Giai đoạn 2020 - 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, kinh tế trong nước chịu tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, du lịch quốc tế suy giảm nghiêm trọng.

Trong giai đoạn này, thông điệp “Doanh nghiệp động lực phát triển kinh tế của đất nước” luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và là mục tiêu và định hướng trong hầu hết các chính sách. 

Theo đó, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là những chính sách liên quan đến giãn, giảm, hoãn thuế, tiền thuê đất… để hỗ trợ kịp thời và giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong 3 năm là hơn 507 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền thuế được gia hạn là trên 352 nghìn tỷ đồng, và số tiền thuế được miễn, giảm là khoảng 155 nghìn tỷ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ và có ý nghĩa như một khoản Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp giảm nghĩa vụ tài chính, ổn định sản xuất kinh doanh.

petrovietnam1.jpg
Ông Nguyễn Văn Mậu - Thành viên HĐTV Petrovietnam đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhận tôn vinh tại hội nghị

Trong số các doanh nghiệp được tôn vinh, Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp tiêu biểu trong việc nộp thuế, dẫn đầu ngành dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu thô và khí tự nhiên. Trong giai đoạn 2020-2022, Công ty mẹ Tập đoàn đã nộp ngân sách trên 56 nghìn tỉ đồng.

Với 62 năm xây dựng và phát triển, Petrovietnam là tập đoàn kinh tế nhà nước đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế, đóng góp số thu ngân sách lớn mà còn giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực và an ninh chủ quyền quốc gia trên biển. 

Đến nay, Petrovietnam là doanh nghiệp liên tục đứng đầu trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam; được xếp hạng chỉ số tín nhiệm BB+ do tổ chức xếp hạng uy tín Fitch Ratings đánh giá. Đồng thời, Petrovietnam là một trong các doanh nghiệp có số nộp ngân sách lớn nhất cả nước cũng như là 1 trong 6 đơn vị triển khai hóa đơn điện tử sớm nhất (từ đầu tháng 11/2021). Trong giai đoạn khó khăn của ngành Dầu khí từ năm 2016 đến năm 2022, nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn luôn chiếm tỉ trọng từ 7-10% tổng thu ngân sách Nhà nước.

petrovietnam2.jpg
Ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn BSR nhận tôn vinh tại hội nghị

Cùng với Công ty mẹ Tập đoàn, tại Hội nghị, một số doanh nghiệp dầu khí tiêu biểu cũng được vinh danh. Trong đó, Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) với số nộp ngân sách giai đoạn 2020-2022 trên 28 nghìn tỉ đồng, nằm trong nhóm đầu ngành sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế.

petrovietnam3.jpg
Ông Lê Đắc Hóa - Tổng Giám đốc Cửu Long JOC nhận tôn vinh tại buổi lễ

Công ty Liên doanh Điều hành chung Cửu Long (Cửu Long JOC) với số nộp ngân sách giai đoạn 2020-2022 trên 36 nghìn tỉ đồng, nằm trong nhóm đầu ngành dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu khí và khí tự nhiên.

Một số doanh nghiệp thuộc ngành Dầu khí cũng được tôn vinh như PTSC M&C, Petrosetco PSV, PVOIL miền Trung.

 Ngọc Minh