Người lớn tuổi trên thế giới thường được tận hưởng cuộc sống hưu trí khi có thể theo đuổi sở thích riêng, đi du lịch khắp nơi và thỉnh thoảng ghé thăm con cháu. Tuy nhiên, người về hưu ở Trung Quốc thường bị mắc kẹt ở nhà: họ phải chăm sóc cháu nhỏ trong khi con cái đi làm, theo SCMP.

Chen Shuxiang và chồng Guan Hongsheng (ở tỉnh Phúc Kiến) đều ngoài 60 tuổi. Họ không nuôi dạy cháu trai 10 tuổi thay con cái dù sống trong cùng thành phố Phúc Châu.

Việc hai người từ chối gánh vác nghĩa vụ này là điều không phổ biến ở Trung Quốc. Họ có thể là những người tiên phong cho sự thay đổi xã hội sắp xảy ra.

Chen và Guan thích dành thời gian chỉnh sửa video, chụp ảnh, đi du lịch khắp Trung Quốc cũng như thế giới.

Cặp vợ chồng vẫn nấu ăn và thỉnh thoảng đón cháu đi học nhưng họ không phải là người chăm sóc chính.

Nguoi gia Trung Quoc tu choi nuoi chau anh 1

Nhiều ông bà là người chăm sóc chính cho cháu của họ nhưng xu hướng này có thể đang thay đổi. Ảnh: SCMP.

Dần thay đổi

Ông bà thường đảm nhận việc chăm sóc chính đối với cháu và làm miễn phí. Bởi lẽ con cái họ đi làm xa để kiếm tiền hoặc tăng ca nhằm hỗ trợ tài chính cho gia đình.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều người cao niên như Chen và Guan lựa chọn chỉ thỉnh thoảng giúp đỡ hoặc yêu cầu con cái trả tiền cho việc chăm cháu.

Đầu tháng này, một tòa án ở thành phố Tế Nam (tỉnh Sơn Đông) ra phán quyết một cặp vợ chồng nợ người bố 20.000 nhân dân tệ (3.000 USD) vì ông đã chăm sóc một trong 2 đứa con của họ trong nhiều năm, Shandong Business Daily đưa tin.

Theo đó, người chồng để đứa con lớn sống với ông nội và hứa trả cho ông 300 nhân dân tệ/tháng (45 USD) nhưng không thực hiện lời hứa.

Các vụ việc pháp lý tương tự xuất hiện khắp Trung Quốc trong những năm gần đây. Nguyên nhân là ngày càng nhiều người cao tuổi chống lại nghĩa vụ xã hội tồn tại lâu đời rằng họ phải nuôi dạy cháu.

Nguoi gia Trung Quoc tu choi nuoi chau anh 2

Ngày càng nhiều người già mệt mỏi, kiệt sức với việc phải quanh quẩn chăm cháu cho con cái đi làm. Ảnh: SCMP.

Linda Sun, giáo viên mẫu giáo ở Thượng Hải, cho biết ít nhất 80% học sinh của cô được ông bà đưa đón hàng ngày từ khi bắt đầu nhận lớp vào năm 2017. Trong những năm qua, Sun thấy sự xuất hiện của các bậc cha mẹ nhiều hơn dù không đáng kể.

“Khi thu nhập của gia đình được cải thiện, nhiều phụ huynh nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc dành thời gian cho con cái”, cô nói.

Mặc dù có nhiều khả năng các bậc ông bà sẽ có cuộc sống hưu trí thoải mái hơn, con số này vẫn tương đối thấp.

Một cuộc thăm dò vào tháng 4/2021 do chính quyền thành phố Thường Châu (tỉnh Giang Tô) thực hiện cho thấy 20% bậc cha mẹ “nuôi dạy con cái một cách độc lập”. Hơn 1/3 gia đình coi ông bà là “người giúp việc”, trong khi 47% cho biết họ là người chăm sóc chính.

Cuộc thăm dò cũng tiết lộ rằng các bậc phụ huynh không nhất thiết hài lòng với sự sắp xếp này. Hơn một nửa đối tượng khảo sát cho rằng ông bà có xu hướng cưng chiều cháu, khiến chúng “có hành vi hư hỏng” hoặc “có thói quen sống kém”.

Cuộc sống riêng

GS Yuan Xin, đến từ Viện Dân số và Phát triển của ĐH Nankai ở Thiên Tân, cho biết việc thiếu các cơ sở chăm sóc trẻ em đồng nghĩa rằng ông bà vẫn đóng vai trò thiết yếu trong việc nuôi dạy trẻ ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, truyền thống đang dần thay đổi để phù hợp với tư duy xã hội, khi các gia đình trở nên ổn định hơn về tài chính.

“Những người nghỉ hưu hiện nay sinh sau năm 1960. Vì vậy, họ đủ trẻ để hưởng các lợi ích kinh tế của quá trình mở cửa và cải cách vào cuối những năm 1970. Nhóm này có tư tưởng cấp tiến so với các thế hệ trước. Họ cũng không phải kiểu người có cuộc sống xoay quanh gia đình”, Yuan nói.

Ông cho biết thêm: “Đối với thế hệ trẻ, họ cũng muốn cha mẹ có cuộc sống riêng”.

Nguoi gia Trung Quoc tu choi nuoi chau anh 3

Số lượng “trẻ em bị bỏ lại” ở Trung Quốc đang giảm dần. Ảnh: AFP.

Một đặc điểm chính của việc nuôi dạy trẻ em ở Trung Quốc là hiện tượng “trẻ bị bỏ lại” ở các làng quê - nơi toàn bộ dân số là trẻ em hoặc già cả vì người trong độ tuổi lao động đã chuyển đến các thành phố lớn để tìm việc làm.

Con số này vẫn ở mức cao (khoảng 6,4 triệu) dù đã giảm 28,6% kể từ năm 2016.

Trong khi Chen Shuxiang có thể tận hưởng thời gian nghỉ hưu cùng chồng, bà may mắn tự trang trải được cuộc sống về già.

“Chúng tôi đủ ổn định về tài chính để đi du lịch khắp nơi và làm những điều mình thích. Con trai và con dâu thỉnh thoảng cho chúng tôi tiền mặt”, bà nói.

“Các con tôi hoàn toàn ủng hộ bố mẹ theo đuổi cuộc sống riêng. Tôi hy vọng mình không được coi là ‘người may mắn’ bởi giới trẻ sẽ ngày càng mong muốn bố mẹ chúng được nghỉ ngơi thật sự trong tương lai”, người phụ nữ chia sẻ thêm.

Theo Zing