Cú sốc trượt lớp 10 công lập

Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, năm 2021, như các bạn bè đồng trang lứa, Thanh Tuyền bước vào kỳ thi vào lớp 10 của tỉnh. Tuy nhiên, với kết quả thiếu 0,5 điểm, em đã trượt nguyện vọng vào trường điểm của huyện. 

Cấp THCS thuộc diện học tốt, thậm chí luôn top 1 của lớp, nghe tin Tuyền trượt trường công, những thầy cô của em cũng bất ngờ. Còn với Tuyền, đó như một cú sốc đầu đời.

“Lúc đó, em đã buồn và khóc rất nhiều. Người cậu (em trai của mẹ) đã gọi điện động viên em thay vì khóc phải mạnh mẽ mà bước tiếp. Cộng thêm ước mơ được du học, em quyết định ra Hà Nội theo đề xuất của cậu và học tại một trường tư để làm lại”, Tuyền kể về quyết định của mình.

Tuyền không biết rằng quyết định này lại là một bước ngoặt trong hành trình chinh phục tri thức của mình.

W-thanh-tuyen-1-1.jpg
Nguyễn Thị Thanh Tuyền (lớp 12I Trường THPT Marie Curie, Hà Nội) nhận được thư mời nhập học từ 9 trường đại học ở Mỹ.

Chuyển từ Nghệ An ra Hà Nội ở nhà cậu, từ đó, Tuyền học cách sống tự lập. Chọn trường Marie Curie, thời gian đầu, Tuyền không khỏi lo lắng các bạn học giỏi hơn.

Nhưng nhờ các thầy cô tâm huyết, cùng với nhiều hoạt động ngoại khoá đã giúp Tuyền dần tự tin để vượt qua khó khăn, làm quen môi trường mới và phát triển bản thân.

Cũng vì cú sảy chân khi thi lớp 10, Tuyền luôn dặn mình càng phải quyết tâm, tập trung vào việc học. “Sau một lần thất bại, em rút ra nhiều bài học và tự ý thức hơn”, Tuyền kể.

Với sự quyết tâm và một kế hoạch rõ ràng, cô bạn vừa không ngừng cố gắng giữ vững kết quả học tập cao vừa miệt mài học tiếng Anh để thi lấy chứng chỉ quốc tế và chuẩn bị hồ sơ du học.

Trong 3 năm THPT ở Trường Marie Curie, Thanh Tuyền luôn đứng tốp đầu của lớp về thành tích học tập. Điểm trung bình các môn của nữ sinh đều trên 9.0. Lần lượt lớp 10 và 11, em đạt điểm trung bình học tập là 9.3 và 9.4. Cả 3 năm THPT, Tuyền đều là học sinh nổi bật và giành được học bổng của trường Marie Curie. Ngoài ra, em còn là lớp trưởng được thầy cô, bạn bè quý mến.

Trúng tuyển 9 đại học Mỹ, học bổng cao nhất lên đến 6 tỷ đồng

Trong 3 đợt nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học của Mỹ mới đây, Tuyền đỗ 9/12 trường nộp hồ sơ. Trong số này, cao nhất trường Đại học Dickinson - một trường đại học khai phóng ở Mỹ - với học bổng 56.590 USD/năm. Ngoài ra, trường hỗ trợ 2.500 USD để Tuyền làm thêm ở đây và khoản vay 4.000 USD/năm để trang trải sinh hoạt phí mà không tính lãi.

Bên cạnh đó, Tuyền còn giành được học bổng của một số trường như: DePauw University, St.Lawrence University, Gustavus Adolphus College, Allegheny College, Knox College, College of Wooster, Juniata University, Ohio Wesleyan University… Mức học bổng mà mỗi trường này trao cho Tuyền từ khoảng 3 - 5 tỷ đồng/4 năm.

Tuyền cho rằng có lẽ bài luận của mình được ban tuyển sinh của nhiều trường ĐH ở Mỹ đánh giá cao bởi có sự xâu chuỗi, liên kết với những dự án thực tế mà em làm và trải nghiệm của chính bản thân mình. 

Theo Tuyền, bài luận dài 750 từ, tuy không có gì “đao to búa lớn” nhưng đó là hành trình của một cô nữ sinh vượt lên chính mình, thực hiện ước mơ.

“Em đã kể về việc chứng kiến việc nhiều bạn nhỏ ở quê bỏ học đi làm. Ở nhiều vùng quê tại Việt Nam, việc học không được coi trọng, các gia đình thường định hướng cho con đi làm từ rất sớm. Bản thân em cũng từng trải nghiệm phần nào về cơ hội bị thu hẹp khi từng trượt vào trường THPT công lập. Em đã nỗ lực, cố gắng tuyên truyền cho mọi người hiểu rằng việc học quan trọng ra sao”, Tuyền kể. 

Từ những trải nghiệm thực tế, nữ sinh nhận thấy, nhiều trẻ vị thành niên bị “ép” lao động quá sớm. Với mong muốn truyền bá những lợi ích của giáo dục thông qua các phương tiện truyền thông, thuyết phục phụ huynh cho con tham gia những lớp học miễn phí, dự án cộng đồng Child Labor Defender (Bảo vệ lao động trẻ em) được Tuyền sáng lập.

