Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà; phải chạy theo để sửa đổi, đào tạo, ngốn kinh phí. Giới doanh nghiệp đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin nhanh, chi tiết về những thay đổi trong chính sách, quy định của pháp luật để từ đó doanh nghiệp kịp chủ động thực hiện.

Ngoài ra, công khai, minh bạch thông tin, thủ tục, thời gian giải quyết, trả kết quả cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Áp dụng công nghệ thông tin nhiều hơn, giảm bớt thủ tục giấy.

Đồng thời, nhà chức trách cần tăng cường nguồn lực, tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. TP.HCM nên đề ra giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch, thúc đẩy kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp... 

Trên đây là một số kiến nghị đáng chú ý của cộng đồng doanh nghiệp được Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ thông tin tại “Hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp TP.HCM năm 2022”, sáng 31/8.

Bí thư Thành ủy TP.HCM tại buổi đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp sáng 31/8 (ảnh: SGGP)

Sau khi nghe ý kiến trên cũng như giải đáp từ đại diện các Sở, ban, ngành của thành phố, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại hiện nay trong giới doanh nghiệp TP.HCM không phải bây giờ mới nghe, nhưng tại sao đến bây giờ vẫn còn nghe. Mỗi người đều phải tiếp tục suy nghĩ để có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong giải quyết công việc thời gian tới.

Theo ông Nên, những ngày gần đây, Thủ tướng cùng nhiều cơ quan cấp Trung ương đã tổ chức gặp gỡ, lắng nghe doanh nghiệp và có chỉ đạo kịp thời. Doanh nghiệp cảm kích khi kiến nghị được Thủ tướng nghe và có phản hồi.

Thành phố đang ở giai đoạn cuối của việc tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM trong giai đoạn 10 năm qua, cần rút ra bài học kinh nghiệm, những mặt làm được, chưa được và có đề xuất, kiến nghị lên cấp trên. Đồng thời, thành phố chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội về giao cho TP.HCM thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách. 5 năm qua, Nghị quyết 54 có một số mặt làm được, nhiều mặt làm còn dang dở. Do đó, cũng cần đề xuất, kiến nghị những cơ chế, chính sách để tăng tốc, phát triển thành phố trong thời gian tới.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định mỗi cán bộ công chức, nhất là người đứng đầu cam kết và thực hiện vai trò của mình, làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao. 

Một số cán bộ sợ, không dám dấn thân

“Hiện nay, một số cán bộ, công chức đang ngại, sợ, không dám dấn thân, không dám đột phá và chưa mạnh dạn cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn nhanh nhất có thể. Thành phố đã có sự chuẩn bị, đảm bảo để cán bộ thực hiện nhiệm vụ không ngại, có cấp chịu trách nhiệm, có cơ chế để bảo vệ. Quan trọng là phải vì lợi ích chung, không có động cơ cá nhân, có sai phạm cũng sẽ được xem xét, có rủi ro cũng sẽ được cân nhắc”, ông Nên cho biết.

Đồng thời, TP.HCM đã thành lập ban chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn đọng từ trước đến giờ có liên quan tới doanh nghiệp và người dân. Đây là bộ phận gần như chuyên trách, bởi thành phố còn rất nhiều vấn đề tồn đọng. Nếu để chậm, không giải quyết kịp sẽ làm ảnh hưởng tới thời gian, hiệu quả sản xuất kinh doanh, mục tiêu, chiến lược hoạt động của từng doanh nghiệp.

Cùng với đó, thành phố cũng thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Trung ương. 

Cộng đồng doanh nghiệp cũng cần ủng hộ chủ trương này nhằm cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh trên toàn địa bàn TP.HCM. Doanh nghiệp hãy làm đúng và làm tốt chức năng của mình, không có hành động gì để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức ứng xử không lành mạnh, theo Bí thư Thành ủy TP.HCM.