UBND huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo UBND thị trấn Lạc Dương và các phòng, ban chuyên môn cung cấp hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia – Suối Vàng. 

Trước đó, đầu tháng 12/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với Công ty CP Tập đoàn TH liên quan đến ý tưởng và đề xuất chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia – Suối Vàng, dự án Tổ hợp nhà máy tuyển bô – xít, chế biến Alumin, điện phân Nhôm Lâm Đồng 3 kết hợp các dự án mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn TH – Lâm Đồng. 

Căn cứ đề nghị của Công ty CP Tập đoàn TH, UBND huyện Lạc Dương yêu cầu Trung tâm phát triển quỹ đất chủ trì, phối hợp cùng các phòng, ban chuyên môn rà soát, tổng hợp, cung cấp tài liệu phục vụ cho việc lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia – Suối Vàng. Báo cáo UBND huyện trước ngày 22/2/2024. 

W-khu-du-lich-quoc-gia-2.jpg
 Hồ Tuyền Lâm và Đankia - Suối Vàng là hai khu du lịch quốc gia tại Lâm Đồng. (Ảnh: Anh Phương)

Dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia – Suối Vàng có quy mô 3.998,18ha, toạ lạc giữa Thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương và P.7, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đây là một trong những dự án trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh Lâm Đồng.

Theo quy hoạch, dự án gồm 7 phân khu chức năng chính và 2 phân khu nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch và các khu chức năng phụ trợ khác nằm ngoài phạm vi các phân khu. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 30.300 tỷ đồng. 

Một số phân khu chính như: Phân khu Trung tâm Du lịch tổng hợp (75,63ha); phân khu nghỉ dưỡng (236,94ha); phân khu sân golf (153,92ha); phân khu Du lịch văn hoá Langbiang (49,58ha)…

Thời hạn hoạt động dự án là 70 năm và hiện trạng quỹ đất chưa đền bù giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức đấu thầu. 

Tháng 9/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đồng ý về mặt chủ trương cho UBND huyện Lạc Dương thuê tư vấn lập hồ sơ thu hút đầu tư vào dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia – Suối Vàng. 

Sau đó, UBND huyện Lạc Dương đã đề xuất cấp kinh phí 13,5 tỷ đồng để thuê tư vấn thực hiện một số công việc phục vụ công tác lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án. 

Trong đó, chi phí lập báo cáo tiền khả thi dự án là 7,8 tỷ đồng; chi phí kiểm kê rừng hơn 2,1 tỷ đồng; chi phí đánh giá tác động môi trường 2,2 tỷ đồng; chi phí kiểm kê rừng để chuyển mục đích sử dụng 850 triệu đồng… tất cả chi phí này sẽ được nhà đầu tư trúng thầu hoàn trả lại.