Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu tại buổi lễ. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước :
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các đồng chí lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam qua các thời kỳ,
Thưa toàn thể các đồng chí và anh chị em đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ cả nước!
Vào những ngày tháng Năm lịch sử, chúng ta vui mừng dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1886 - 1-5-2021). Nhân dịp này, chúng ta cùng phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi tới quý vị đại biểu, khách quý, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cùng cán bộ Công đoàn, công chức, viên chức, công nhân và người lao động cả nước lời thăm hỏi và chúc mừng tốt đẹp nhất.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu tại buổi lễ. Ảnh Thống Nhất/TTXVN
Kính thưa các đồng chí!
Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc và giải phóng đất nước, Ngày Quốc tế Lao động là dịp để công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp và các tầng lớp nhân dân lao động biểu dương lực lượng,
tổ chức mít-tinh, biểu tình, đấu tranh, với các khẩu hiệu đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống áp bức, bóc lột, đòi độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Vào ngày lễ quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã ra nhiều lời kêu gọi công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động ra sức thi đua yêu nước, giết giặc lập công; đồng thời Bác biểu dương các điển hình tiên tiến, khích lệ mọi người lao động nỗ lực không ngừng vì sự nghiệp chung. Từ sau năm 1975, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động gắn với kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4, là dịp để giai cấp công nhân ôn lại truyền thống, khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử, biểu dương lực lượng, đoàn kết với các giai tầng, quyết tâm đi đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta.
Các đồng chí và anh chị em đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động thân mến!
Trong tiến trình phát triển của cách mạng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn. Giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là sau 35 năm đổi mới, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc. Năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã quyết định lấy tháng 5 hàng năm là "Tháng Công nhân". Từ đó đến nay, "Tháng Công nhân" hàng năm được Công đoàn Việt Nam chủ trì phối hợp với các địa phương, ngành, doanh nghiệp tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; đồng thời phát huy vai trò tiên phong, năng lực sáng tạo của công nhân, viên chức, lao động trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Tháng Công nhân bước đầu trở thành điểm nhấn được cấp ủy, chính quyền, xã hội và doanh nghiệp quan tâm chăm lo, bảo vệ và phát huy vai trò của công nhân, người lao động. Tôi ghi nhận và biểu dương các cấp Công đoàn đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, luôn nỗ lực, sáng tạo triển khai các hoạt động có ý nghĩa để gần 10 năm qua, "Tháng Công nhân" thực sự đã trở thành những ngày hội của công nhân, viên chức, lao động cả nước.
"Tháng Công nhân" lần thứ 10, năm 2021 với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phát triển" gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tổ chức Chương trình "75 nghìn sáng kiến - vượt khó, phát triển" trong công nhân, viên chức, lao động, là cách làm sáng tạo, thiết thực để phát huy tiềm năng to lớn của giai cấp công nhân, người lao động. Tôi tin tưởng và đánh giá cao các sáng kiến của đoàn viên, người lao động cả nước vì sự lớn mạnh của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và sự phát triển của đất nước.
Chúng ta rất thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà người công nhân nói riêng và người lao động nói chung đã và đang trải qua trong bối cảnh Việt Nam cũng như toàn thế giới đang đấu tranh phòng, chống dịch Covid 19. Mất việc làm, thu nhập giảm sút, các chế độ phúc lợi bị cắt giảm, đặc biệt cuộc sống của những người ở khu vực lao động phi chính thức sẽ còn khó khăn hơn. Đảng và Nhà nước rất quan tâm và đang thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, hoàn thành "mục tiêu kép" để kinh tế chóng phục hồi, thu nhập sẽ tăng trở lại và nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra không chỉ bù đắp cho giai đoạn vừa rồi mà còn tạo ra "sức bật lò xo" cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Bên cạnh nhiều biện pháp quan trọng được đưa ra, từ năm 2020, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đồng thời Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động triển khai sâu rộng ở mọi cấp, mọi ngành. Đây là cách làm phù hợp với thực tiễn, tạo sức mạnh cộng hưởng nguồn lực và những hoạt động thiết thực ở cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp trong việc quan tâm, bảo vệ người lao động. Chủ đề năm 2021 "Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên" là rất phù hợp trong bối cảnh chúng ta đang chủ động, tích cực phòng, chống dịch Covid-19.
Thưa các đồng chí, thưa anh chị em đoàn viên và người lao động cả nước thân mến!
