Thích "Sát thủ đầu mưng mủ", nhất định không nhận giáo viên nói ngọng, sợ cái kết của Tấm Cám... là một số những chia sẻ của vị PGS lừng lẫy nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
TIN BÀI KHÁC
Sự thật chuyện 'rắn thần báo thù' ở Hải Dương
Hoa hậu Ngọc Hân vẫn đang chờ 'hoàng tử'
Bé gái 13 tuổi bỏ nhà theo trai già 42
Hàng trăm con trăn khổng lồ tấn công trẻ em?
Bơm xi măng vào vòng 3 để tăng kích cỡ
Bạc Liêu: Vác quan tài cha đi đòi đất
Người Nhật nói về chất lượng hầm Thủ Thiêm
Ngắm hầm Thủ Thiêm trước giờ thông xe
Nhân ngày Hiến chương dành cho các nhà giáo, phóng viên đã có cuộc trò chuyện về một số vấn đề giáo dục nổi bật trong năm 2011 với nhà giáo nổi tiếng Văn Như Cương.
PGS. Văn Như Cương: "Người ta cứ gắn cho tôi các chức danh như GS, Nhà giáo nhân dân, trong khi tôi vẫn nói đùa là, tôi hơn các Giáo sư đấy chứ, hơn một chữ Phó". |
"Ba chung đã đến lúc kết thúc"
- Ông nghĩ sao về tỷ lệ đỗ Tốt nghiệp (TN) của năm học 2010 - 2011?
Như nhiều ý kiến đánh giá, tôi cho rằng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay của nước ta quá cao. Tuy nhiên, khi thi ĐH thì lại rất nhiều điểm 0. Chính vì lý do này, người ta có quyền nghi ngờ tính nghiêm túc của kỳ thi TN. Bởi, dù thi ĐH có khó hơn thi TN, tuy nhiên, vẫn nằm trong khối kiến thức cơ bản nên không thể nào đỗ TN mà học sinh lại bị điểm liệt như vậy.
- Tỷ lệ đỗ quá cao, lại chưa thực sự chặt chẽ gây tốn kém, nên chăng bỏ kỳ thi TN như nhiều người đề xuất?
Không. Tôi cho rằng, bỏ thi TN là rất nguy hiểm, chắc chắn rằng, những môn không thi ĐH các em sẽ bỏ bê và lơ là. Nói ngay như hiện nay, khi bỏ kỳ thi TN cấp 2, hệ quả rõ ràng ngay.
Trường tôi khi nhận các em vào rất vất vả để củng cố kiến thức Lý, Hóa cho các em vì lỗ hổng quá nhiều, gần như không đả động gì cả.
Đó là chưa kể, chắc chắn sẽ phát sinh nhiều tiêu cực.
- Vậy theo ông phương án nào tối ưu để giải quyết vấn đề này?
- Thi TN vẫn cần được duy trì, tuy nhiên, cần phải thắt chặt tính kỷ luật hơn nữa, và phải đặc biệt nghiêm túc. Tấm bằng TN phải là giấy chứng nhận rằng, học sinh ấy có khả năng để bước vào cánh cửa ĐH.
Ngoài ra, tôi cũng cho rằng, 3 chung trong kỳ thi ĐH hiện nay đã đến lúc kết thúc. Thật phi lý khi các trường ĐH với các mục đích đào tạo khác nhau lại làm chung một đề giống nhau. Chẳng hạn, cũng là một môn Toán nhưng đào tạo một thầy giáo dạy Toán cần một yêu cầu khác, một nhà nghiên cứu Toán học, một anh kỹ sư, một bác sĩ là những yêu cầu hoàn toàn khác nhau.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nên dành quyền tự chủ cho các trường.
Thích "Sát thủ đầu mưng mủ"
Bìa cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ"
- Cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ" vừa ra đời đã hứng chịu nhiều nguồn dư luận trái chiều. Một số giáo viên đã phản ứng gay gắt cho rằng, cuốn sách sẽ làm ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, nhất là về vấn đề ngôn ngữ. PGS. nghĩ sao về điều này?
Tôi cũng đọc báo viết nhiều về cuốn sách này, tuy nhiên, chưa có dịp đọc nó mà chỉ xem qua một số hình vẽ trên mạng. Tuy nhiên, tôi thấy không có vấn đề gì cả, thậm chí một số câu "sáng tạo" của giới trẻ còn hay ấy chứ.
Chẳng hạn như "Một điều nhịn là chín điều nhục" so với nguyên bản là "Một điều nhịn là chín điều lành", hai câu này ý nghĩa khác nhau và trong nhiều trường hợp là hoàn toàn đúng, không có gì phải lên án là xuyên tạc thành ngữ cả.
Ghi lại ngôn ngữ đời thường của giới trẻ bằng những hình ảnh ngộ nghĩnh thì cũng vui đấy chứ. Hẳn nhiều bạn trẻ khi đọc cuốn sách này phải thấy rất buồn cười, giảm stress.
