Tính tới đầu giờ sáng 9/9 (giờ Việt Nam), đồng bảng Anh đã xuống dưới ngưỡng 1 bảng Anh đổi 1,16 USD. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1985, thấp hơn nhiều mức 1 bảng Anh đổi hơn 2 USD hồi cuối 2007, hay mức 1 bảng đổi hơn 2,6 USD năm 1971.

Với bảng Anh, cú sụt giảm trong vài phiên gần đây là hiếm có. 

Hiện tại, Tân thủ tướng Liz Truss (người hôm 6/9 được cố nữ hoàng Anh Elizabeth II bổ nhiệm) phải giải quyết cuộc khủng hoảng về kinh tế - chính trị lớn.

Trên thị trường tài chính, lợi tức trái phiếu Anh tăng vọt khi mà Tân thủ tướng Liz Truss công bố các kế hoạch trợ cấp chi phí năng lượng trị giá 100 tỷ bảng Anh (khoảng 115 tỷ USD) nhằm hạ nhiệt lạm phát, nhưng cũng đồng nghĩa với việc làm tăng nợ công.

Thị trường phản ánh nỗi lo sợ cuộc khủng hoảng sụp đổ niềm tin vào các tài sản của Anh, trong đó có trái phiếu khi mà khả năng cung cấp tiền cho kế hoạch trợ cấp chi phí năng lượng là rất thấp. Bà Liz cũng cam kết cắt giảm thuế.

Đồng bảng Anh tụt giảm.

Ngay trong ngày đầu tiên ở vị trí Thủ tướng Anh (6/9), bà Liz Truss khẳng định sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình khi mà cuộc suy thoái được dự báo sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.

Tính từ đầu tháng 6 tới nay, đồng bảng Anh đã mất giá gần 10%. Vị thế của đồng tiền hàng đầu thế giới suy giảm nghiêm trọng.

Theo dự báo của Goldman Sachs, kinh tế Anh sẽ giảm 0,6% trong năm 2023.

Với triển vọng kinh tế u ám và lạm phát có thể kéo dài, đồng bảng Anh được dự báo sẽ còn xuống thấp hơn nữa. Đồng tiền của nước Anh được dự báo sẽ sớm xuống mốc 1,1 USD, tương đương mức giảm thêm khoảng 4% so với hiện nay.

Nước Anh thêm phần khó khăn khi biểu tượng của quốc gia này, nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời hôm 8/9 (hưởng thọ 96 tuổi). Anh sẽ tổ chức quốc tang trong 10 ngày để tưởng nhớ Nữ hoàng.

Nền kinh tế Anh gần đây gặp nhiều trục trặc và bị Ấn Độ vượt qua. Anh đã tụt xuống vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới do phải vật lộn với tình trạng giá năng lượng và thực phẩm leo thang.

Kinh tế Anh đã suy giảm trong quý II/2022 và nền kinh tế nước này được dự báo có nguy cơ rơi vào suy thoái. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo suy thoái có thể kéo dài 1 năm, từ cuối năm nay khi mà người dân Anh tiếp tục phải hứng chịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cao nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Thị trường tài chính tiền tệ biến động khó lường trong vài tuần gần đây. 

Đồng euro lần đầu tiên trong 20 năm giảm xuống còn 0,99 USD. Liên minh châu Âu (EU) rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Gần đây, Nga  Nga tuyên bố ngừng cung khí đốt cho châu Âu vô thời hạn.

Thị trường tiền tệ thế giới khó lường

Đồng yen Nhật cũng sụt giảm lịch sử, xuống mức thấp nhất trong vài chục năm so với USD trong bối cảnh nước Nhật vẫn chưa có động thái rõ ràng nào trước con sóng tăng giá kỷ lục của đồng USD.

Đêm 6/9 (giờ Việt Nam), đồng yen Nhật lần đồng tiên trong khoảng 24 năm qua vượt qua ngưỡng 143 yen đổi 1 USD, từ mức 140 USD ngay trong phiên trước đó. Như vậy, trong vòng chỉ 1 phiên, giá trị đồng yen Nhật giảm khoảng gần 2% so với USD. Đây là một mức giảm giá hiếm có đối với một đồng tiền và trên thị trường tiền tệ thế giới. Và nó khiến nhiều tay buôn trên thị trường cháy tài khoản hoặc thắng lớn.

Tính từ đầu năm tới nay, đồng yen Nhật đã giảm 24,8%, từ mức 1 USD đổi 115,3 yen xuống mức mức 1 USD đổi 143,9 như hiện tại. Mức mất giá của yen Nhật đã vượt qua mức giảm lịch sử năm 1979 (khi đó yen mất giá 19,1%). 

Bảng Anh giảm nhanh trong năm 2022.

Các đồng tiền chủ chốt trong đó có bảng Anh, euro, yen Nhật giảm mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh và vẫn nằm trong xu hướng đi lên. Đồng USD tiếp tục vững chắc ở vùng đỉnh 20 năm sau khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hôm 8/9 tuyên bố mạnh mẽ Fed sẽ không bị phân tâm bởi chính trị và Fed hành động mạnh mẽ để giảm lạm phát.

Theo đó, Fed sẽ hành động quyết liệt cho đến khi mục tiêu kiểm soát lạm phát hoàn thành mà không bị phân tâm bởi những lời chỉ trích chính trị.

Hiện tại, điều mà Fed cũng như ngân hàng trung ương nhiều nước lo lắng chính là lạm phát kỳ vọng còn cao nên lạm phát sắp tới có thể vẫn cao. Lịch sử cho thấy, lạm phát kỳ vọng tương lai của người dân đóng vai trò quan trọng đối với lạm phát trong tương lai. 

Lạm phát kỳ vọng tại nước Anh là gần 20% vào đầu 2023 (so với mức hơn 10% như hiện tại). Đây là một áp lực rất lớn đối với các nhiều điều hành. Còn tại Mỹ, lạm phát dù đã giảm từ mức đỉnh 9,1% hồi tháng 6 xuống 8,5% trong tháng 7 nhưng được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ trở lại trong tháng 8.

Theo đại diện MSCI Research, ECB hiện nhận thấy rủi ro lạm phát dai dẳng còn nghiêm trọng hơn cả suy thoái kinh tế. Cả thế giới đang chạy đua tăng lãi suất để chống lạm phát và 75 điểm cơ bản trở thành một mức tăng “chuẩn mực” cho nhiều quốc gia tham khảo.

M. Hà