Những vị trí chủ chốt trong nội các của ông Donald Trump đã được lựa chọn và chờ được Thượng viện Mỹ thông qua. Có nhiều nhân tố bất ngờ, trong đó có ông Scott Bessent ở vị trí Bộ trưởng Tài chính.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ giúp 'giảm rủi ro'

Chia sẻ đánh giá về quyết định lựa chọn nhân sự cho chính quyền mới gần đây của Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, cho rằng, các quyết định nhân sự của ông Trump giúp giảm rủi ro đối với các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Theo chuyên gia của VinaCapital, nhiệm kỳ tổng thống lần thứ hai của ông Trump có thể không mang lại lợi ích lớn đối với nền kinh tế Việt Nam như nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng rủi ro chính sách thuế của ông Trump làm suy giảm đà tăng trưởng của Việt Nam là rất thấp.

Nhận định này trái ngược với những cảnh báo bi quan của nhiều đánh giá trên truyền thông kể từ khi ông Trump tái đắc cử.

Trong tuần trước, ông Trump đã chọn ông Scott Bessent. Theo ông Michael Kokalari, đây được coi là Bộ trưởng Tài chính “lý tưởng” đối với Việt Nam. 

Theo đó, ông Bessent đã nhiều lần nói rằng các đề xuất thuế quan của ông Trump là “cực đoan” có thể sẽ được giảm nhẹ trong các cuộc đàm phán; thông báo gần đây của ông Trump về việc ông dự định áp mức thuế 25% đối với Canada và Mexico có thể nên được hiểu theo hướng này.

Quan trọng hơn đối với Việt Nam, ông Bessent ủng hộ việc xem xét các mục tiêu địa chính trị của Mỹ khi xác định mức thuế đối với từng quốc gia. Chi tiết về cách thức chiến lược này có thể hoạt động, cũng như các khía cạnh khác của chiến lược thuế quan của ông Trump, đã được phác thảo trong một báo cáo mang tên “Hướng dẫn về Cải cách Hệ thống Thương mại Toàn cầu”.

Tài liệu này đã được công bố rộng rãi sau khi ông Trump đắc cử, do một cố vấn cấp cao về chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump viết. Người này được cho là có mối quan hệ mật thiết với ông Bessent .

Trump CNBC.gif
Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNBC

Việt Nam sẽ không bị áp thuế quan quá nặng nề?

Theo ông Michael Kokalari, báo cáo dài 40 trang có đề cập đến việc xem xét các yếu tố địa chính trị để xác định mức thuế đối với từng quốc gia hơn 20 lần. 

Điều này cho thấy rằng, niềm tin của lưỡng đảng tại Mỹ về vai trò hữu ích của Việt Nam trong việc giúp Mỹ đạt được các mục tiêu địa chính trị sẽ đảm bảo rằng Việt Nam sẽ không bị ông Trump nhắm đến với các biện pháp thuế quan quá nặng nề.

Trước khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, đã có nhiều lo ngại rằng Việt Nam sẽ không “gặp may” như trước đó, đặc biệt là khi so với giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ-Trung do ông Trump khởi xướng. Tuy nhiên, báo cáo "The Longer Telegram" của Hội đồng Đại Tây Dương vào tháng 1/2021 đã xua tan những lo ngại này và khẳng định rằng mối quan hệ Mỹ-Việt sẽ tiếp tục được củng cố trong nhiệm kỳ của ông Biden. Thực tế cũng đã cho thấy điều này.

Còn báo cáo “Hướng dẫn về Cải cách Hệ thống Thương mại Toàn cầu” năm 2024 lại gợi ý về mối quan hệ Việt Nam và Mỹ dưới chính quyền của ông Trump sắp tới theo hướng được VinaCapital đánh giá là "từ trung lập đến tích cực".

Báo cáo cũng có chi tiết cách thức thuế quan có thể được sử dụng để khuyến khích việc đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ, tương tự như thỏa thuận “Plaza Accord” năm 1985 nhằm làm suy yếu đồng USD nhưng đồng thời củng cố vai trò của đồng USD như là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Còn về cảnh báo cho rằng các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể trì hoãn hoặc giảm bớt đầu tư vào Việt Nam, ông Kokalari có niềm tin ngược lại. Theo đó, các khoản đầu tư từ các công ty lớn của Hàn Quốc vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam bởi vì tiền lương ở các nhà máy của Hàn Quốc cao gấp gần 10 lần so với ở Việt Nam, và Hàn Quốc đang có tốc độ già hóa dân số nhanh hơn cả Nhật Bản vào thời kỳ đỉnh điểm của sự suy giảm nhân khẩu học.

Các công ty này khó có thể thay đổi kế hoạch sản xuất tại Việt Nam nếu xuất khẩu từ Hàn Quốc và Việt Nam sang Mỹ gặp phải các gánh nặng thuế quan tương tự, và có thể Việt Nam thậm chí còn được hưởng đãi ngộ thuế quan thuận lợi hơn so với các quốc gia xuất khẩu tại châu Á khác dưới thời ông Trump.

Ông Kokalari lưu ý về định hướng các yếu tố địa chính trị cần phải định hình mối quan hệ kinh tế của Mỹ với các quốc gia trên toàn cầu. Theo đó, đây là điều lý tưởng đối với Việt Nam vì chiến lược "Ngoại giao cây tre" khéo léo của Việt Nam với các nước lớn.

Trước đó, VinaCapital cũng đã cho rằng, việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ không gây tác động lớn đến kinh tế Việt Nam. Trong đó có nhận định rằng Việt Nam có thể giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, vốn có chi phí sản xuất quá cao nếu sản xuất tại Mỹ.

Dù vậy, có thể các thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam, sẽ bị ảnh hưởng bởi những phát ngôn bất ngờ và các bài đăng trên mạng xã hội của ông Trump.

Rủi ro trước mắt lớn nhất đối với thị trường chứng khoán Việt Nam là khả năng đồng USD tiếp tục tăng giá. Bên cạnh đó, là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ (khoảng 100 tỷ USD) là thặng dư lớn thứ ba chỉ sau Mexico và Canada. Theo VinaCapital, Việt Nam cần có các biện pháp nhanh chóng để giảm thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách tăng cường mua thêm các sản phẩm của Mỹ (như khí hóa lỏng LNG, động cơ máy bay…).