Theo Al Jazeera, trong ngày 8/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiết lộ về 3 hành động mà Washington sẽ thực hiện sau khi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ.
"Đây là cơ hội lịch sử để người dân Syria xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước, nhưng cũng là thờ điểm tiềm ẩn nhiều rủi ro", ông Biden nhận xét.
Tổng thống Biden cho biết, động thái đầu tiên của Mỹ là "bảo vệ các nước láng giềng của Syria gồm Jordan, Lebanon, Iraq và Israel; khỏi các nguy cơ phát sinh từ giai đoạn chuyển tiếp". Thứ hai, Washington sẽ đảm bảo sự ổn định ở miền đông Syria, đồng thời tiếp tục nhiệm vụ chống lại IS trong khu vực. Thứ ba, Mỹ sẽ lên kế hoạch hợp tác với các nhóm ở Syria để thành lập một chính phủ mới.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cũng đưa ra bình luận về tình hình ở Syria. "Tổng thống Assad đã bị lật đổ và phải chạy trốn khỏi đất nước. Nga đã mất lợi ích ở Syria vì cuộc xung đột Ukraine, thứ đáng lẽ không nên xảy ra", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này đang theo dõi chặt chẽ tình hình, và hy vọng Syria sẽ sớm ổn định trở lại. "Chính phủ Trung Quốc đã tích cực sơ tán những công dân muốn rời khỏi Syria, đồng thời vẫn duy trì liên lạc với các công dân vẫn ở lại đây", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, EU sẽ giúp xây dựng lại Syria sau khi chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ.
"EU sẵn sàng hỗ trợ xây dựng lại một nhà nước Syria nhằm bảo vệ tất cả các nhóm thiểu số. Việc chính quyền Assad sụp đổ là một thay đổi mang tính lịch sử trong khu vực, mang lại cả thời cơ lẫn thách thức", bà Von der Leyen nói.
Bộ Ngoại giao ẢRập Xê-út tuyên bố rằng nước này tôn trọng lựa chọn của người dân Syria, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp để đảm bảo Syria không rơi vào tình cảnh hỗn loạn.
Theo truyền thông Nga, Moscow đã xác nhận việc Tổng thống Assad rời khỏi đất nước, chấp nhận chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Ông Assad và gia đình hiện đã được cấp phép tị nạn tại Nga.