Chia tay đoàn doanh nghiệp kinh doanh gas, mà nhiều trong số đó quần áo bạc màu, da dẻ đen trũi, và khuôn mặt chất phác như “nông dân”, tôi bỗng nhận thấy họ đã biết đoàn kết lại để đấu tranh vì lợi ích của mình.
Người viết tình cờ gặp một đoàn 20 danh nghiệp kinh doanh gas sau cuộc hội thảo sáng qua của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Họ đến từ nhiều tỉnh thành, tham dự cuộc hội thảo đó để phản ánh họ đang sắp “chết” do Nghị định 19 và Thông tư 03 của Bộ Công Thương đưa ra hàng loạt các điều kiện kinh doanh mà họ không thể đáp ứng nổi.
Có doanh nghiệp kể, tài sản của họ năm ngoái trị giá gần 14 tỉ đồng, nay khi số phận của họ sắp bị định đoạt, thì mấy “đại gia” sản xuất gas đến gạ mua chỉ còn 5 tỉ đồng.
Mỗi năm có hàng chục đoàn thanh tra, mỗi đoàn có ít nhất chục người, của rất nhiều ngành đến “thăm hỏi”. Rồi đây, họ nói, chắc chắn các cuộc “thăm hỏi” sẽ dầy lên khi họ không đáp ứng được các điều kiện kinh doanh trong mấy văn bản trên.
Rất tiếc, tai hội thảo chỉ có một đại diện trong họ nói về vấn đề này trong bối cảnh có rất nhiều ý kiến bức xúc khác, nên không thu hút sự chú ý đặc biệt của báo chí. Họ nói, việc ra Hà Nội phản ánh như vậy là đã đạt được “50% thắng lợi” để bỏ các điều kiện kinh doanh đó. Tôi nghe mà có cảm giác, các doanh nghiệp siêu nhỏ này “ngây thơ”. (xem thêm: “Chẳng lẽ chúng tôi phải phá sản, bán rẻ tài sản của mình”).
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas sẽ chết? Ảnh: TBKTSG |
Tại hội thảo, có doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nói gần như khóc, trước 2011 cả nước có 200 doanh nghiệp nhập khẩu, mà giờ chỉ còn cỏn vẹn 20, và họ cũng đang “ngắc ngoải”. Phần lớn đã chết vì những điều kiện kinh doanh trong Thông tư 20. Thông tư này được ban hành năm 2010 nhân danh “ổn định kinh tế vĩ mô”, nhưng rồi đã loại bỏ hầu như tất cả doanh nghiệp thương mại nội địa, và dành sân chơi cho chính các nhà “sản xuất” ô tô Nhật Bản.
Hiện đang có khoảng 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Trong số này có gần 3.000 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền. Đặc biệt, sau khi Luật Đầu tư được ban hành, nhiều bộ vẫn tiếp tục ban hành các điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền.
Về khía cạnh nào đó, điều kiện kinh doanh tạo cơ chế xin-cho là mảnh đất màu mỡ để tham nhũng, trục lợi cá nhân nhân danh nhà nước, nhân danh lợi ích cộng đồng. Đây là điều không ai có thể phủ nhận. Đợt rà soát này là một cơ hội cải cách rất lớn. Thật đáng tiếc, việc “rà soát” là đóng kín trong nội bộ các bộ và Bộ Tư pháp, nên các doanh nghiệp và báo chí không có nhiều thông tin, không tham gia góp ý và phản biện.
VCCI cho biết, những thông tin mà họ nhận được đều xác nhận, hầu hết các thông tư đều được nâng cấp lên nghị định. Có nghĩa là hầu hết các điều kiện kinh doanh sẽ được hợp pháp hóa; có nghĩa hàng loạt những rào cản kinh doanh sẽ tiếp tục được dựng lên vững chắc hơn.
Chia tay đoàn doanh nghiệp kinh doanh gas, mà nhiều trong số đó quần áo bạc màu, da dẻ đen trũi, và khuôn mặt chất phác như “nông dân”, tôi bỗng nhận thấy họ đã biết đoàn kết lại để đấu tranh vì lợi ích của mình. Tôi khuyên họ nên thuê luật sư, phối hợp chặt chẽ với VCCI để phản ánh thật sớm trước 1-7. “Chúng tôi chết thì bao nhiêu người ra đường”, một người nói. Một nữ doanh nghiệp ở Đồng Nai nói thêm: “Pháp luật xây dựng cũng phải vì con người”.
Tôi nghe mà không biết chia sẻ với chị như thế nào.
Tư Giang (Theo TBKTSG)