“Trong bài luận, em chia sẻ mong muốn việc du học không chỉ phát triển cho tương lai của mình, mà còn tạo động lực cho các bạn trẻ đến trường, dám ước mơ dù có khó khăn, thách thức. Có lẽ những điều đó đã chạm tới cảm xúc của hội đồng tuyển sinh của các trường đại học”, Tuyền nói.

Trong thư thông báo trúng tuyển, trường Đại học Dickinson cũng trích lại một đoạn trong chính bài luận của Tuyền gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh: “Những ký ức về những cánh đồng ngập nắng trên quê hương tôi, những ánh mắt kiên cường của những đứa trẻ và sự ủng hộ của gia đình đã trở thành ánh sáng dẫn đường cho tôi. Với mỗi bước tiến về phía trước, tôi mang theo những ước mơ về một tương lai tương sáng hơn, không chỉ cho bản thân tôi mà còn cho mọi đứa trẻ dám ước mơ bất chấp khó khăn, thử thách”.

Nói về việc học, Tuyền cho hay, em không có bí quyết đặc biệt. Nhưng điều quan trọng là tập trung nghe giảng ở trên lớp và về nhà tự luyện lại các dạng bài tập. Những kiến thức không hiểu hoặc chưa rõ, em tìm kiếm thêm tài liệu trên mạng hoặc hỏi thầy cô và bạn bè. “Em luôn cố gắng tìm đến sự giúp đỡ của những người xung quanh, hơn là cứ tự xoay một mình trong khi kết quả không đạt như mong muốn”.

Tuyền cho hay, khoảng thời gian khó khăn nhất với mình khi chuẩn bị hồ sơ du học là cuối năm lớp 10 bởi đó là vừa là lúc bắt đầu vừa là thời điểm tiếng Anh của em chưa tốt. 

Nhưng sau 2 năm nỗ lực, Tuyền đã đạt được điểm số 115 điểm Chứng chỉ Duolingo - số điểm tuy không quá cao nhưng là đủ để nhiều trường đại học ở Mỹ chấp nhận.

W-thanh-tuyen-3-1.jpg
Tuyền cùng một số bạn trong Câu lạc bộ “Child Labor Defender” do em sáng lập hướng dẫn các em nhỏ Lào Cai một số nghề thủ công.

Không chỉ vậy, để lọt vào “mắt xanh” hội đồng tuyển sinh của các trường, Tuyền đã tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng như: Dạy học cho trẻ em, trồng cây, tặng quà cho bà con, nhặt rác bảo vệ môi trường biển…

Kỳ nghỉ hè 2023, Tuyền cùng một số bạn trong Câu lạc bộ “Child Labor Defender” tổ chức sự kiện "Hộp điều ước" tại trường THCS Trung Chải (Sapa, Lào Cai) để góp phần tuyên truyền giảm thiểu vấn nạn lạm dụng lao động trẻ em. Tại chương trình, ngoài tuyên truyền, Tuyền cùng các bạn còn tặng quần áo, đồ dùng học tập và hướng dẫn các em nhỏ một số nghề thủ công, khoa học công nghệ…

Không chỉ học giỏi, Thanh Tuyền còn đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bóng rổ “Big 3 ball” một câu lạc bộ được lập nên từ các học sinh đến từ nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội. 

Đầu năm lớp 12, Tuyền cùng câu lạc bộ của mình đã tổ chức thành công giải đấu Lion Cup thu hút 10 đội tham gia đến từ các trường THPT trên địa bàn Hà Nội. Với số tiền giải tập hợp được, các đội đã ủng hộ cho nhiều hoạt động thiện nguyện.   

Bên cạnh đó, cô bạn cũng có năng khiếu về hát, múa, piano. Tại trường Marie Curie, ngoài vai trò lớp trưởng của lớp 12I, Tuyền còn là “cây văn nghệ” tích cực tham gia vào các hoạt động văn nghệ, âm nhạc của trường.

W-thanh-tuyen-4-1.jpg
Cô bạn còn là Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bóng rổ “Big 3 ball” - một câu lạc bộ được lập nên từ các học sinh đến từ nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội. 

Thanh Tuyền cho hay, thời gian này, em đang cân nhắc kỹ lưỡng về việc sẽ lựa chọn trường đại học nào để theo học, dù ngành học luôn kiên định là Marketing.

Nói về dự định trong tương lai gần, Thanh Tuyền cho biết khoảng đầu tháng 8, em sẽ lên đường sang Mỹ để làm thủ tục nhập học.

Thời gian này, em muốn tập trung cho việc phát triển bản thân, đặc biệt củng cố khả năng Tiếng Anh. Nữ sinh đã đăng ký đầu tháng 4 tới sẽ thi thêm chứng chỉ Ielts để có thêm trải nghiệm và đặt ra cho mình mục tiêu cụ thể.

Bước sang môi trường mới, Tuyền cho hay hành trang lớn nhất của mình là sự tự lập khi quen với việc học xa nhà từ lớp 10. “Mọi chặng đường mới đều sẽ có những khó khăn, nhưng em nghĩ cứ cố gắng hết mình sẽ có thể vượt qua”, Tuyền nói.