Nhiều nước tung loạt chính sách
Một số quốc gia chứng kiến đồng nội tệ giảm mạnh sau khi ông Donald Trump thắng cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025-2029. Ở một số nước, triển vọng kinh tế được đánh giá kém tươi sáng với những thách thức tiềm tàng từ nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump.
Theo SCMP, ngày 21/11, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ hỗ trợ ngành xuất khẩu bằng các chính sách ứng phó với các rào cản thương mại bên ngoài. Đó là những biện pháp mà Bắc Kinh cho rằng chính quyền Donald Trump sắp tới sẽ áp lên Trung Quốc.
Thông báo cho biết, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp “chủ động ứng phó với các hạn chế thương mại nước ngoài vô lý” và “tạo ra môi trường bên ngoài tốt cho xuất khẩu”.
Theo đó, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc mở rộng phạm vi bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho các doanh nghiệp tham gia vào thương mại quốc tế. Trung Quốc cũng khuyến khích các tổ chức tài chính cung cấp nhiều sản phẩm hỗ trợ doanh nghiệp quản trị rủi ro ngoại hối. Đồng thời, sẽ củng cố việc điều tiết chính sách vĩ mô để giữ đồng Nhân dân tệ (NDT) "tương đối ổn định".
Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 60% với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc. Khảo sát cho thấy, ngay đầu năm sau, chính quyền ông Trump có thể áp thuế nhập khẩu gần 40% với sản phẩm từ Trung Quốc, có thể khiến GDP của Trung Quốc giảm 1%.
Trong khi đó, theo JapanTimes, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba sẽ công bố gói kích thích kinh tế quy mô lớn trị giá 21,9 nghìn tỷ yên (tương đương 140 tỷ USD) nhằm giải quyết nhiều thách thức kinh tế của đất nước.
Trước đó, hôm 18/11, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda cho biết, đồng yen Nhật đã sụt giảm mạnh sau khi ông Trump thắng cử. Nhật đối mặt với áp lực lạm phát sẽ tăng tốc nhanh chóng.
Gói hỗ trợ sẽ được triển khai ngay trong năm tài chính 2024 giúp người dân đối phó với tình trạng vật giá tăng cao, cũng như hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Chính phủ Nhật sẽ tiếp tục trợ giá nhiên liệu cho người dân từ đầu năm tới, mở rộng quy mô miễn giảm một số sắc thuế cho người lao động và doanh nghiệp…
Thái Lan cũng vừa công bố kế hoạch phát 10.000 baht (khoảng 290 USD) tiền mặt mỗi người cho khoảng 4 triệu người cao tuổi vào dịp Tết Nguyên đán. Hỗ trợ tài chính cho các nhóm khác sẽ được thực hiện sau đó, vào khoảng thời gian từ tháng 4-6/2025. Tổng cộng gói hỗ trợ cho khoảng 45 triệu người, trị giá gần 14 tỷ USD. Chương trình nhằm hỗ trợ những người thu nhập thấp, khó khăn, vừa kích cầu tiêu dùng khi kinh tế trì trệ do “cả yếu tố trong nước và quốc tế”.
Trên Bloomberg, một nghiên cứu cho thấy, Thái Lan có nguy cơ không đạt được mục tiêu tăng trưởng 2025 và đồng baht suy yếu nếu ông Trump áp thuế với hàng nhập khẩu như cam kết. Việc trợ cấp người dân là một trong nhiều giải pháp hỗ trợ kinh tế.
Kinh tế thế giới ra sao?
Có thể thấy, động thái hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chưa tươi sáng trở lại, sản lượng công nghiệp tháng 10 vẫn tăng thấp, bất động sản tiếp tục suy giảm… cho dù trước đó Trung Quốc đã có 2 gói kích thích khổng lồ thông qua chính sách tiền tệ (hồi cuối tháng 9) và chính sách tài khóa trong tháng 11.
Áp lực với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lớn dần khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa ông Trump sẽ trở lại Nhà Trắng, với chủ trương áp thuế quan mạnh tay lên hàng hóa Trung Quốc. Các chuyên gia dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc trở lại trong nửa sau của năm 2025.
Gần đây, truyền thông quốc tế đưa tin, các hãng sản xuất của Trung Quốc tăng tốc dịch chuyển nhà máy sang Đông Nam Á cũng như các địa điểm khác. Nhiều hãng xuất khẩu tại nền kinh tế lớn hai thế giới đã chuẩn bị cho kịch bản thương mại bị gián đoạn.
Trung Quốc cũng tích cực cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Úc, một số nước Mỹ Latin, châu Phi… Xuất khẩu sang Mỹ có xu hướng giảm dần, xuống chỉ còn khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu, thay vì mức 18% trong thập kỷ trước đó.
Dù vậy, dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ gặp khó khăn ngay từ năm 2025. Nỗ lực gây dựng NDT mạnh để đóng vài tro lớn hơn trong thương mại toàn cầu có lẽ cũng sẽ không có nhiều kết quả trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump.
Với Nhật Bản, điều đáng lo ngại vẫn là một đồng yen giảm sâu trong khi nền kinh tế vẫn yếu. Gần đây, có những lo ngại rằng chính phủ Nhật có thể gây áp lực lên BoJ để chậm tăng lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, lo ngại về lạm phát lại tăng lên.
Còn theo dự báo của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), kinh tế khu vực đồng Euro sẽ tụt, xuống chỉ còn 0,8% trong năm 2025 do tác động từ các chính sách của ông Trump. Ông Trump dự kiến có thể áp dụng mức thuế quan mới lên khu vực này.
Cũng theo Goldman Sachs, kinh tế Mỹ sẽ tăng mạnh, đạt 2,5% trong năm 2025, vượt xa dự báo 1,9% của Bloomberg. Qua đó, giúp GDP toàn cầu tăng trưởng 2,7%.
Với Việt Nam, cũng có nhiều thách thức tiềm tàng từ nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump. Dù vậy, nhiều chuyên gia kỳ vọng cũng có những cơ hội cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.
Thách thức trước hết với Việt Nam là USD mạnh lên, qua đó làm VND yếu đi như trong hơn 2 tuần kể từ khi ông Trump trúng cử. Dòng vốn có thể tiếp tục rút về Mỹ. Thuế quan cao cũng là điều lo ngại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Dù vậy, điều quan trọng là chênh lệch về thuế quan mà Mỹ áp lên các nước là như thế nào.
Đây cũng có thể coi là cơ hội cho Việt Nam như đánh giá của Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital. Chiến thắng của ông Trump sẽ không làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.