Bà T. phát hiện gò má trái nổi u sần cách đây 1 năm. Gần đây, khối u tăng nhanh về kích thước, rắn chắc, màu đen nổi gồ trên bề mặt da, kèm theo chảy dịch viêm, buộc phải nhập viện.
Bác sĩ Khoa Ngoại Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng), cho biết kích thước khối u của bà P.T.T đã lên tới 13cm2.
Bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư da vùng má trái giai đoạn III, cần cắt rộng loại bỏ tổn thương, tạo hình che phủ. Các thầy thuốc cắt bỏ khối ung thư, lấy bỏ một phần cơ nâng góc miệng và cơ vòng ổ mắt. Tổn khuyết để lại sau cắt bỏ khối ung thư rộng chiếm 1/2 má trái (khoảng 16cm2) đã được tạo hình che phủ bằng cách dùng vạt da lân cận vùng cằm, cổ bên xoay chuyển lên.
Sau phẫu thuật, khuôn mặt của người bệnh không bị co kéo hay biến đổi giải phẫu, vạt da tạo hình sống tốt.
Trường hợp thứ hai cũng có chẩn đoán ung thư da là bà N.T.G. Khối u xuất hiện ở vùng mi trên mắt trái của bà cách đây hơn 1 năm. Bác sĩ thông báo bệnh bà đã ở giai đoạn III, kích thước khối tổn thương khoảng 10cm2, chiếm gần toàn bộ bờ mi trên, nổi gồ lên, che khuất tầm nhìn toàn bộ mắt trái, rắn chắc, loét chảy dịch viêm và rướm máu mùi khó chịu.
Người bệnh đã được bác sĩ tiến hành cắt rộng toàn bộ khối u, tạo hình che phủ đóng kín tổn khuyết, kết hợp khâu phục hồi lại cân cơ nâng mi giúp việc vận động nhắm mở mắt tốt hơn.
Theo bác sĩ Bùi Văn Quang, Khoa Ngoại Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ, nốt ruồi bất thường hay một vùng da đỏ, nâu sần sùi giống như vảy hoặc mụn cơm là những dấu hiệu phổ biến của bệnh ung thư da.
"Tuy nhiên, những dấu hiệu này thường dễ bị bỏ qua, chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng hơn, gây ảnh hưởng sức khỏe, thẩm mỹ thì mới phát hiện ung thư da", bác sĩ Quang cho hay.
Bác sĩ Quang cho biết hai người bệnh đều có khối ung thư da lớn trên mặt, nhưng do không xử lý sớm đã phát triển to, gây ảnh hưởng lớn. Đặc biệt đây là những vùng da rất khó để thực hiện tạo hình sau khi cắt khối ung thư.
Khối ung thư lớn, đặc biệt da vùng mi mắt rất mỏng và tổ chức mô liên kết lỏng lẻo, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc tái tạo các tổn khuyết vùng mặt, ngoài phục hồi cấu trúc về chức năng, hình thể còn đòi hỏi tính thẩm mỹ, đây cũng là thách thức với phẫu thuật viên.
Theo bác sĩ Quang, ung thư da không phải loại ung thư nguy hiểm nhất nhưng lại gây nhiều biến chứng và khó lành, đặc biệt vùng ung thư da vùng hàm - mặt gây tâm lý tự ti với người bệnh. Trong khi đó, việc tầm soát sàng lọc định kỳ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tới 50-70%.
Dấu hiệu loại ung thư da hay gặp nhất
Ung thư biểu mô tế bào đáy là loại ung thư da thường gặp nhất, chiếm khoảng 75% số ca ung thư da. Trên lâm sàng, loại ung thư này có những đặc điểm là tổn thương bóng, hồng hoặc có sắc tố, bờ nổi cao hình chuỗi hạt ngọc trai hoặc những tổn thương giống sẹo xơ cứng.
Bệnh thường bắt đầu là u kích thước từ một đến vài cm, tiến triển chậm, không ngứa, không đau nên người dân thường không để ý đến. Tuy nhiên, chúng có thể gây viêm nhiễm, loét, hoại tử, phá hủy tổ chức tại chỗ.
Cách phòng bệnh ung thư da tốt nhất là bảo vệ da khỏi những tác hại của ánh nắng mặt trời bằng cách:
- Mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành đi ra ngoài trời.
- Bôi kem chống nắng thường xuyên và đúng cách, nhất là vùng da mặt vì đây là khu vực tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời.
- Hạn chế tiếp xúc lâu với ánh nắng, đặc biệt là trẻ em.
- Ngoài ra, cần thăm khám ngay với bác sĩ nếu phát hiện tổn thương trên da có nổi u, cục nhìn như "nốt ruồi"; hoặc xuất hiện các mảng màu da bất thường, có dấu hiệu lan ra, phát triển theo thời gian.
Bệnh nhân có dấu hiệu ngạt mũi, đau nhức vùng mặt trái, được điều trị viêm xoang nhưng không khỏi. Sáu tháng sau, khi đến Bệnh viện K, bác sĩ chẩn đoán đây là biểu hiện của bệnh ung thư.
Trước khi nhận chẩn đoán mắc ung thư, bệnh nhân bị đau vùng thắt lưng trái âm ỉ từ 6 tháng trước. Một tuần trước khi vào viện, cơn đau dữ dội hơn, lan xuống dưới.