập trung cho việc phát triển bản thân, đặc biệt làm quen và củng cố một số kỹ năng để có thể bổ trợ cho ngành học truyền thông như viết code, thiết kế đồ họa, dựng phim... qua đó giúp em có thể bắt nhịp việc học một cách chủ động hơn ở môi trường đại học. Bên cạnh đó, nữ sinh cũng sẽ trang bị thêm cho mình các kỹ năng để sẵn sàng cho cuộc sống tự lập sắp tới.