Biệt tài
Trong căn phòng rộng chưa đầy 12m2, anh Vương Giai Huân (SN 1985, quận 11, TP.HCM) cầm cọ tỉ mẩn tô, vẽ trên một chi tiết bé xíu bằng giấy bồi. Anh cho biết, đó là một bên tai của chiếc đầu lân mini cao chưa đầy 20cm.
Sợ khách chưa kịp hình dung về các sản phẩm thủ công độc đáo của mình, Huân mở tủ, lấy ra những chiếc đầu lân mini. Dù chỉ lớn hơn bàn tay của người trưởng thành một chút nhưng các đầu lân này đều có hình dáng, màu sắc đẹp mắt, sống động.
Đặc biệt, tất cả các sản phẩm này đều được Huân chế tác thủ công bằng đam mê và năng khiếu hội họa bẩm sinh. Công việc đem lại thu nhập tốt, giúp Giai Huân nuôi sống bản thân, gia đình.
Cách đây không lâu, khi đại dịch tạm lắng, anh Huân buộc phải nghỉ việc để ở nhà trông con nhỏ. Trong lúc chán nản vì thất nghiệp, anh lên mạng xem nghệ nhân Trung Quốc làm đầu lân, bán đầu lân mini.
Vốn đam mê và từng cùng bố tham gia múa lân nghệ thuật từ nhỏ, khi thấy nghệ nhân làm đầu lân mini, Huân rất thích. Anh quyết định nghiên cứu, tự làm một chiếc đầu lân mini để chơi, giết thời gian.
Sau hơn một tháng mày mò uốn kẽm tạo khung, bồi giấy, tô, vẽ trang trí… anh hoàn thiện chiếc đầu lân mini đầu tiên. Sau đó, anh đăng tải hình ảnh sản phẩm này lên mạng xã hội với mục đích chia sẻ niềm vui với bạn bè.
Thật bất ngờ, chiếc đầu lân mini thủ công của Huân được nhiều người yêu thích, hỏi mua. Đặc biệt, nhiều khách nước ngoài còn nhắn tin, đặt mua sản phẩm này của anh.
Huân kể: “Ở Việt Nam, ít người biết, sưu tầm, chơi đầu lân mini. Thế nhưng, thú chơi này rất thịnh hành ở nước ngoài. Đặc biệt là ở Trung Quốc. Tại đây, đầu lân mini được rao bán với giá rất cao.
Tính theo tiền Việt, mỗi đầu lân mini có khung bằng kẽm, trang trí đẹp, sống động có giá từ 20-40 triệu đồng. Khi được nhiều người yêu thích, đặt mua, tôi quyết định làm sản phẩm này để tạo thu nhập”.
Ban đầu, Huân làm khung đầu lân mini bằng kẽm. Phải mất cả tuần, anh mới có thể uốn, tạo hình kẽm thành đầu lân. Sau khi tỉ mỉ cột cố định các mối nối, Huân bồi giấy lên khung rồi đem phơi nắng.
Khung khô, anh tiếp tục dùng cọ để tô, vẽ các họa tiết cần có của một chiếc đầu lân. Đặc biệt, khi tạo hình khung, Huân không cần sử dụng thước, chia tỉ lệ...
Thay vào đó, anh chỉ nhìn hình ảnh đầu lân rồi làm theo. Khi trang trí sản phẩm, Huân cũng không vẽ phác thảo trước các họa tiết bằng bút chì. Ngược lại, anh dùng cọ vẽ, tô màu trực tiếp lên sản phẩm.
Dù chưa từng học qua một lớp mỹ thuật nào, nhưng các nét vẽ, cách phối màu của Huân đều sắc sảo, sống động. Sau khi hoàn thiện, đầu lân mini thủ công của Huân hệt như được thu nhỏ từ phiên bản chính và có tính thẩm mỹ cao.
"Cháy hàng"
Dù kích thước nhỏ, nhưng các sản phẩm đầu lân của Huân đều phải trải qua đầy đủ các công đoạn tỉ mỉ và mất nhiều thời gian. Từ lúc bắt đầu làm khung kẽm, bồi giấy 3 lớp rồi phơi khô để tạo hình đã mất 1 tháng.
Để hạ giá thành, ngày công, Huân chú trọng tạo hình đầu lân bằng giấy bồi thay cho khung kẽm. Tuy nhiên, việc này cũng có những yêu cầu khắt khe như: Bồi giấy phải được phơi khô tự nhiên bằng nắng trời, lớp này khô mới được bồi thêm lớp khác.
Với 3 lớp giấy bồi, mỗi đầu lân mini của Huân phải trải qua 3 lần phơi nắng. Vì thế vào mùa mưa, anh buộc phải dừng công việc này. Thay vào đó, anh dành thời gian để trang trí, tô vẽ các khung thô đã làm trước đó.
Anh chia sẻ: “Làm đầu lân mini khó hơn rất nhiều so với làm đầu lân lớn. Vì khung quá nhỏ, người làm phải thật khéo tay mới có thể cột, gia cố các mối nối. Việc trang trí, tô vẽ lên đầu lân sau khi đã bồi giấy cũng khó hơn và công phu hơn. Bởi, diện tích vẽ nhỏ đòi hỏi các nét vẽ phải chính xác, tinh xảo.
Ngoài ra, các vật dụng dùng để trang trí, tạo hình cho đầu lân mini như: Mắt, râu, hòn châu, lục lạc… không có bán trên thị trường. Do vậy, tôi thường phải tự mày mò sáng tạo, chế lại từ những vật dụng xung quanh”.
Do phải cầu kỳ trong việc thực hiện, mỗi tháng anh Huân làm được từ 10-15 sản phẩm. Các sản phẩm đầu lân mini của Huân hiện có giá từ 300.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng tùy vào độ tỉ mỉ, kích thước.
Để phục vụ thị hiếu của người chơi trong và ngoài nước, Huân liên tục cập nhật các loại đầu lân, linh vật mới. Vì thế, các sản phẩm của anh luôn trong tình trạng cháy hàng, liên tục được khách nước ngoài chốt đơn.
Anh tâm sự: “Hiện nay, nước ta có nhiều đoàn lân sư rồng. Tuy nhiên, họ chỉ làm đầu lân lớn. Do đó, tôi có một lượng khách hàng nhất định. Họ là những người thích sưu tầm đầu lân, sư, rồng, hổ, phượng hoàng mini.
Đặc biệt, các loại đầu lân, sư tử mini được khách nước ngoài rất ưa chuộng. Dù đôi khi tiền đóng gói, vận chuyển ra nước ngoài còn đắt hơn giá thành sản phẩm nhưng họ vẫn liên tục đặt hàng.
Vì chỉ có một mình và là hàng thủ công, phải làm tỉ mỉ nên tôi không dám nhận nhiều. Thông thường khách muốn mua, tôi phải yêu cầu họ đặt trước nhiều ngày”.