Chào đón 10 lãnh đạo ASEAN tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, Tổng thống Mỹ Obama cho hay ông mong đợi Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần này sẽ đưa ra được những kết quả cụ thể - tạo động lực mới cho chính sách tái cân bằng được xem như di sản đối ngoại lớn nhất trong hai nhiệm kỳ của ông.
Bài 1: Obama không chấp nhận "cậy mạnh hiếp yếu" ở Biển Đông
Bài 2: ASEAN trong vòng xoáy quyền lực Mỹ - Trung
Bài 3: "Động thái của TQ chưa đủ tạo xung đột"
Nhà báo Thu Hà tường trình từ Sunnylands, nơi Tổng thống Mỹ và 10 nhà lãnh đạo ASEAN đang nhóm họp cho hội nghị thượng đỉnh lịch sử, được tổ chức lần đầu tiên trên đất Mỹ.
Tổng thống Mỹ công du ASEAN nhiều lần nhất trong lịch sử
Trong bài phát biểu chào mừng các nhà lãnh đạo về tham dự hội nghị, ông Obama nhiều lần tự hào nhắc đến những mối dây gắn bó cá nhân của ông với Đông Nam Á.
Khi còn là một cậu bé, ông đã có vài năm thơ ấu sống cùng với mẹ và người cha dượng ở Indonesia. Khi trở thành Tổng thống, ông đã có dịp đến thăm hầu hết các nước ASEAN. “Tôi đã bảy lần công du ASEAN trong suốt hai nhiệm kỳ của mình – nhiều hơn bất kỳ một tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm nào” – ông Obama tự hào nói.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Mỹ Obama tại Hội nghị. Ảnh: AP |
Và danh sách này sẽ còn dài thêm trong năm nay khi Tổng thống Mỹ sẽ có chuyến thăm đến Việt Nam và các quốc gia khác trong vùng, dự kiến vào tháng 5 tới.
Nhưng di sản mà Obama để lại trong quan hệ với Đông Nam Á còn lớn hơn cả những chuyến công du. Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và ASEAN đã tăng 55 phần tram kể từ khi ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ năm 2009. Đông Nam Á giờ đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ trong khi các công ty Mỹ vươn lên vị trí dẫn đầu về đầu tư vào khu vực này, với 226 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2009.
Cuối năm ngoái, Mỹ và ASEAN đã quyết định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Và hôm nay, ông Obama lại ghi dấu ấn vào lịch sử, với tư cách Tổng thống Mỹ đầu tiên tiếp đón cùng lúc 10 nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN trên đất Mỹ.
“Hội nghị lần này là lời khẳng định cho cam kết của cá nhân tôi, cũng như cam kết của nước Mỹ đối với mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và bền vững với từng nước Đông Nam Á cũng như với ASEAN, với tư cách một khu vực, một cộng đồng” – ông Obama nhấn mạnh.
Quan hệ với các nước ASEAN và toàn tổ chức ASEAN đã trở thành một trong những trọng tâm của chính sách tái cân bằng về châu Á – chiến lược được Obama khởi xướng ngay từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống.
Với Tái cân bằng, về kinh tế, Washington thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn tất Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký tháng trước, với sự tham gia của 4 nước ASEAN là Singapore, Việt Nam, Malaysia, Brunei.
Về an ninh - chính trị, Mỹ chuyển dần tàu chiến, quân bị với tỷ lệ 60%-40% sang Thái Bình Dương cùng lúc củng cố các liên minh truyền thống, đẩy mạnh xây dựng các đồng minh, đối tác mới - điển hình rõ nhất là tăng cường hợp tác chính trị - kinh tế - quân sự với Việt Nam.
Cuộc cạnh tranh thế kỷ Mỹ - Trung
Không nghi ngờ gì nữa, chính sách tái cân bằng rất có thể sẽ trở thành di sản lớn nhất của Obama. Nhưng sự trở lại của Mỹ ở châu Á không suôn sẻ trước sự cạnh tranh quyết liệt của Trung Quốc trong khi Mỹ còn bị “chia năm xẻ bảy” mối quan tâm ở châu Âu và Trung Đông.
Trong suốt hai thập kỷ trước khi ông Obama nhậm chức, Bắc Kinh đã lặng lẽ trỗi dậy cả về kinh tế - quân sự. Khi đã xác lập vị thế cường quốc mới nổi, Trung Quốc không còn giấu giếm tham vọng bành trướng, quyết mở rộng vùng ảnh hưởng – đặc biệt ở hai vùng biển Hoa Đông (trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật) và ở Biển Đông (lấn chiếm, xây dựng đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đưa giàn khoan vào khai thác trái phép, cấm đánh bắt cá,...). Những hành động này trực tiếp thách thức trật tự hiện hành mà Mỹ đang cầm chịch.
Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á lại một lần nữa trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc nguyên trạng và mới nổi này.
Ở Sunnylands, ông Obama muốn khẳng định hơn nữa cam kết của Mỹ đối với khu vực trước những mối lo về sự trỗi dậy và bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo ồ ạt ở Biển Đông và các hoạt động quân sự hoá trên đó.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng không che giấu mối quan ngại đặc biệt đối với những gì đang diễn ra tại Sunnylands. Báo chí quốc tế mấy ngày nay râm ran câu chuyện Bắc Kinh đang gây áp lực lên một số thành viên ASEAN để không ký vào tuyên bố chung của hội nghị nếu đề cập đến Biển Đông.
Chiêu bài này đã từng được áp dụng thành công ở một vài kỳ Hội nghị cấp cao ASEAN. Tuy nhiên, tại Sunnylands, có vẻ như Mỹ sẽ không để điều đó xảy ra khi cả Obama và cố vấn an ninh quốc gia của ông – bà Susan Rice đều đã khẳng định, Biển Đông là một trong những trọng tâm bàn thảo của Thượng đỉnh lần này.
Thu Hà (Từ Sunnylands, USA)