Tuy nhiên, cũng cần loại một số câu phản cảm thì sẽ ổn hơn.
- Nếu học sinh trường ông đọc cuốn sách, ông có phản đối không?
Không, tôi hoàn toàn đồng ý.
- Còn PGS?
Nếu có ai đó tặng tôi, tôi cũng sẽ vui vẻ cảm ơn!
"Nhất định" không nhận giáo viên nói ngọng
- Ông thấy sao về Sở giáo dục Hà Nội yêu cầu "sửa" nói ngọng cho giáo viên?
Tôi hoàn toàn ủng hộ. Trên thực tế, đúng là không ít giáo viên nói ngọng, nhất là ở cấp 1 và cấp 2, ở cấp 3 cũng ít thôi nhưng không phải không có.
Quan điểm của tôi là không bao giờ nhận giáo viên nói ngọng. Khi nhận một giáo viên về trường tôi sẽ xem hồ sơ và phỏng vấn. Trong quá trình phỏng vấn ai nói ngọng là tôi biết ngay, và dù giáo viên ấy chuyên môn có tốt đến đâu tôi cũng nhất định không nhận.
Với học sinh, nhất là học sinh lớp lớn, khi nghe thầy cô nói ngọng các em cũng dễ phản cảm và khó tiếp thu. Với những học sinh cấp 1 thì điều này còn nguy hiểm hơn nhiều.
- Phải chăng là do vấn đề ngôn ngữ địa phương...
Không, tôi cho rằng đây không phải là ngôn ngữ địa phương mà là vấn đề của các trường đào tạo. Tôi thật sự ngạc nhiên rằng tại sao họ có thể cấp bằng cho những giáo viên "chưa đọc chuẩn", lẽ ra phải đánh trượt ngay.
Tôi nghĩ rằng, trong các trường sư phạm nên có một bộ môn là môn tập nói.
Sợ cái kết của Tấm Cám
- Cái kết của truyện cổ tích Tấm Cám nhiều ý kiến đánh giá là quá tàn nhẫn, còn PGS?
Ngay từ ngày nhỏ khi đọc truyện này, đến đoạn kết tôi cũng cảm thấy... lạnh gáy. Thông thường, các chuyện cổ tích nước ngoài hay của Việt Nam ta đều rất có hậu, tức là người tốt sẽ gặp điều lành, còn những kẻ xấu xa sẽ bị trừng trị.
Truyện Tấm Cám cũng theo một mô tip như vậy, tuy nhiên, nếu như các truyện khác, kẻ xấu bị trừng trị bởi một thế lực siêu nhiên nào đó, thì ở đây lại do chính bàn tay con người trừng phạt dã man. Đối với đứa trẻ, ít nhiều sẽ ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ của chúng.
- Vậy thay cái kết của Tấm Cám là hợp lý?
Thay thì không được. Theo nguyên tắc, truyện cổ tích đã đưa vào giảng dạy là phải giữ nguyên bản. Nếu thực sự thấy không phù hợp thì nên bỏ khỏi chương trình sách giáo khoa.
Đã đến lúc nghỉ ngơi
- 22 năm trên cương vị hiệu trưởng, cảm xúc của PGS trong ngày 20/11 năm nay có gì đặc biệt?
Tôi vẫn nói với các giáo viên, không có nghề gì lại có nhiều xúc cảm như nghề dạy học. Bởi, mỗi nghề lại tiếp xúc với các "đối tượng" khác nhau, nghề chúng tôi tiếp xúc với các "đối tượng" trẻ trung, đầy nhiệt huyết, vô cùng trong sáng và thánh thiện. Ví dụ như nghề bác sĩ cũng rất cao quý, nhưng những người họ gặp thường là những người đau ốm, bệnh tật...
Tuy nhiên, năm nay đúng là một năm rất đặc biệt đối với cá nhân tôi nói riêng và THPT Lương Thế Vinh nói chung. Từ ngày thành lập trường, thầy và trò đều phải học trong những lớp đi thuê, đi mượn, học sinh không có sân chơi... điều kiện hết sức khó khăn. Đây là năm đầu tiên, Lương Thế Vinh có trường học của riêng mình.
Khỏi phải nói cả thầy và trò đều mãn nguyện và hạnh phúc như thế nào. Nhìn nó, tôi nghĩ đã đến lúc mình nghỉ ngơi được rồi.
- Có nghĩa là PGS sẽ "bỏ" nghề giáo?
Tôi năm nay cũng 75 tuổi rồi, theo quy định của nhà nước là đã... phạm luật. Vì thế, không giữ cương vị hiệu trưởng nữa cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, tôi sẽ luôn theo dõi từ phía sau, cố vấn và cố gắng giữ cho ngôi trường luôn "sạch".
- Cám ơn PGS, chúc ông mạnh khỏe, minh mẫn để tiếp tục với sự nghiệp giáo dục!
(Theo BĐVN)