Triều Tiên đã tổ chức màn phô diễn sức mạnh hỏa pháo hoành tráng để kỷ niệm ngày thành lập quân đội, giống như một thông điệp đáp trả cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát cuộc tập trận. Những khẩu pháo dùng cho chiến tranh trên bộ như lời nhắc nhở rằng Seoul và căn cứ Mỹ dễ dàng trong tầm ngắm. Ngay trước đó, Bình Nhưỡng đã bắt giữ một giáo viên Mỹ khi ông này ra sân bay để rời đi.

{keywords}

Triều Tiên tập trận ngày 25/4. (Ảnh: KCNA)

Mỹ đã liên tiếp phản ứng, bắt đầu các cuộc tập trận hải quân chung với Hàn Quốc và Nhật Bản trong khu vực. Nước này cũng đã điều cụm tàu tấn công do hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn dầu tới bán đảo Triều Tiên.

Hôm nay (26/4), Nhà Trắng sẽ tổ chức một cuộc họp về Triều Tiên, yêu cầu toàn bộ các thành viên Thượng viện có mặt, cùng với Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng. Tới thứ Sáu (28/4), ông Tillerson sẽ chủ trì một cuộc họp về Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc.

Trước đó, hôm 24/4, khi gặp gỡ các đại sứ Liên Hợp Quốc tại Nhà Trắng, ông Trump kêu gọi họ hãy cấm vận mạnh tay hơn nữa với Triều Tiên.

Căng thẳng quanh Triều Tiên đã leo thang nhanh chóng kể từ khi ông Trump lên nhậm chức. Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa để có thể phóng một quả bom tới đất Mỹ, bất kể ông chủ mới của Nhà Trắng tuyên bố hiện trạng này là "không thể chấp nhận được".

Tổng thống Trump hiện đang nỗ lực hết sức để thúc ép Trung Quốc gây áp lực lên Triều Tiên. Ông thậm chí tuyên bố Washington sẽ "tự xử lý" Bình Nhưỡng bất kể Bắc Kinh có tham gia hay không.

Hôm 25/4, Triều Tiên ra thông điệp đáp trả, lên án chính quyền Trump "lố bịch và liều mạng" vì đã có những bước đi mà "theo tình hình hiện tại trên bán đảo Triều Tiên thì chưa đủ để kích hoạt ngòi nổ chiến tranh tổng lực".

Thông điệp này nêu rõ "nguồn cơn buộc Triều Tiên phải có vũ khí hạt nhân" chính là việc Mỹ muốn cô lập nước này với quốc tế bằng "đe dọa hạt nhân" suốt hơn một nửa thế kỷ qua.

Nguy hiểm tăng cao khiến giới quan sát, phân tích và cả các nhà lập pháp Mỹ quan ngại, một phần bởi vì mọi nỗ lực của các chính quyền Mỹ trước đây nhằm ngăn chặn hoặc làm chậm chương trình vũ khí của Triều Tiên thông qua cấm vận, viện trợ, đối thoại... đều thất bại. Triều Tiên được cho là sắp thử hạt nhân lần thứ 6.

"Triều Tiên dồn hết sức cho các vũ khí hạt nhân và có ý định sẽ phóng chúng", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mỹ John McCain nói. "Thật không may, họ đang đạt tiến bộ thực sự".

Lãnh đạo Mỹ đã nhanh chóng tiến trên mặt trận ngoại giao, phái tướng Mattis và Ngoại trưởng Tillerson tới châu Á. Trong khi đó, hai vị khách đầu tiên mà Tổng thống Trump đón tới Mỹ là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Về phương diện gây áp lực và ngăn chặn, Trump thúc ép Trung Quốc phải hành động nhiều hơn. Đó là một chiến lược mà cả những người chỉ trích lẫn ủng hộ ông đều tán thành, dù họ bày tỏ nghi ngờ về mức độ cam kết của Bắc Kinh.

Những lời lẽ cứng rắn của ông Trump nhận được sự hưởng ứng của phe thích đáp trả Bình Nhưỡng. Lindsey Graham, một người Cộng hòa của bang Nam Carolina và hiện là thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nói: "Nếu bạn là Triều Tiên, và bạn cá Donald Trump chỉ nói mà không làm, thì bạn đang phạm sai lầm lớn".

Tuy nhiên, một số người cảnh báo rằng, Triều Tiên có thể sẽ coi những ngôn từ của Tổng thống Trump là một mối đe dọa, và cộng với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ ở khu vực, Bình Nhưỡng rất có thể sẽ bị kích động hành động.

Trước những động thái của Washington, Paul Carroll, Giám đốc chương trình tại Quỹ Ploughshares chuyên về loại bỏ vũ khí hạt nhân, bình luận: "Nếu bạn khuấy động căng thẳng ngôn từ, và cử khí tài tới khu vực, nếu bạn làm điều đó mà không có cửa nào cho người Triều Tiên cân nhắc bước qua hoặc trở lại đàm phán thì những điều tồi tệ sẽ xảy ra".

Thanh Hảo