Trên mạng xã hội Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông đã chỉ thị cho Ngoại trưởng Mike Pompeo "không cho Hoda Muthana trở về nước". Trước đó, người đứng đầu Bộ Ngoại giao ở Washington đã lên tiếng khẳng định người phụ nữ 24 tuổi đó không phải là một công dân Mỹ và sẽ không được chấp nhận.
Một bức ảnh của Hoda Muthana được cô đăng lên Twitter. |
Tuy nhiên, gia đình của Muthana và luật sư khẳng định cô này có tư cách công dân Mỹ.
Muthana lớn lên ở bang Alabama nhưng lên đường sang Syria để gia nhập IS khi 20 tuổi. Cô gái này đã nói dối gia đình là đi dự một sự kiện của trường đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Vụ việc của Muthana có nhiều tương đồng với Shamima Begum, sinh ở Anh nhưng rời London đi gia nhập IS năm 2015. Thiếu nữ này - đã bị tước quốc tịch Anh – giờ đây lên tiếng ngỏ ý muốn trở về nước.
Tổng thống Trump mới đây thúc giục Anh và các nước châu Âu khác hãy nhận về và đưa ra xét xử các chiến binh IS bị bắt trong trận chiến cuối cùng chống lại tổ chức khủng bố này. Ông cảnh báo nếu họ không làm vậy thì các lực lượng người Kurd do Mỹ dẫn đầu sẽ buộc phải trả tự do cho các đối tượng.
Luật sư gia đình của Muthana là Hassan Shibly lập luận rằng sẽ là "vô lý" khi ông Trump kêu gọi các nước châu Âu nhận về công dân của mình nhưng "lại tìm cách chơi trò khi đó là công dân Mỹ".
"Chính quyền Trump tiếp tục các nỗ lực tước bỏ một cách sai trái tư cách công dân của người dân", ông Shibly nói với ABC News. "Hoda Muthana có hộ chiếu Mỹ hợp lệ và là một công dân. Cô ấy sinh ra ở Hackensack, New Jersey, tháng 10/1994, vài tháng sau khi cha cô thôi làm một nhà ngoại giao".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố Muthana "không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào, không có hộ chiếu Mỹ, không có quyền có hộ chiếu, cũng không có thị thực để đi tới Mỹ".
"Hoda Muthana không phải là một công dân Mỹ và sẽ không được cho phép vào Mỹ", BBC dẫn thông điệp của ông Pompeo.
Một bức ảnh mà Hoda Muthana đăng trên tài khoản Twitter/@ZumarulJanna. Tài khoản này hiện đã bị xóa. |
Tờ New York Times đưa tin, Muthana khẳng định cô đã xin và được cấp một hộ chiếu Mỹ trước khi rời đi Thổ Nhĩ Kỳ. Trong các video tuyên truyền, người phụ nữ này cũng được thấy đang cầm trên tay hộ chiếu Mỹ của mình.
Theo giới phân tích, lập luận của chính phủ Mỹ dường như xoay quanh sự thật rằng cha của Muthana là một nhà ngoại giao Yemen. Trẻ em sinh ở Mỹ là con các nhà ngoại giao nước ngoài không tự động được coi là công dân Mỹ bởi vì họ không thuộc thẩm quyền của Mỹ. Tuy nhiên, luật sư của Muthana tuyên bố người cha không còn là một nhà ngoại giao nữa khi cô sinh ra.
Muthana hiện đang có con trai 18 tháng tuổi. Mới đây, cô này đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo ABC News, trong đó bày tỏ sự hối hận, xin lỗi vì đã đăng tải các thông điệp trên mạng xã hội tuyên truyền cho IS.
"Tôi ước tôi có thể thoát khỏi mạng hoàn toàn, thoát khỏi trí nhớ của mọi người vĩnh viễn... Tôi hối hận... Tôi hy vọng Mỹ không nghĩ tôi là một mối đe dọa với họ, và tôi hy vọng họ có thể chấp nhận tôi. Tôi chỉ là một người bình thường bị tẩy não và hy vọng điều đó không bao giờ lặp lại nữa".
Muthana bị các lực lượng người Kurd bắt giữ và hiện đang ở một trại tị nạn do người Kurd điều hành ở miền bắc Syria.
Thanh Hảo