Hiện nay, Việt Nam chúng ta có trên 16 triệu công nhân, hàng năm đang trực tiếp sản xuất tạo ra 60% tổng sản phẩm trong nước và 70% ngân sách nhà nước. Vậy nhưng, đời sống của một bộ phận công nhân còn khó khăn. Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy có 12 vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân lao động hiện nay, trong đó đứng đầu là tiền lương, thu nhập, việc làm; nhà ở; môi trường làm việc; khu vui chơi giải trí; nhà gửi trẻ; trường học cho con; điều kiện lao động; bảo hộ, an toàn lao động. Đại dịch thậm chí đã làm những vấn đề này trở thành cấp bách, khó khăn hơn lúc nào hết. Cấp ủy, chính quyền các cấp cùng tổ chức Công đoàn đã và đang nỗ lực giải quyết có hiệu quả những vấn đề lớn của công nhân.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng ta khẳng định tiếp tục kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhân buổi lễ trọng thể này, tôi xin trao đổi, gợi ý một số nội dung, đề nghị các đồng chí tiếp tục suy nghĩ và tổ chức thực hiện:
Thứ nhất, sớm xây dựng chương trình hành động của Công đoàn Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bảo đảm khoa học, cụ thể, khả thi, tập trung lựa chọn các nội dung liên quan trực tiếp đến lao động, công đoàn, phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội, phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong của giai cấp công nhân và đội ngũ công nhân, viên chức, lao động cả nước trong triển khai đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Thứ hai, các cấp Công đoàn cần tiếp tục đổi mới cách thức hoạt động, đi sâu, đi sát với đời sống đoàn viên công đoàn, người lao động; vui với niềm vui của người lao động, buồn với nỗi buồn của người lao động. Như Bác Hồ đã dạy: Cán bộ công đoàn phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bàn bạc với công nhân. Các sáng kiến phải thiết thực, các chương trình phải hiệu quả, cách làm phải sáng tạo. Tất cả hướng đến thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Các cấp ủy và người đứng đầu chính quyền, doanh nghiệp định kỳ gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại với công nhân, giải quyết kịp thời những vấn đề công nhân quan tâm, bức xúc, trong đó tập trung vào các tồn tại nhiều năm như vấn đề nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà trẻ - trường học, văn hóa giải trí, điều kiện lao động. Cần có sự chung tay của cả nhà nước và doanh nghiệp với công đoàn để thực hiện thành công các thiết chế của công đoàn đã được ban hành tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12-5-2017 về Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất". Tôi cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, đánh giá thật chính xác, toàn diện kết quả 10 năm thực hiện Tháng Công nhân để tiếp tục đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả hơn Tháng Công nhân trong những năm tới.
Thứ ba, phát động và triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết đại hội đảng các cấp. Trước mắt, cần nâng cao nhận thức về những nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; về chủ đề và nội dung hành động trong Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021; về quyền và trách nhiệm của cử tri để sáng suốt lựa chọn người có đức, có tài vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ mới.
Khơi dậy trong đoàn viên, người lao động cả nước tinh thần đổi mới sáng tạo, khát khao cống hiến, quyết tâm chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu; tự tin, tự giác, tự hào khi được đóng góp trí tuệ, nhiệt huyết của mình cho sự phát triển của đất nước. Biểu dương, khen thưởng kịp thời người lao động, những tập thể có sáng kiến hiệu quả, thành tích nổi bật, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội.
Kính thưa các đồng chí,
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên thế giới và ở một số quốc gia trong khu vực, chúng ta không được phép lơ là, chủ quan, tôi đề nghị toàn thể nhân dân, trong đó có đội ngũ công nhân, người lao động đề cao cảnh giác, thực hiện các khuyến nghị 5K của Bộ Y tế, trước hết là đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở nhắc nhở, động viên công nhân, người lao động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch.
Nhân dịp này, tôi đề nghị các bộ, các ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.
Thưa toàn thể các đồng chí!
Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên đưa vào chủ đề Đại hội vấn đề khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là yêu cầu, là lời hiệu triệu của Đảng, của đất nước đối với mỗi người Việt Nam yêu nước, tạo động lực mạnh mẽ, sức mạnh to lớn đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vững vàng tiến lên phía trước. Tôi đề nghị mỗi đoàn viên, người lao động cả nước, phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, không ngừng nỗ lực, đổi mới sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp sức mình cùng cả nước thực hiện khát vọng của dân tộc. Tôi tin tưởng rằng mỗi công nhân lao động, mỗi người dân Việt Nam đều có khát vọng thì chắc chắn cả dân tộc ta sẽ thực hiện được khát vọng đất nước hùng cường, nhân dân hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.
Với tinh thần bất diệt của Ngày Quốc tế Lao động 1-5, với bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, tôi kỳ vọng giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam sẽ có bước phát triển mới, giành được nhiều thành tích to lớn hơn nữa, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tôi xin kính chúc toàn thể các đồng chí và quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công, có ngày nghỉ Lễ Chiến thắng và Quốc tế Lao động 1-5 vui vẻ, an toàn, nhiều ấn tượng!
Xin trân trọng cảm ơn!