Xu hướng tìm thuê căn hộ vùng ven sau đại dịch

Báo cáo thị trường BĐS quý I/2022 của một đơn vị môi giới nhà đất cho thấy, phòng trọ là "điểm sáng" nhất trong tất cả các loại hình ĐBS 3 tháng đầu năm 2022. Nhìn vào các chỉ số ở những năm trước, số lượt quan tâm, tìm thuê phòng trọ tăng rất mạnh sau Tết.

Mặc dù vậy, lượng tin đăng cho thuê phòng trọ lại không xuất hiện xu hướng tương tự, điều này dẫn đến nhiều khả năng trong quý II/2022, cán cân cung - cầu của phòng trọ sẽ lệch nhiều về nhu cầu tìm thuê bởi nguồn cung chưa đáp ứng kịp thời. 

Cùng với đó, năm 2022, xu hướng tìm thuê các căn hộ chung cư đã dịch chuyển từ khu vực quận trung tâm sang các vùng ven. Lý giải xu hướng trên từ tâm lý tìm kiếm một căn chung cư vừa đáp ứng được nhu cầu ở lẫn làm việc tăng cao trong bối cảnh làm việc tại nhà trở nên phổ biến.

Quận vùng ven có lợi thế về giá cả cũng như mật độ dân cư chưa quá dày đặc trở thành lựa chọn được ưu tiên của phần lớn người đi thuê. 

Thống kê, phần lớn các căn hộ được người đi thuê ưa chuộng nằm ở khu vực TP.Thủ Đức với tỷ trọng chiếm khoảng 70%. Giá thuê của các căn hộ chung cư này dao động ở mức 5 - 7 triệu đồng/tháng cho căn 1 phòng ngủ; từ 8 - 10 triệu đồng/tháng cho căn hộ 2 phòng ngủ; khoảng 14-16 triệu đồng/tháng cho căn từ 3 phòng ngủ trở lên.

Trong khi đó, 1 kênh thông tin rao bán, cho thuê nhà đất lớn nhất hiện nay cho biết, căn hộ cho thuê ghi nhận lượng tìm kiếm hồi phục hoàn toàn, thậm chí tăng 57% so với trước dịch. Tuy nhiên, thị trường BĐS cho thuê dù đã hồi phục mạnh trong quý I nhưng mức độ quan tâm vẫn chưa trở về mốc trước dịch. Cụ thể, lượng tìm kiếm nhà riêng cho thuê hồi phục khoảng 94%; nhà mặt phố cho thuê hồi phục khoảng 84% so với quý I/2019. 

Giá thuê trung bình/tháng của một số dự án ở vùng ven TP.HCM (nguồn: Chợ Tốt Nhà)

Trung bình một người 19 lần tìm nhà tại TP.HCM

Báo cáo thị trường quý I/2022 do Batdongsan thực hiện còn chỉ ra, đất nền vẫn được tìm kiếm nhiều hơn cả thời điểm trước dịch Covid-19. Đây cũng là loại hình BĐS "nóng" nhất trong hơn 2 năm dịch bệnh, có độ phục hồi nhanh nhất.

Theo đó, lượt tìm kiếm đất nền trong quý I/2022 tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Thực tế, những đợt sốt đất cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương vào đầu năm 2020 và 2021, rải rác ở các thời điểm khác trong năm. Cùng với việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, những địa phương có thay đổi về quy hoạch, hạ tầng đều ghi nhận mức độ quan tâm tìm kiếm đất tăng mạnh. Đất nền miền Trung ghi nhận mức độ quan tâm tăng 14% với những địa bàn "nóng" là Đắk Lăk, Khánh Hòa, Bình Thuận.... Đáng chú ý, nhiều địa phương miền Bắc sụt giảm về mức độ tìm kiếm nhưng giá rao bán đất nền tăng khá mạnh.

Đối với phân khúc đất nền tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh, bộ phận Nghiên cứu và phát triển của DKRA Việt Nam thông tin, trong quý I/2022, toàn thị trường ghi nhận khoảng 11 dự án mở bán (7 dự án mới và 4 giai đoạn mở bán tiếp theo). Cung cấp ra thị trường khoảng 1.832 nền, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tiêu thụ chung toàn thị trường đạt khoảng 68% với khoảng 1.240 nền được thị trường đón nhận, tăng nhẹ 6% so với lượng tiêu thụ của quý trước và cùng kỳ năm 2021.

Chợ Tốt Nhà nhận định, TP.HCM - vốn là "thỏi nam châm" của các làn sóng BĐS. Hiện, địa phương đang đón nhận lưu lượng quan tâm lớn nhất nước với trung bình một người mua tìm nhà tại đây khoảng 19 lần. Hà Nội xếp thứ 2 với trung bình một người mua tìm 15-16 lần để chọn một căn nhà vừa ý. 

Các tỉnh, thành có lượng tìm kiếm cao trong phân khúc mua bán nhà liền thổ có thể kể đến Bình Dương (trung bình 12 lần tìm kiếm/người mua); Đà Nẵng (trung bình 10-11 lần/người), Đồng Nai (9-10 lần/người), Long An (7-8 lần/người).

Ngoài ra, phân khúc giá có tỷ trọng tìm kiếm tăng trưởng cao nhất ở các TP là từ 3–5 tỷ (tại TP.HCM, Đồng Nai); 1–3 tỷ (Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Long An); Đắk Lắk (500 triệu – 1 tỷ)…

Trần Chung 

Siết cho vay bất động sản, người nghèo lo khó mua nhàCác ngân hàng mạnh tay "siết" cho vay bất động sản khiến nhiều người có nhu cầu ở thực lo ngại vì không thể tiếp cận vốn để để mua nhà.